Có thể bạn sẽ quan tâm
Nhận dạng Khách hàng vay vốn có dấu hiệu rủi ro
- Đối với Khách hàng cá nhân vay vốn có dấu hiệu rủi ro
- Khách hàng nói dối
- Làm giả hồ sơ
- Không nhiệt tình trong việc cung cấp tài liệu, hỗ trợ thẩm định thực tế
- Khách hàng có những dấu hiệu bất thường một cách bất ngờ
- Những dấu hiệu khác
- Đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn có dấu hiệu rủi ro
- Báo cáo tài chính không trung thực
- Hồ sơ tài chính méo mó, cắt dán, không trung thực
- Phương thức kinh doanh phức tạp, không rõ ràng về tài chính
- Tư cách lãnh đạo Doanh nghiệp yếu
- Tình hình vay nợ các Tổ chức tín dụng khác
Chuyên viên Tín dụng mỗi Ngân hàng luôn có cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng vay vốn từ cá nhân nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào những vị khách của bạn cũng là những vị “khách tốt”. Có những khách hàng khiến chuyên viên Tín dụng phải nghi ngờ về độ tin cậy và tính rủi ro khi vay vốn. Khi khách hàng có những dấu hiệu đáng ngờ không đồng nghĩa với việc chuyên viên Tín dụng không cho vay. Bạn hoàn toàn có thể cho vay được nếu làm rõ được nguyên nhân tại sao khách hàng lại có các dấu hiệu mà bạn đang cho là rủi ro đó. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm nhận diện khách hàng rủi ro một cách đơn giản.
Đối với Khách hàng cá nhân vay vốn có dấu hiệu rủi ro
Khách hàng nói dối
Đây là dấu hiệu đầu tiên và cũng khá dễ kiểm chứng trong một số trường hợp. Nếu khách hàng nói “quan hệ với chúng ta là lần đầu, chưa từng đi tìm hiểu ở đâu”; nhưng khi tra CIC ta thấy dư nợ hoặc đơn giản ta thấy danh sách các Ngân hàng khác cũng từng tra CIC về khách hàng này thì có nghĩa khách hàng đã nói dối! Hoặc khách hàng cung cấp thông tin sai so với hồ sơ cung cấp (dễ dàng kiểm chứng qua hồ sơ).
Việc khách hàng nói dối chứng tỏ họ đang che đậy một điều gì đó. Đừng vội từ chối, hãy động viên họ nói thật. Bạn có thể quyết định sau khi nghe khách hàng trình bày lý do.
Làm giả hồ sơ
Với đối tượng khách hàng này thì bạn nên quên khách hàng này đi (nếu họ cố ý làm giả vì mục đích vay vốn).
Những hồ sơ khách hàng cá nhân hay làm giả bao gồm: hồ sơ chứng minh năng lực tài chính; hồ sơ chứng minh nguồn trả nợ;… (đặc biệt đối với KHCN làm việc tại các tổ chức không trả lương qua tài khoản, công ty nhỏ…)
Không cung cấp đầy đủ thông tin: Có những khách hàng chỉ nói những gì chuyên viên QHKH hỏi, không chia sẻ thông tin. Với những khách hàng này, có thể do khách hàng không biết; nhưng cũng có thể họ có ý muốn che giấu. Nếu chuyên viên QHKH ít kinh nghiệm thì gần như không thể tránh được khác có dấu hiệu này. Ở một mức độ nào đó, trách nhiệm của tình huống này thuộc về chuyên viên QHKH.
Không nhiệt tình trong việc cung cấp tài liệu, hỗ trợ thẩm định thực tế
Giống trường hợp khách cung cấp không đủ thông tin. Nếu không có lý do chính đáng (bận việc thật sự, đi công tác…) thì đây cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Khách hàng có những dấu hiệu bất thường một cách bất ngờ
Đa phần người vay vốn đều quan tâm đến lãi suất. Tuy nhiên với một số khách hàng tuyên bố: lãi thế nào cũng được; cứ cho anh/chị vay tối đa có thể; hoặc khách nói mới đi vay vốn lần đầu nhưng mang nguyên bộ hồ sơ đầy đủ như ngân hàng yêu cầu;… thì Chuyên viên QHKH cần thẩm định kỹ, xem xét rõ lý do và nguyên nhân.
Những dấu hiệu khác
Có quá nhiều tài sản mà không lý giải được nguồn gốc.
Mỗi ngày đi một xe ô tô khác nhau.
Hẹn hò chuyên viên QHKH ở quán cafe hơn là tại nhà riêng và cơ quan…
Đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn có dấu hiệu rủi ro
Báo cáo tài chính không trung thực
Doanh nghiệp ở Việt Nam (có thể) có nhiều hệ thống báo cáo tài chính phục vụ các mục đích khác nhau. Nếu báo cáo cung cấp cho Ngân hàng không trung thực (Chuyên viên QHKH có thể kiểm tra theo cách của kiểm toán độc lập với một số chỉ tiêu chính có thể so sánh với tài liệu bên thứ 3 như: Nợ ngắn hạn; dài hạn (so sánh với CIC); tiền gửi Ngân hàng (so sánh với sao kê tài khoản); khoản phải thu, phải trả (so sánh với bảng kê, hồ sơ khách hàng cung cấp) tài sản cố định (so sánh với bảng kê, so sánh bảng kê với thực tế…).
Nếu báo cáo của khách không trung thực, hãy yêu cầu họ làm lại hoặc giải thích.
Xem thêm: Phân tích Báo cáo tài chính – Những dấu hiệu nguy hiểm
Hồ sơ tài chính méo mó, cắt dán, không trung thực
Kiểm tra phần này tương đối dễ. Cách đơn giản nhất là so sánh với tờ khai thuế GTGT hàng tháng; và bảng kê hóa đơn đi kèm. Xem kỹ các hợp đồng đầu ra đầu vào xem có cắt dán không (vì thường là bản photo khách hàng tự sao y nên khả năng tự chế khá cao).
Phương thức kinh doanh phức tạp, không rõ ràng về tài chính
Trong quá trình đọc báo cáo, phỏng vấn khách hàng; nếu bạn thấy mâu thuẫn về vấn đề này thì cần phải tìm hiểu thật kỹ; đặc biệt đối với các tình huống khách hàng cung doanh các mặt hàng đặc thù.
Tư cách lãnh đạo Doanh nghiệp yếu
Nếu tư cách lãnh đạo doanh nghiệp yếu thì chắc chắn và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hãy thận trọng với các thông tin liên quan đến tư cách của lãnh đạo doanh nghiệp.
Tình hình vay nợ các Tổ chức tín dụng khác
Doanh nghiệp chưa đi vay bao giờ và doanh nghiệp đi vay quá nhiều nơi với kiểu vay mỗi nơi một ít cần lưu ý như nhau. Chuyên viên QHKH cần làm rõ lý do dẫn đến hiện tượng này.
Trên đây là một số cách để bắt bài những khách hàng vay vốn đáng ngờ mà bạn có thể tham khảo. Để tránh những rủi ro cho công việc của mình, chuyên viên QHKH cần cẩn trọng trong khâu đánh giá khách hàng vay vốn. Hi vọng bài viết do UB Academy biên soạn đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc của mình. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kiến thức của UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới về ngành.