Có thể bạn sẽ quan tâm
Lộ Trình Ôn Thi Ngân Hàng Hiệu Quả Mà Bạn Nên Biết
Khi nguồn thông tin trên mạng trở nên dễ dàng tiếp cận, ứng viên dường như trở nên thiếu sự chủ động tìm kiếm. Không ít ứng viên vẫn đang loay hoay với những lộ trình ôn thi Ngân hàng kém hiệu quả. Bài viết dưới đây được UB Academy tổng hợp và gửi đến bạn đọc về lộ trình ôn thi Ngân hàng cô đọng và trọng tâm.
1. Tìm hiểu về thị trường tuyển dụng Ngân hàng
Khi bạn muốn bắt đầu công việc ở một lĩnh vực nào đó, bạn cần dành thời gian tìm hiểu tổng quan về thị trường tuyển dụng của ngành đó. Và Ngân hàng cũng vậy. Bạn cần tìm kiếm các thông tin như: Ngành thường tuyển dụng vào khoảng thời gian nào?; Khẩu vị tuyển dụng của các nhóm Ngân hàng như thế nào?; Với năng lực hiện tại của bản thân mình, mình nên lựa chọn Ngân hàng nào?
Ngân hàng là ngành có độ trễ thời gian thi tuyển tương đối dài; đôi khi một CV được nộp đi nhưng 2 tháng sau bạn mới nhận được lịch thi tuyển. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, nếu bạn có cái nhìn rõ ràng về thị trường tuyển dụng của ngành, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian sau này. Có không ít trường hợp các ứng viên chủ quan, không tìm hiểu kĩ về Ngân hàng, đã đánh mất cơ hội việc làm của mình. Đồng thời, việc nắm rõ các yêu cầu tuyển dụng của Ngân hàng sẽ giúp bạn cân nhắc với năng lực, điều kiện bản thân. Từ đó, khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn.
Tham khảo thêm kinh nghiệm tìm kiếm việc làm Ngân hàng không thể bỏ qua.
2. Xác định vị trí ứng tuyển
Điều này quan trọng hơn bao giờ hết bởi trong Ngân hàng có rất nhiều vị trí. Mỗi vị trí đảm đương một phần công việc khác nhau, nghiệp vụ khác nhau, có những đặc thù khác nhau. Việc nắm rõ vị trí sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề sau:
- Xác định được vị trí phù hợp với bản thân: Bởi Đại học chẳng hề dạy các bạn phù hợp với công việc nào, hướng nội hay hướng ngoại. Vì vậy, chính bản thân các bạn cần phải hiểu mình hơn bao giờ hết để lựa chọn công việc phù hợp với mình. Việc lựa chọn vị trí phù hợp được xác định trên các yếu tố.
- Tính chất công việc phù hợp với tính cách cá nhân: Ví dụ bạn là người ưa thích giao tiếp, có khả năng chịu được áp lực tốt, bạn sẽ rất phù hợp với các vị trí Front như Quan hệ khách hàng, Giao dịch viên. Còn nếu bạn lại hướng nội, gặp trở ngại trong việc giao tiếp, không thích làm các công việc liên quan đến giao tiếp thì có lẽ bạn sẽ phù hợp với các vị trí Back trong Ngân hàng hơn.
- Nền tảng hiện tại của bạn: Điều này thể hiện ở điểm nền tảng về kiến thức và kĩ năng của bạn có đáp ứng được nhu cầu công việc hay không. Ví dụ, rõ ràng rằng nếu bạn không có khả năng Tiếng Anh tốt thì bạn sẽ không thể lựa chọn vị trí Thanh toán quốc tế vì đây là vị trí có yêu cầu bắt buộc về khả năng Tiếng Anh. Hay bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng muốn làm việc các vị trí Quản trị rủi ro tại hội sở, rõ ràng điều này là không phù hợp. Đây là vị trí dành cho những bạn đã có kinh nghiệm tối thiểu 6 tháng – 1 năm.
- Định hướng công việc của bản thân: Khi lựa chọn vị trí bạn cũng nên quan tâm đến lộ trình thăng tiến của vị trí đó để xem điều đó có phù hợp với những gì bạn mong muốn hay không.
Lưu ý:
Trong Ngân hàng có rất nhiều vị trí; tuy nhiên dưới góc độ các bạn chưa có kinh nghiệm; bạn hãy quan tâm các vị trí phổ thông trước. Như vậy, cơ hội bạn có được công việc sẽ cao hơn. Bạn có thể tham khảo một trong các vị trí sau đây nếu bạn là một người chưa có nhiều kinh nghiệm:
- Giao dịch viên
- Quan hệ khách hàng
- Thẩm định tín dụng
- Hỗ trợ tín dụng
Ngành Ngân hàng hiện tại là một trong những ngành nghề có chế độ tuyển dụng công khai; tạo điều kiện cho tất cả các bạn ứng viên, kể cả các bạn học trái ngành. Vì vậy, Ngân hàng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các bạn ứng viên ngành Kinh tế nói chung. Bạn hoàn toàn có thể thi tuyển vào Ngân hàng mặc dù bạn không tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến Ngân hàng. Chỉ cần bạn có đủ hiểu biết và kỹ năng.
Ví dụ, để thi Giao dịch viên, bạn cần trang bị nghiệp vụ kế toán Ngân hàng liên quan đến công việc của GDV. Hay để ứng tuyển vị trí QHKH bạn cần trang bị nghiệp vụ tín dụng. Hãy đọc thật kỹ mô tả công việc trước khi cân nhắc ứng tuyển bất cứ vị trí nào.
3. Tìm kiếm thông tin tuyển dụng Ngân hàng
Các kênh thông tin tuyển dụng mà bạn có thể tìm kiếm trực tiếp bằng cách vào kênh tuyển dụng từng Ngân hàng. Hoặc truy cập các địa chỉ:
- Fanpage Vietnam Banking Careers: Đây là Fanpage cộng đồng của UBGROUP; nơi bạn sẽ được cập nhật tin tuyển dụng thường xuyên.
- Diễn đàn ub.com.vn: Là diễn đàn trao đổi thông tin của các nhân viên Ngân hàng/ những người có mối quan tâm đến Ngân hàng. Trên diễn đàn cập nhật nhiều tin tuyển dụng bạn có thể sẽ quan tâm.
- Bankers.vn: Đây là chuyên trang việc làm tương tự như Vietnamworks; chỉ khác là các việc tập trung cho mảng tài chính Ngân hàng.
Lưu ý:
Internet có thể giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các thông tin tuyển dụng; nhưng đồng thời, bạn cũng cần tỉnh táo. Bởi, giờ đây, không thiếu các bên thứ ba can thiệp vào việc đăng tải tin tuyển dụng Ngân hàng; họ có thể sẽ lợi dụng niềm tin của bạn. Vì vậy, cách nhận diện tin tuyển dụng chính xác như sau:
Các tin tuyển dụng được đăng lên; hòm mail nhận CV của các bạn phải là Email có đuôi của Ngân hàng như: Thanh.nh@acb.com.vn, Hung.vn@bidv.com.vn.
Hãy chắc chắn bạn đã gửi đúng CV về hòm thư của Ngân hàng. Bởi có thể CV của bạn sẽ không được chuyển thẳng đến ngân hàng; mà được chuyển đến một đơn vị trung gian. Bạn có thể sẽ được liên lạc để tham gia một khóa học hay đóng một khoản phí; bạn cần hết sức tỉnh táo. Bởi bạn hoàn toàn có thể thi tuyển miễn phí. Ngân hàng không thu một khoản phí nào của các bạn cả. Đừng để mất tiền vì thiếu thông tin bạn nhé.
4. Làm gì sau khi ứng tuyển Ngân hàng
80% số lượng các bạn ứng viên Ngân hàng được UB Academy khảo sát sẽ làm gì sau khi gửi CV có câu trả lời là “để đó chờ Ngân hàng gọi điện rồi đi”. Và điều đó đã khiến các bạn rơi vào tình trạng như trên đầu bài viết.
Lời khuyên dành cho các bạn là sau khi ứng tuyển xong, hãy bắt tay lên kế hoạch ôn tập cho mình. Hãy bắt đầu từ kiến thức nền tảng cho vị trí bạn thi tuyển; sau đó tìm kiếm đề thi của ngân hàng bạn ứng tuyển và luyện thi từ bây giờ. Như vậy, bạn luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tuyển có thể được gọi bất chợt từ Ngân hàng.
5. Quản lý việc thi tuyển Ngân hàng
Đây là công việc “hậu kỳ” nhiều người bỏ qua. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách quản lý việc thi tuyển Ngân hàng của mình; bạn sẽ có thể đến gần hơn với công việc mơ ước.
Làm thế nào để bạn có thể quản lý tình trạng nộp hồ sơ, đi thi và đi phỏng vấn của mình? Làm sao để bạn có thể ghi nhớ chắc chắn mình đã ứng tuyển Ngân hàng nào, ngày bao nhiêu?
Bạn có thể quản lý file tài liệu như sau:
- Làm một bảng Excel với nội dung: STT; Tên Ngân hàng, Ngày ứng tuyển, Link tuyển dụng; Tài liệu ôn tập liên quan.
- Trong phần Link tuyển dụng bạn Hyperlink đường link tuyển dụng.
- Trong phần Tài liệu, đối với mỗi Ngân hàng; bạn hãy tạo cho mình một Folder tài liệu chứa những tài liệu liên quan đến ngân hàng đó. Đến lúc bạn ôn thi bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian.
6. Phương pháp ôn thi ngân hàng hiệu quả
Nói một cách khách quan, nếu bạn chăm chỉ và nỗ lực thì vẫn có thể đạt mức điểm an toàn. Bật mí, bí quyết ở đây chính là ôn tập trọng tâm những kiến thức thường xuất hiện trong các đề thi của ngân hàng ấy, để tối ưu được điểm số trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Chiến thuật ôn thi ngân hàng hợp lý nhất chính là ôn lại toàn bộ những kiến thức cơ bản. Sau đó luyện tập với những đề thi của ngân hàng đó qua các năm. Đặc biệt, với mỗi lần làm đề thi thử, các bạn phải xác định được mình đang bị “hổng” kiến thức ở những phần nào, thiếu sót ở đâu?
Bên cạnh đó, khi ôn thi, bạn cũng không nên chăm chú quá kỹ lưỡng từng phần. Thay vào đó, hãy phân bổ thời gian ôn tập hợp lý, sao cho dễ nhớ và gợi mở nhất. Thông thường, kiến thức thi tuyển của các ngân hàng sẽ gồm 4 phần kiến thức chính, đó là:
- Kiến thức chung về kinh tế vĩ mô/ vi mô
- Văn bản pháp luật chung
- Nghiệp vụ tín dụng
- Nghiệp vụ kế toán
Những mảng kiến thức này sẽ luôn được tổng hợp và đưa vào kiến thức thi tuyển lớn của các ngân hàng. Do đó, khả năng các câu hỏi từ những năm trước lặp đi lặp lại là có xác suất rất thấp, đồng thời các câu hỏi thường xuyên xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Theo tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu thì form đề thi chung của một số ngân hàng lớn như Vietcombank… thường sẽ được phân bổ như sau:
- 30 câu nghiệp vụ ngân hàng
- 10 câu Vi mô & Vĩ mô (cụ thể 2 Vi mô + 8 Vĩ mô)
- 10 câu Kế toán (với Quan hệ khách hàng/ Tín dụng (Với GDV) và Luật)
Các bạn có thể dựa vào đó để xây dựng được một phương pháp ôn thi ngân hàng sao cho hiệu quả nhất. Như đã nói, vì được lấy từ một ngân hàng đề thi lớn và có tính sắp xếp ngẫu nhiên nên toàn bộ ứng viên không nên quá tập trung vào đề thi chung mà nên tập trung ôn luyện toàn bộ những kiến thức có thể xuất hiện trong đề thi cao nhất.
Các bạn có thể xem thêm những kiến thức đó ở trên Internet hoặc liên hệ với đội ngũ tư vấn viên của UB Academy để được hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc trong quá trình ôn thi vào ngân hàng.
Trên đây là một số kinh nghiệm ôn thi ngân hàng được đúc rút từ những giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm, công tác tại nhiều ngân hàng lớn. Đa số, những ngân hàng đều có mức độ đề thi được các ứng viên đánh giá là khó. Tuy nhiên, để đạt được mức điểm an toàn, bạn không cần phải quá xuất sắc mà hãy cứ chăm chỉ và nỗ lực hết lực. Với tài liệu cùng phương pháp ôn tập đúng đắn và ý chí quyết tâm, UB Academy chúc các bạn sẽ có một kỳ thi tốt đẹp và đạt được kết quả cao nhất. Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới nhất về ngành Tài chính – Ngân hàng nhé!