messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Phân Tích Báo Cáo Tài Chính – Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm

Một số lưu ý khi đọc báo cáo tài chính hay phân tích báo cáo tài chính (BCTC) là rất cần thiết cho các nhà đầu tư nói chung, và nhân viên Ngân hàng nói riêng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số dấu hiệu, mánh khóe của các chủ Doanh nghiệp trong việc lập và trình bày BCTC nhằm đánh lừa chuyên viên ngân hàng trong quá trình tiếp cận thông tin.

1. Mục tiêu phân tích báo cáo tài chính

Phân Tích Báo Cáo Tài Chính – Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm

Báo cáo tài chính bao gồm bốn loại bảng là bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, bảng lưu chuyển tiền tệ, bảng thuyết minh báo cáo tài chính. Những bảng này cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp.

Bên cạnh đó còn có các thông tin về tài sản, nguồn vốn, tình hình tài chính, sử dụng tiền của doanh nghiệp. Qua các kết quả báo cáo này giúp nhận định tình hình kinh doanh, lợi nhuận, lỗ lãi của doanh nghiệp từ đó giúp nhà đầu tư ra quyết định chính xác.

Phân tích báo cáo tài chính là phân tích tổng thể tình hình hoạt động, khả năng trả nợ, những gì mà doanh nghiệp đang có, đã đạt được qua năm báo cáo. Thông qua kết quả hoạt động cùng những giá trị liên quan được báo cáo đánh giá doanh nghiệp có đáng đầu tư.

2. Những dấu hiệu nguy hiểm

Phân Tích Báo Cáo Tài Chính – Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm

2.1. Giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu

Tốc độ tăng trưởng doanh thu qua các năm nếu giảm sút thì đó là một dấu hiệu cần lưu ý. Nó có thể dự báo về một tương lai không mấy sáng sủa cho sự phát triển và tình hình tài chính của công ty.

Khi doanh thu không tăng trưởng thì dù có cắt giảm mạnh các chi phí (nhằm duy trì tăng trưởng lợi nhuận) cũng khó có được sự lành mạnh về tài chính của công ty. Bởi thế mối quan tâm hàng đầu của nhà quản lý và nhân viên ngân hàng khi xem xét, phân tích BCTC luôn là tốc độ tăng trưởng doanh thu qua các năm.

2.2. Các khoản phải thu tăng nhanh hơn doanh thu

Khi phân tích BCTC, điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là công ty bán được hàng nhưng không thu được tiền, hoặc thu rất chậm. Một rủi ro quá lớn cho công ty trong hoạt động tín dụng.

Khi nhìn thấy dấu hiệu này, các nhà quản lý và nhân viên ngân hàng cần xem xét sâu hơn về Vòng quay tiền mặt (cash conversion cycle). Tức khoản thời gian từ khi bạn móc ví trả cho nhà cung cấp, cho đến khách hàng trả tiền cho bạn.

2.3. Hàng tồn kho tăng nhanh hơn doanh thu

Thể hiện hàng không bán được. Nếu hàng tồn kho có các đặc tính như thời gian hư hỏng mau (mặt hàng thực phẩm) hoặc dễ bị lỗi thời (mặt hàng thời trang) thì đây là một rủi ro rất lớn.

Vì vậy bạn đọc cũng cần nhớ rằng, việc quản lý hàng tồn kho luôn là một khoản tốn kém (hư hỏng, lỗi mode, chi phí lưu kho…). Chỉ cần đảm bảo đủ nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất, hay đủ hàng hóa cho khách hàng khi đặt mua (nguyên vật liệu hay hàng hóa đều là hàng tồn kho), các doanh nghiệp nên giữ hàng tồn kho ở mức thấp nhất có thể. Thậm chí, một số doanh nghiệp thương mại chỉ mua hàng về từ nhà cung cấp khi có khách hỏi mua, hoặc đặt hàng (chỉ làm thế khi doanh nghiệp có thể cam kết về tốc độ giao hàng).

2.4. Giảm hoặc miễn thuế TNDN

Thông thường, khi doanh nghiệp được giảm hoặc miễn thuế TNDN thì đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, khi bạn đọc dùng những số liệu tài chính này để đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, bạn cần biết trong những năm sắp tới doanh nghiệp có tiếp tục được giảm, hay miễn thuế TNDN hay không. Bạn có thể “quên” đưa những khoản này vào dự phóng báo cáo tài chính, dẫn đến mọt đánh giá sai lầm về tài chính của doanh nghiệp trong tương lai.

Tham khảo thêm: Hướng dẫn phân tích chỉ số tài chính của doanh nghiệp

2.5. Lợi nhuận khác (lãi/lỗ từ các hoạt động không thường xuyên)

Khoản mục lợi nhuận khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thường là những khoản lãi/lỗ không mang tính chất thường xuyên, tức trong những năm tới sẽ không xảy ra.

Khi phân tích BCTC, bạn không nên so sánh các khoản mục lợi nhuận khác qua các năm, vì bản chất của chúng là những khoản mục bất thường.

Do vậy, khi dự đoán EPS cho những năm tới (lập dự phóng BCTC), bạn nên điều chỉnh và đưa những khoản này ra.

Nhưng chờ đã, có một mánh khóe ở đây.

Các vị chủ Doanh nghiệp có thể có một điều chỉnh nhẹ nhằm đánh lừa nhân viên Ngân hàng rằng mọi thứ vẫn ổn.

Cụ thể như sau:

Có những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên các vị chủ Doanh nghiệp có thể yêu cầu kế toán đưa những khoản lỗ này vào khoản mục lợi nhuận khác (lãi/lỗ từ các hoạt động không thường xuyên). Bằng cách đó, vị chủ Doanh nghiệp đã đánh lừa nhà đầu tư và thuyết phục họ rằng khoản lỗ này chỉ xảy ra trong năm nay thôi, năm tới sẽ không có nữa. Vì suy cho cùng, khoản mục này nó mang tính chất không thường xuyên mà.

Vì vậy, khi xem xét khoản mục lợi nhuận khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bạn cần xác định bản chất thực của những khoản mục chi tiết trong này là không thường xuyên, hay nó sẽ xảy ra trong các kỳ tương lai tiếp theo.

2.6. Mối liên hệ giữa dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận trước thuế (lãi/lỗ thuần)

Khi quan tâm kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế không nói lên tất cả. Vì sao IFRS/IAS và VAS đều yêu cầu có báo cáo lưu chuyển tiền tệ? Bởi vì chỉ xem xét lợi nhuận trước thuế là chưa đủ, nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh cũng là một số dương (+).

Dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh là một khoản mục trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Nếu cả hai khoản mục là lợi nhuận trước thuế dòng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh đều dương (+), tức tình huống 1, nói lên chất lượng lợi nhuận của công ty là tốt. Ngược lại, cả hai đều âm (-), tức tình huống 2, thì tình hình đang khá tồi tệ. Và nếu tình huống này liên tục xuất hiện qua nhiều kỳ, doanh nghiệp này đang trong tình trạng báo động đỏ.

Mối liên hệ Tình huống 1 Tình huống 2 Tình huống 3 Tình huống 4
Lợi nhuận trước thuế (+) (-) (+) (-)
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (+) (-) (-) (+)

Lưu ý:

  • Ở các tình huống số 2 và 3, bạn cần xem xét kỹ về giai đoạn kinh doanh và đặc thù ngành để có thể ra kết luận.
  • Chẳng hạn, một công ty đang trong giai đoạn phát triển nhanh có thể đầu tư rất lớn trong hàng tồn kho và cung cấp tín dụng cho khách hàng mới (tức cho nợ). Do vậy dẫn đến tài sản ngắn hạn tăng nhanh, doanh thu bán hàng không thu được tiền ngay và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.
  • Hoặc đặc thù ngành kinh doanh cần đầu tư vốn lớn, khấu hao lớn, không được ghi nhận giá trị thị trường tài sản,… như bất động sản, bạn cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Nguồn: U&Bank

3. Những lưu ý khi phân tích báo cáo tài chính

Phân Tích Báo Cáo Tài Chính – Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm

Để đầu tư hiệu quả thì việc phân tích báo cáo tài chính phải đảm bảo chính xác nhìn nhận được xu hướng khả năng hay các mối nguy cơ của doanh nghiệp. Chính vì vậy sự hiểu biết về các thuật ngữ, chỉ số là điều cần có, từ đó có thể đánh giá phân tích hiệu quả hơn.

Ngoài việc cần hiểu các thông tin này bạn còn nên lưu ý nên phân tích cả 4 bảng báo cáo tài chính thay vì một bảng báo cáo hoạt động kinh doanh. Bởi các bảng khác sẽ mô tả đầy đủ các chi tiết thông tin khác quan trọng không kém.

3.1. Bảng cân đối kế toán

Ở bảng này bạn cần chú ý từng khoản mục ví dụ như sau:

  • Tiền và các tài khoản tương đương tiền của doanh nghiệp qua các năm có tăng lên không. Điều này thể hiện khả năng làm ra tiền của doanh nghiệp
  • Các khoản phải thu khách hàng càng cao càng đáng lưu ý. Việc này cho thấy doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn, hoặc doanh thu có vấn đề, nợ xấu từ đối tác
  • Trả trước người bán cũng là một khoản cần phải lưu ý. Nếu khoảng này cao thì cho thấy đây là một việc làm không khôn ngoan.
  • Các khoản phải thu về cho vay của doanh nghiệp là bao nhiêu, cho ai vay, bao giờ thu được. Khoản này có đang chiếm dụng vốn của doanh nghiệp hay không.
  • Đầu tư tài chính ngắn hạn có lãi từ 9 – 10%/năm là mức khả quan còn nếu thấp hơn là lỗ, hoặc chuyển tiền ra ngoài
  • Nợ phải trả, hàng tồn kho càng cao thì càng đáng báo động

Nói chung mỗi khoản đều mang ý nghĩa nên người đầu tư cần kiểm tra phân tích chuyên nghiệp để có nhận định chính xác.

3.2. Bảng báo cáo hoạt động kinh doanh

Khi nhìn vào bảng này nhà đầu tư cần nhận thấy được các mức rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì mới có lợi cho nhà đầu tư.

Khi doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp từ 10 – 12% là một điều đáng lo ngại bởi dễ bị đối thủ cạnh tranh thị phần dễ dàng thông qua giá cả, chiết khấu. Ngoài ra cần xem xét lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, chi phí lãi vay, lãi vay.

Thêm vào đó phân tích báo cáo tài chính này cần xác định xem lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ đâu, có phải hoạt động kinh doanh chính.

3.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Trong kinh doanh việc quay vòng vốn là cực kỳ quan trọng vậy nên bạn nên phân tích bảo báo cáo này để có thêm nhận định cho mình. Đôi khi doanh nghiệp hoạt động ghi nhuận doanh thu cao hoạt động có lãi nhưng lãi còn kẹt lại ở các khoản phải thu.

Đây chính là điều đáng lo ngại vì sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nếu cứ tiếp tục một vòng tuần hoàn như vậy. Thậm chí các trường hợp cũng có nguy cơ phá sản, việc quản trị được dòng tiền, thu hồi công nợ tốt sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động an toàn hơn.

Lời khuyên cho những nhà đầu tư khi phân tích báo cáo tài chính chính là lưu ý về dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền này âm thì đây là một việc đáng lo ngại bởi có nhiều gánh nặng.

Khi ấy hãy xem xét mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về quy tắc dòng tiền của doanh nghiệp và đưa ra quyết định chính xác.

Kết luận

Trên đây là những dấu hiệu chứng tỏ mức độ nguy hiểm của các bản báo cáo tài chính doanh nghiệp. Là một nhân viên ngân hàng làm việc trực tiếp với BCTC, bạn cần nắm rõ các thủ thuật phù phép BCTC để tránh mắc bẫy. Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB AcademyDiễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới nhất về ngành.