messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Kinh nghiệm trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”

Sau khi đặt những câu hỏi liên quan đến kiến thức, năng lực của bạn; nhà tuyển dụng sẽ muốn “thăm dò” mong muốn của bạn ở công việc này. Vậy nên, họ sẽ đưa ra những câu hỏi “hóc búa” như: “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”. Đây là một câu hỏi ngắn nhưng lại rất khó để trả lời, đòi hỏi bạn cần có một cái nhìn tổng quan và kỹ năng deal lương khéo léo.. Hãy tham khảo một số bí kíp do UB Academy tổng hợp dưới đây. 

1. Đàm phán lương (deal lương) là gì?

Bạn muốn mức lương bao nhiêu?

Đàm phán lương, hay còn gọi là deal lương, là sự thương lượng về mức lương, mức phụ cấp cũng như phúc lợi mà nhà tuyển dụng sẽ phải chi trả cho ứng viên khi họ quyết định làm việc tại công ty. Ý kiến được đưa ra và thảo luận giữa đôi bên cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. Việc đàm phán lương thường nằm ở phần cuối của buổi phỏng vấn, sau khi ứng viên đã đáp ứng được tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Vậy tại sao cách deal lương khi phỏng vấn lại được cho là rất quan trọng trước khi bạn vào làm việc tại một công ty? Bởi vì, chỉ sau khi hài lòng với mức lương nhận được, bạn sẽ không còn thắc mắc mà thay vào đó sẽ luôn tập trung, vui vẻ làm tốt công việc của mình hơn. Bên cạnh đó, việc xác định được mức lương cũng sẽ giúp bạn lập được kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm trong thời gian sắp tới.

2. Cách trả lời phỏng vấn “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”

Bạn muốn mức lương bao nhiêu?

2.1. Hỏi chi tiết công việc bạn sẽ làm cho vị trí ứng tuyển

Khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”, bạn đừng vội trả lời ngay một mức/ con số nào đó. 

Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi chi tiết về công việc, nếu bạn chưa hiểu rõ tường tận về công việc tại Ngân hàng này. 

  • Cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và thăng tiến ?
  • Trách nhiệm công việc ?
  • Những phúc lợi của nhân viên ?

Những câu hỏi chi tiết này giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng vì sự nghiêm túc, sắc sảo, quan tâm đến công việc. 

Khéo léo hơn bạn có thể gài câu hỏi về mức lương dành cho vị trí này trong quá trình trao đổi phía sau.

2.2. Hãy khéo léo để nhà tuyển dụng tự đưa ra mức lương

Bạn có thể áp dụng thuật “đi đường vòng”, hướng buổi trò chuyện sang một vấn đề. Sau đó khéo léo quay trở lại câu hỏi của nhà tuyển dụng. 

Nếu bạn thật sự chưa nghĩ ra một con số cụ thể, hãy biến câu trả lời thành một cơ hội giới thiệu thêm về định hướng phát triển bản thân của bạn cho nhà tuyển dụng.

Bạn có thể trả lời như sau: 

“Qua trao đổi với anh chị, tôi thật sự thích môi trường làm việc của công ty cũng như những thử thách cho công việc này. Tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của công ty. Đối với tôi, việc được học hỏi những điều mới ở một môi trường tốt là điều quan trọng nhất. Và tôi nghĩ đây chính là cơ hội dành cho mình. Nếu có thể, anh/ chị vui lòng cho tôi biết mức lương thích hợp ở vị trí này?”

Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ là người đưa ra một mức lương cụ thể. Bạn có thể dựa vào đó để xác định, Ngân hàng này sẵn sàng chi cho bạn khoảng bao nhiêu cho vị trí sắp tới. Từ đó, bạn cân nhắc thêm nên giữ nguyên mức lương đó, hay tăng lên cho phù hợp. 

2.3. Nghiên cứu thị trường

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp; người thân, trên Internet (các trang tuyển dụng,..) để biết thêm khoảng lương cho vị trí bạn đang ứng tuyển.

Hãy đưa ra một mức lương bạn cho rằng hợp lý và có lợi cho mình. Đừng bao giờ đưa ra một con số nhất định, hãy đưa “khoảng” lương cao hơn một chút so với mức lương bạn mong muốn. 

Hãy đảm bảo rằng, với mức lương bạn đưa ra, bạn đã hài lòng và sẵn sàng cống hiến vì mức lương đó. 

3. Sự khác biệt giữa lương Gross và lương Net

Trước khi tìm hiểu kỹ về cách deal lương khi phỏng vấn, các bạn cũng cần đặc biệt lưu ý phân biệt rạch ròi giữa lương net và lương gross.

Lương net chính là mức lương mà người lao động nhận được 100% từ công ty. Mức lương này đã trừ hết các khoản chi phí thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội… 

Lương gross được coi là tổng thu nhập mà người lao động nhận được. Lương gross sẽ bao gồm cả lương cứng cũng như các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng, các khoản tiền bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, người lao động buộc sẽ phải trích một phần tiền lương gross để đóng bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân hàng tháng. 

Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ thích deal lương gross còn người lao động lại thích deal lương net. Vì thế, bạn cần hết sức lưu ý điều này, trong quá trình deal lương với nhà tuyển dụng. Bởi dù nghe lương gross có vẻ nhiều, cao hơn lương net nhưng nếu trừ các khoản phí thì có thể lương thực nhận của bạn chẳng còn bao nhiêu.

4. Một số điều quan trọng cần lưu ý khi deal lương

Một số điều quan trọng cần lưu ý khi deal lương

Để biết cách deal lương khi phỏng vấn thật khéo léo thì các bạn tuyệt đối không nên bỏ qua một số lưu ý quan trọng như sau:

  • Không nhắc đến vấn đề lương trước nhà tuyển dụng

Bạn không nên nhắc đến vấn đề lương trước khi nhà tuyển dụng đề cập đến. Bởi vì nó là một phần thiết yếu trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào. Nhà tuyển dụng cũng biết rõ điều đó và tất nhiên, họ cũng đã chuẩn bị thời điểm thích hợp nhất để bàn bạc với bạn về vấn đề này. Nếu bạn hỏi trước thì có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng, bạn quá quan tâm đến tiền bạc thay vì những gì mình có thể làm được cho công ty.

  • Cẩn thận và khéo léo khi nói về mức lương cũ

Mức lương cũ là điều mà nếu nhà tuyển dụng hỏi thì bạn nên khéo léo trả lời. Còn nếu không, bạn nên giữ lại, không nói ra và cũng không đề cập đến. Bởi vì có thể mức lương nhà tuyển dụng đưa ra sẽ cao hơn nhiều so với mức cũ mà bạn nhận được. Trường hợp, nhà tuyển dụng biết được mức lương cũ của bạn sẽ suy nghĩ và hạ mức lương xuống một chút mà vẫn khiến bạn thấy hài lòng thì sao?

  • Đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin khi deal lương

Đây là vấn đề sẽ hỗ trợ cách deal lương khi phỏng vấn của bạn dễ dàng hơn, đồng thời giúp bạn dễ hình dung được bức tranh tổng quát về lương thưởng và những đãi ngộ khi làm việc tại công ty. Như đã nói, việc deal lương phải được thảo luận và có sự chấp nhận từ cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Do đó, thay vì chỉ nghe câu hỏi và trả lời, các bạn hoàn toàn có thể chủ động đặt câu hỏi nếu chưa hiểu rõ về vấn đề gì liên quan. Ví dụ, bạn có thể đặt câu hỏi về phúc lợi, giữ xe, thưởng KPI, bảo hiểm, trợ cấp ăn trưa…

  • Cân nhắc việc từ chối mức lương do nhà tuyển dụng đề xuất

Khi đàm phán lương, chắc chắn sẽ có những bạn không được chấp thuận mức lương mình mong muốn. Thực ra, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương thấp hơn một chút thì bạn đừng vội vàng từ chối công việc ngay. Mà hãy xem xét ở nhiều khía cạnh khác như tài chính của bản thân, có cần gấp một công việc để chi trả sinh hoạt phí hay giúp đỡ gia đình, hoặc có những chuyện cần tài chính để giải quyết… Sau đó hãy đưa ra quyết định cuối cùng.

  • Thương lượng thêm các quyền lợi bổ sung khác sau khi đã chốt lương

Bật mí, sau khi đã chốt được lương, bạn cũng có thể thương lượng thêm một số quyền lợi bổ sung khác phù hợp. Nếu công ty cảm thấy yêu cầu đúng đắn và phù hợp, có thể cung cấp thêm cho bạn đấy!

Tóm lại, nguyên tắc chủ đạo khi đàm phán lương là: Bạn phải cảm thấy vui vẻ và thoải mái với mức lương của mình.

Trên đây là những bí kíp giúp bạn chinh phục câu hỏi phỏng vấn“Bạn muốn mức lương bao nhiêu?” từ nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn Ngân hàng. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã nắm chắc hơn những tips xử lý khéo léo cho câu hỏi “hóc búa” này. Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB AcademyDiễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới nhất về ngành Ngân hàng nhé!