messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Nguyên tắc 5C là gì? Mục đích và ý nghĩa của 5C trong thẩm định tín dụng

Nguyên tắc 5C trong tín dụng (Five Cs of Credit) – một trong những nhóm chỉ số quan trọng khi tiến hành thẩm định tín dụng một hợp đồng vay vốn.

Nguyên tắc 5C trong tín dụng (Five Cs of Credit) được biết đến là một trong những nhóm chỉ số quan trọng trong quá trình tiến hành thẩm định tín dụng một hợp đồng vay vốn. Cụ thể, mục đích và ý nghĩa của 5C trong thẩm định tín dụng như thế nào, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết nhé!

1. Nguyên tắc 5C là gì?

nguyên tắc 5c trong tín dụng

Nguyên tắc 5C là gì?

Nguyên tắc 5C là viết tắt của 5 từ tiếng Anh, cũng là 5 đặc điểm về người đi vay và khoản vay được xem xét khi thẩm định tín dụng. Bao gồm: Character (Thái độ, sự thể hiện của khách hàng), Capacity (Năng lực), Capital (Cấu trúc vốn), Collateral (Tài sản thế chấp), Conditions (Các điều kiện khác).

2. Các yếu tố quan trọng cấu thành nguyên tắc 5C

nguyên tắc 5c trong tín dụng

2.1 Capacity – Cash flow (Năng lực – Luồng tiền dự tính trả nợ)

Yếu tố được coi là quan trọng nhất trong nguyên tắc 5C trong Tín dụng.

Năng lực đề cập đến khả năng điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn trả khoản vay thành công của khách hàng. Ngân hàng muốn biết chính xác khách hàng sẽ trả nợ bằng cách nào. Đánh giá năng lực được dựa trên việc đánh giá các yếu tố: kinh nghiệm điều hành; báo cáo tài chính quá khứ; sản phẩm; tình hình hoạt động trên thị trường và khả năng cạnh tranh.

Từ đó, ngân hàng dự tính được luồng tiền sẽ được sử dụng để trả nợ, thời gian trả nợ và xác suất trả nợ thành công của khách hàng. Việc đánh giá lịch sử các khoản vay và thanh toán các khoản vay, dù là của cá nhân hay các khoản vay thương mại cũng được coi là chỉ báo cho khả năng chi trả trong tương lai.

2.2 Capital (Cấu trúc vốn)

Là số vốn khách hàng đầu tư vào doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ yên tâm hơn nếu khách hàng có vốn chủ sở hữu đủ lớn. Vốn chủ sử hữu có thể được huy động trong quá trình hoạt động; giúp đảm bảo cho trạng thái khoản vay của ngân hàng.

Ngân hàng cũng nhìn nhận vốn chủ sở hữu như là chỉ báo của mức độ cam kết cũng như mức rủi ro của khách hàng đối với kinh doanh của mình và sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu biết khách hàng sẽ mất rất nhiều nếu công việc kinh doanh của họ không thành công. Sẽ tốt hơn nếu nguồn vốn này được lấy từ chính tài sản của cổ đông.

2.3 Collateral (Tài sản thế chấp)

Ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp của khách hàng khi khách hàng bị phá sản; hoặc mất khả năng chi trả nợ. Ngân hàng được đảm bảo quyền ưu tiên xử lý tài sản thế chấp của khách hàng trước các chủ nợ khác. Ngân hàng cũng có thể yêu cầu khách hàng sử dụng các tài sản cá nhân khác ngoài công ty làm tài sản thế chấp.

Đối với ngân hàng, đây là sự đảm bảo và là nguồn trả nợ thay thế ngoài dòng tiền trả nợ dự tính. Một số ngân hàng có thể yêu cầu có bảo lãnh cùng với tài sản đảm bảo. Bảo lãnh là hình thức bên thứ ba ký bảo lãnh cam kết thanh toán nếu người vay không trả được nợ.

2.4 Character (Thái độ, sự thể hiện của khách hàng)

Là ấn tượng chung khách hàng để lại đối với ngân hàng. Ấn tượng này có thể là khá chủ quan. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp; đối với nhiều ngân hàng, thái độ của khách hàng quyết định liệu một khoản vay nhỏ có được phê duyệt hay không. Các vấn đề chủ yếu liên quan đến thái độ đáng ngờ bao gồm: sự kém hợp tác với ngân hàng; lừa dối; các vụ kiện tụng và thua lỗ. Thời gian, chi phí kiện tụng và chi phí cơ hội có thể phát sinh do khoản vay gặp vấn đề có thể lớn hơn nhiều so với thu nhập dự tính. Vấn đề này, tuy nhiên, trở nên kém quan trọng hơn đối với các khoản vay cho công ty lớn được điều hành bởi một nhóm cá nhân.

Ngoài ra, một số yếu tố định tính khác như trình độ học vấn, kinh nghiệm điều hành kinh doanh, phẩm chất cá nhân của khách hàng cũng được xem xét.

2.5 Conditions (Các điều kiện khác)

Liệu khoản vay sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, mua sắm máy móc hay dự trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho? Ngân hàng sẽ đánh giá tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phân tích ngành kinh doanh doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các ngành hoạt động liên quan có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

2.6 Chữ C thứ 6 – Coverage (Bảo hiểm)

Đôi khi chúng ta có thể xét thêm một chữ C thứ 6 trong bộ nguyên tắc 5C trong Tín dụng. Có thể là khoản bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh hay bảo hiểm cho những lãnh đạo chủ chốt nếu quyền điều hành được tập trung trong tay một số ít cá nhân. Trong trường hợp một lãnh đạo chủ chốt chết hay mất năng lực hành vi, bảo hiểm sẽ đảm bảo ngân hàng sẽ được thanh toán nếu doanh nghiệp không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ.

3. Phân tích cụ thể 5C trong Tín dụng

nguyên tắc 5c trong tín dụng

3.1 Luồng tiền

  • Dòng tiền điều chỉnh cùng tiền mặt thực có; Dòng tiền quá khứ và tương lai;
  • Phân tích thu nhập trước lãi, thuế và khấu hao (EBITDA): Thành tố cấu thành nên EBITDA; Thu nhập quá khứ; Chi phí bất thường; Xu hướng doanh thu và lợi nhuận gộp; Xu hướng chi phí hoạt động; Chi phí khấu hao trong tương quan với mua sắm tài sản dài hạn;
  • Phân tích hòa vốn
  • Tỷ lệ Nợ/Thu nhập
  • Tỷ lệ tiền mặt hiện có/Nợ (Debt Service Coverage – DSCR).

3.2 Năng lực trả nợ

  • Hồ sơ lý lịch ban điều hành
  • Hồ sơ lý lịch đội ngũ cán bộ chủ chốt
  • Kế hoạch kinh doanh
  • Phân tích năng lực kinh doanh và năng lực kỹ thuật.

3.3 Tài sản thế chấp

  • Hệ số thanh khoản (không phải lượng tiền mặt): Ví dụ như hệ số thanh khoản của xe cộ là 75%
  • Hồ sơ về tài sản: Xác định quyền sở hữu và giá trị tài sản.

3.4 Vốn chủ sở hữu

  • Phân tích Bảng cân đối kế toán
  • Phân tích tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu
  • Phân tích cơ cấu vốn chủ sở hữu.

3.5 Thái độ – Tư cách khách hàng

  • Báo cáo tín dụng
  • Lịch sử trả nợ
  • Lượng tài sản đã thế chấp
  • Người bảo lãnh; người tham chiếu thông tin.

Theo Saga.vn

4. Mục đích của việc thẩm định tín dụng 5C

nguyên tắc 5c trong tín dụng

Mục đích của việc thẩm định nguyên tắc tín dụng 5C

Như đã nói, nguyên tắc tín dụng 5C là xem xét 5 đặc điểm quan trọng của người đi vay và khoản vay của họ. Qua việc phân tích những yếu tố này, tổ chức cấp tín dụng sẽ có cơ sở để đánh giá đâu là một khoản cho vay tốt, cũng như đánh giá được độ tin cậy đối với khách hàng vay.

Nguyên tắc 5C còn giúp người cho vay ước tính được khả năng không thể trả nợ của khách hàng, dự báo rủi ro về tổn thất tài chính có thể xảy ra. Từ đó, chính là cơ sở quan trọng để tổ chức cấp tín dụng đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối hồ sơ vay. Còn đối với người đi vay, hiểu về quy tắc 5C trước khi nộp hồ sơ vay sẽ giúp họ có cái nhìn rõ ràng nhất trong quy trình thẩm định. Nhờ vậy, sẽ có phương hướng chuẩn bị cho mình tốt hơn.

5. Ý nghĩa của nguyên tắc 5C trong thẩm định tín dụng

nguyên tắc 5c trong tín dụng

Áp dụng nguyên tắc tín dụng 5C trong thẩm định, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng như người cho vay có thể đánh giá được sự tin cậy của người vay. Người cho vay sẽ hiểu được toàn diện về tình hình tài chính của người vay, mức độ rủi ro của khoản vay, từ đó đưa ra quyết định hợp lý.

Còn người đi vay, thông qua nguyên tắc 5C có thể tự đánh giá hồ sơ vay của mình, có thể phát huy những điểm tốt và cố gắng cải thiện yếu tố mình còn thiếu như:

  • Lên kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý. Xem xét lại các khoản chi không cần thiết, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi.
  • Cố gắng thanh toán các khoản vay hiện tại đúng hạn. Hạn chế tối đa các khoản nợ quá hạn.
  • Sử dụng các khoản vay có mục tiêu rõ ràng, lập ra kế hoạch trả nợ hợp lý.
  • Cân nhắc về việc trả trước 1 phần tiền hoặc ký quỹ 1 số vốn khi vay. Đưa ra những tài sản đảm bảo để tăng thêm uy tín để thương lượng về điều kiện vay có lợi hơn.

Kết bài

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về nguyên tắc 5C trong tín dụng, mục đích và ý nghĩa của nguyên tắc này trong việc thẩm định tín dụng một hợp đồng vay vốn. Nếu muốn biết thêm nhiều thông tin hữu ích, các bạn đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kinh nghiệm UB Academy, Diễn đàn U&Bank  để cập nhật thêm những tin tức mới mẻ.