Có thể bạn sẽ quan tâm
Tín dụng là gì? Nghề tín dụng làm những gì?
- 1. Tín dụng là gì?
- 2. Nghề tín dụng làm gì?
- Hỗ trợ cho Chuyên viên tín dụng có
- Chuyên viên tín dụng chịu những áp lực gì?
- Áp lực như vậy thì làm chuyên viên tín dụng sẽ được gì?
- Vậy, chuyên viên tín dụng cần những phẩm chất, kỹ năng gì?
- Khi đó, nhiệm vụ của RM là:
- 3. Phân loại nhân viên tín dụng ngân hàng
- Nhân viên hỗ trợ tín dụng
- Chuyên viên quan hệ khách hàng
- 4. Tính chất công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng
- 5. Rủi ro khi làm nhân viên tín dụng
Vị trí chuyên viên Tín dụng hay chuyên viên Quan hệ khách hàng là một vị trí thường xuyên tuyển dụng số lượng lớn, là cơ hội để các ứng viên được làm việc tại Ngân hàng. Nếu bạn quan tâm đến nghề tín dụng, đừng bỏ qua bài viết hữu ích dưới đây.
1. Tín dụng là gì?
Khái niệm: Tín dụng là khái niệm thể hiện mối quan hệ giữa người cho vay và người vay. Trong quan hệ này, người cho vay có nhiệm vụ chuyển giao quyền sử dụng tiền hoặc hàng hoá cho vay cho người đi vay trong một thời gian nhất định. Người đi vay có nghĩa vụ trả số tiền hoặc giá trị hàng hoá đã vay khi đến hạn trả nợ có kèm hoặc không kèm theo một khoản lãi.
Tín dụng có vị trí quan trọng đối với việc tích tụ, tận dụng các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để phát triển kinh doanh. Tín dụng được phân loại theo các tiêu thức: thời hạn Tín dụng (Tín dụng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), đối tượng Tín dụng (Tín dụng vốn cố định, Tín dụng vốn lưu động), mục đích sử dụng vốn (Tín dụng sản xuất và lưu thông hàng hoá, Tín dụng trong tiêu dùng), chủ thể trong quan hệ Tín dụng (Tín dụng hàng hoá, Tín dụng thương mại, Tín dụng nhà nước). – theo Bách Khoa toàn thư – PGS. TS Phạm Hùng Việt.
Có thể diễn giải khái niệm này một cách đơn giản hơn như sau
Dựa vào nghĩa của 02 từ Tín và Dụng trong cụm từ ta thấy rằng, Tín là chữ tín, Dụng hiểu nôm na là sử dụng, ghép 2 từ lại ta có 1 khái niệm dễ hiểu Tín dụng là việc sử dụng vốn, tài sản của người khác bằng uy tín, tín nhiệm của người sử dụng.
Rõ ràng, trong khái niệm này ít nhất phải có 02 chủ thể: Người có vốn (Người cho vay) – muốn cho vay, và Người có chữ tín (hoặc tài sản thế chấp) muốn đi vay (Người đi vay). Người cho vay có quyền sở hữu vốn nhưng chưa/không có nhu cầu sử dụng vốn, nên đã chuyển giao Quyền sử dụng cho Người đi vay. Người đi vay chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu đối với món vay.
Về cơ bản, trong các NHTM hiện nay tín dụng được chia thành 02 mảng chính:
- Tín dụng cá nhân: Phục vụ các khách hàng cá nhân, nhu cầu phục vụ đời sống như: vay mua nhà, mua ôtô, du học, kinh doanh, phục vụ đời sống cá nhân…
- Tín dụng doanh nghiệp: Phục vụ các khách hàng doanh nghiệp, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh như: cho vay bổ sung vốn lưu động, mua sắm tài sản, thanh toán công nợ khác (trừ trường hợp vay trả nợ ngân hàng khác).
2. Nghề tín dụng làm gì?
Người làm tín dụng (thực hiện trực tiếp nghiệp vụ tín dụng) là cầu nối giữa Ngân hàng (tổ chức có vốn), và Khách hàng (cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu vốn).
Trong mỗi tổ chức tín dụng Người làm tín dụng được gọi bằng những cái tên khác nhau tùy theo cấp độ: Nhân viên tín dụng/ Nhân viên Quan hệ khách hàng, Chuyên viên tín dụng/ Chuyên viên quan hệ khách hàng, Chuyên viên tín dụng bậc 1,2,3 .. chuyên viên tín dụng cao cấp …. Sau đây xin gọi chung là Chuyên viên tín dụng (RM – Relationship Management).
Cũng giống như Tín dụng, Chuyên viên tín dụng được chia là 02 mảng:
- Chuyên viên tín dụng Cá nhân: Phụ trách mảng tín dụng cá nhân.
- Chuyên viên tín dụng Doanh nghiệp: Phụ trách mảng doanh nghiệp.
Hỗ trợ cho Chuyên viên tín dụng có
- Nhân viên/Chuyên viên hỗ trợ kinh doanh (ARM): Tìm kiếm khách hàng (một phần) cho Chuyên viên tín dụng.
- Nhân viên Hỗ trợ tín dụng (hay còn gọi là Quản lý tín dụng): Lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ khách hàng sau vay, phối hợp kiểm tra khách hàng sau vay, hạch toán thu gốc, lãi… món vay.
- Ngoài ra, tất cả các phòng ban trong một tổ chức tín dụng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, nên tất yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến Phòng tín dụng và Chuyên viên tín dụng bằng mối quan hệ phối hợp.
Chuyên viên tín dụng chịu những áp lực gì?
Sở dĩ chúng tôi nêu áp lực trước, để các bạn thấy rằng nghề tín dụng không hề “như mơ”:
- Áp lực về thời gian: Một chuyên viên tín dụng thực thụ phải là một người có ý thức về thời gian tốt, không chỉ trong công việc nội bộ mà còn với cả khách hàng.
- Áp lực về doanh số: Hầu hết các ngân hàng đều sử dụng chỉ tiêu về doanh số để làm động lực thúc đẩy quá trình làm việc của nhân viên. Doanh số ở đây không chỉ đơn thuần là doanh số cho vay, mà còn có thể là các loại doanh số khác như: doanh số huy động, doanh số thu phí …,
- Áp lực về tính chính xác và trách nhiệm công việc: Mỗi một hành động của bạn đều ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng bạn đang làm việc, vì thế mọi hành động của bạn đều phải hết sức cân nhắc, không chỉ trong mà còn là ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc. Không chỉ thế, tín dụng là hoạt động kinh doanh trực tiếp trên Tiền (loại tài sản có khả năng thanh khoản tức thì), nên mọi sơ xuất của bạn đều có thể dẫn tới thiệt hại về kinh tế. Khi gây thiệt hại về kinh tế chính bạn sẽ phải là người đền bù.
Áp lực như vậy thì làm chuyên viên tín dụng sẽ được gì?
- Được làm việc tại môi trường tốt: Hầu hết các ngân hàng đều là những môi trường làm việc năng động, trẻ và khá tốt (tuy nhiên mức độ giữa các ngân hàng là khác nhau). Tính minh bạch cao, con người thân thiện hòa đồng.
- Được giao tiếp rộng: Nếu bạn là chuyên viên tín dụng thì khả năng giao tiếp của bạn sẽ được cải thiện đáng kể sau năm làm việc đầu tiên. Mối quan hệ của bạn sẽ được mở rộng, bạn sẽ có cảm giác làm chủ cuộc sống tốt hơn, và trưởng thành nhanh hơn rất nhiều.
- Được lương + thưởng tốt: Hầu hết các ngân hàng đều có lương và thưởng khá tốt so với doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng, nếu bạn có ý định làm giàu thì sẽ không dễ nếu chỉ làm chuyên viên tín dụng.
- Cơ hội thăng tiến: Cơ hội thăng tiến đặc biệt tăng cao khi các ngân hàng luôn luân chuyển nhân sự liên tục. 1 năm làm ở ngân hàng B chỉ là chuyên viên, nhưng khi sang ngân hàng A bạn có thể được thăng chức trưởng nhóm.
- Khả năng tư duy: Đây là cái được cuối cùng và quan trọng nhất, nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bạn. Nếu bạn là người có óc sáng tạo, nhanh nhạy, tư duy tốt thì đây là môi trường lý tưởng cho bạn rèn luyện điều đó.
Vậy, chuyên viên tín dụng cần những phẩm chất, kỹ năng gì?
- Trung thực: yếu tố quan trọng nhất, bạn phải trung thực. Mọi hành vi không trung thực đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, và sẽ ảnh hướng đến túi tiền của bạn.
- Nhanh nhẹn, khả năng tư duy, nắm bắt cơ hội tốt: Khả năng này sẽ giúp bạn nhanh chóng làm cho khách hàng hài lòng, và đến với bạn nhiều hơn, cũng như tìm kiếm được nhiều khách hàng mới hơn.
- Có kiến thức chuyên môn về tín dụng và kiến thức kinh tế tổng hợp, có khả năng phân tích nhanh, tốt. Quyết đoán trong công việc.
- Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc tính của các ngân hàng khác nhau mà cần phải có những phẩm chất, kỹ năng khác nhau.
Trong giai đoạn các Ngân hàng đang thi nhau thay đổi mô hình như hiện nay, Tín dụng đơn thuần không còn nữa, thay vào đó Chuyên viên Tín dụng hay Cán bộ tín dụng được gọi chung thành: Chuyên viên Quan hệ Khách hàng – RM (relationship manager) và ARM (assistant relationship manager).
Khi đó, nhiệm vụ của RM là:
- Quản lý toàn bộ KH: Bao gồm cả Tín dụng và Huy động
- Chăm sóc khách hàng: Bao gồm cả Tín dụng và Huy động
- Chịu sức ép doanh số về: Tín dụng + Huy động + Thẻ + Tài khoản ….
3. Phân loại nhân viên tín dụng ngân hàng
Nhân viên tín dụng ngân hàng được xem là một bộ phận trong hệ thống làm việc của ngân hàng bao gồm 2 nhóm là nhân viên hỗ trợ tín dụng và chuyên viên quan hệ khách hàng.
Trong đó những việc cần nhân viên trong bộ phận tín dụng là làm gì sẽ có những yêu cầu và kỹ năng phục vụ cho vị trí ấy. Tuy nhiên chúng sẽ gắn liền và hỗ trợ thông tin cho nhau để đạt được lợi ích chung cho đơn vị.
-
Nhân viên hỗ trợ tín dụng
Bộ phận này cũng bao gồm nhiều vị trí khác nhau giúp chuyên viên hoàn tất hồ sơ vay của khách hàng. Giúp các yêu cầu này được xem xét xử lý nhanh chóng, đồng thời phòng tránh những rủi ro nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo lợi ích cho ngân hàng.
-
Chuyên viên quan hệ khách hàng
Đây là những người sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng, đòi hỏi họ phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Họ là người tìm kiếm thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng, duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Các công việc soạn thảo hồ sơ, hợp đồng, thẩm định khả năng của khách hàng cũng là một phần công việc của họ.
Việc phân loại các nhóm trong bộ phận làm tín dụng của ngân hàng sẽ giúp quy trình vay vốn minh bạch, hạn chế rủi ro, giúp nâng cao giá trị cho ngân hàng.
4. Tính chất công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng
Nhân viên tín dụng là một trong những vị trí có nhiều cơ hội việc làm nhất tại các ngân hàng lớn nhỏ. Vậy bạn có biết đó là lý do vì sao không? Tính chất công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng là gì? Phải chăng là tìm kiếm khách hàng để cho vay tín dụng?
Thực tế tính chất công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng là một “dây chuyền” bao gồm nhiều công việc mà mục đích cuối là mang lại lợi nhuận và sự an toàn cho ngân hàng.
Công việc này sẽ bắt đầu từ việc tìm kiếm khách hàng, hiểu rõ khách hàng đến tư vấn thuyết phục lựa chọn dịch vụ. Sau đó sẽ tiến hành các bước thẩm định, hoàn tất hoàn sơ, xét duyệt và tiến hành giải ngân cho khách hàng.
Nghe có vẻ là một vòng lặp không có gì khó khăn, nhưng thực tế đây là một công việc có mức độ rủi ro cao. Bởi để tìm kiếm khách hàng, thuyết phục khách hàng không dễ, thêm vào đó để phân tích nhận định chính xác rủi ro có thể xảy ra thì không phải ai cũng làm được.
Bởi vậy chỉ một câu hỏi chuyên viên nghiệp vụ tín dụng là gì có thể sẽ chưa hoàn toàn giúp bạn hiểu hết những công việc mà nhân viên của bộ phận này cần làm. Đó là lý do nâng cấp kỹ năng luôn được đề cao trong môi trường làm việc này.
5. Rủi ro khi làm nhân viên tín dụng
Nhân viên tín dụng là một nghề khá hot, nhiều cơ hội việc làm, thuận tiện về mặt địa lý, linh động thời gian. Tuy nhiên đây là một nghề có nhiều rủi ro cũng như áp lực, vậy rủi ro khi làm tín dụng là gì?
- KPI
Chỉ tiêu làm một trong những thách thức đối với nhân viên tín dụng. Con số này sẽ quyết định “hầu bao” của bạn dày hay mỏng, quyết định vị trí bạn làm việc, tương lai của bạn.
Rủi ro không đạt KPI có thể sẽ loại bạn khỏi môi trường này, chưa kể áp lực có thể khiến bạn mệt mỏi, cảm thấy khó khăn trong cuộc sống.
- Lừa đảo tín dụng
Hồ sơ chứng từ giả, cám dỗ từ những khách hàng ma nếu không có một “trái tim” sắt bén hay khả năng nhạy bén thì ắt rằng sẽ bị đổ gục. Khi đó thất thoát của ngân hàng bạn phải là người chịu trách nhiệm.
Thủ đoạn của những khách hàng lừa đảo ngày càng tinh vi và càng phổ biến. Đây cũng là rủi ro tồi tệ của công việc này, thậm chí còn khiến nhiều người khác phải lao đao.
Nhân viên tín dụng có quyền lực cao, có thể đề nghị kết quả xét duyệt, mức xét duyệt đối với hồ sơ khách hàng. Đồng nghĩa với trách nhiệm của họ trong việc thẩm định giám sát cũng là điều hiển nhiên.
Vì thế để sẵn sàng đối mặt với những rủi ro này bạn cần trau dồi, rèn luyện thêm kỹ năng. Đặc biệt cũng nên giữ một trái tim liêm chính, quyết đoán cùng một đầu óc sáng suốt.
Tóm lại: Nghề tín dụng sẽ không chỉ đơn thuần là cho vay thông thường mà phải tư vấn khách hàng, quản lý Khách hàng theo sát tất cả mọi hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Vì nhiệm vụ nặng nề, vậy nên Kinh nghiệm, kiến thức mà nghề tín dụng mang lại sẽ nhiều hơn và đương nhiên… lương cũng khá cao.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật những tin tức mới về ngành Ngân hàng.