Có thể bạn sẽ quan tâm
Thanh toán Quốc tế là gì và những điều cần biết
Chuyên viên Thanh toán quốc tế – một trong những vị trí tuyển dụng vô cùng sôi động trong 2 năm gần đây, thu hút nhu cầu tuyển dụng rất nhiều từ những ứng viên trẻ trung, năng động và được
Chuyên viên Thanh toán quốc tế – một trong những vị trí tuyển dụng vô cùng sôi động trong 2 năm gần đây, thu hút nhu cầu tuyển dụng rất nhiều từ những ứng viên trẻ trung, năng động và được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, đây cũng là một vị trí tuyển dụng khó, yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe của ứng viên, và luôn ưu tiên những người có kinh nghiệm làm việc thực tế. Như vậy, cơ hội dành cho những người mới, những người chưa có kinh nghiệm là gì, ở đâu và như thế nào?
Với mong muốn đem đến góc nhìn thực tế hơn về công việc, đồng thời định hình rõ về công việc, qua đó xác định rõ ràng mục tiêu của ứng viên về vị trí, UB Academy sẽ phân tích các đặc điểm chi tiết có liên quan trực tiếp đến công việc của Chuyên viên Thanh toán Quốc tế trên từng tiêu chí phân loại cụ thể.
I. KIẾN THỨC THANH TOÁN QUỐC TẾ DÀNH CHO VỊ TRÍ NÀO?
Học Thanh toán Quốc tế phục vụ cho các vị trí sau:
- CV Thanh toán quốc tế
- CV Tài trợ Thương mại
- CV Quan hệ Khách hàng Doanh nghiệp
- Giao dịch viên
1. CV TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI
Rõ ràng là kiến thức TTQT cần thiết cho P.TTQT. Nhưng phải chăng chỉ P.TTQT mới cần đến những kiến thức đó ? Hoàn toàn không các bạn nhé, ngoài TTQT ra, 1 vị trí khác cũng rất cần kiến thức TTQT, đó chính là: Tài trợ thương mại.
Vị trí tài trợ thương mại là một vị trí giao thoa giữa TTQT và QHKH, chuyên viên vị trí này sẽ chuyên trách công tác phát triển khách hàng TTQT, tư vấn trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu về TTQT, mua bán ngoại tệ, vay ngoại tệ phục vụ cho xuất nhập khẩu. Đây được xem là “các chuyên viên TTQT đi bán hàng”.
2. CV QUAN HỆ KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP
Vậy QHKH thông thường có cần đến TTQT không? Hoàn toàn là cần thiết các bạn nhé. Bạn có chắc chắn rằng tất cả các khách hàng doanh nghiệp của bạn đều không có nhu cầu TTQT. Vậy bạn sẽ làm gì nếu bạn gặp một doanh nghiệp đang có nhu cầu về các sản phẩm TTQT, muốn tìm hiểu về TTQT của ngân hàng bạn, muốn bạn tư vấn ngay về các vướng mắc về TTQT? Nếu bạn không có kiến thức về lĩnh vực này, chắc chắn bạn đang mất đi cơ hội phục vụ cho doanh nghiệp đó. Và tất nhiên, một QHKH khác am hiểu hơn về TTQT sẽ cướp mất khách hàng của bạn dù bạn đến trước.
3. GIAO DỊCH VIÊN
Bạn là một sinh viên mới ra trường, muốn làm giao dịch viên. Bạn có nghĩ là GDV không cần kiến thức TTQT ? nếu bạn có suy nghĩ đó thì bạn đã nghĩ sai rồi nhé. GDV tiếp xúc và phục vụ giao dịch cho tất cả các khách hàng, mặc dù hiện tại có vài ngân hàng chuyên môn hóa GDV phục vụ cho cá nhân và GDV phục vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu ngân hàng đang tuyển GDV cho doanh nghiệp thì kiến thức TTQT mà bạn có sẽ là một điểm cộng rất lớn cho bạn đấy.
II. MÔ HÌNH TỔ CHỨC PHÒNG THANH TOÁN QUỐC TẾ
Mô hình TTQT hiện đang áp dụng chủ yếu là mô hình xử lý tập trung, có nghĩa là: Các đơn vị kinh doanh trên toàn hệ thống (là các Chi nhánh, Phòng giao dịch) phải chuyển toàn bộ hồ sơ, chứng từ về Khối Thanh toán/Trung tâm thanh toán (TTTT) để kiểm soát, lập, và chuyển điện ra nước ngoài. Việc luân chuyển hồ sơ, chứng từ nghiệp vụ TTQT giữa đơn vị kinh doanh và TTTT thông qua phần mềm luân chuyển nội bộ của mỗi ngân hàng.
Hình 1: Mô hình Thanh toán Quốc tế tập trung
Hình 2: Mô tả công việc của Trung tâm TTQT
Thông thường có 3 trung tâm tập trung ở khu vực phía Bắc và Nam (tùy vào quy mô từng Ngân hàng). Về cơ bản, Phòng TTQT trực thuộc Trung tâm thanh toán/Trung tâm xử lý nghiệp vụ thuộc Khối Vận hành/Khối Tác nghiệp (tùy tên gọi của từng Ngân hàng).
Trung tâm thanh toán gồm 4 phòng:
- Phòng Chuyển tiền nội (trong nước)
- Phòng Chuyển tiền quốc tế (thực hiện các nghiệp vụ chuyển tiền TTR (chia làm bộ phận chuyển tiền đi và hạch toán báo có tiền về)
- Phòng Thanh toán Quốc tế/Tài trợ thương mại (thực hiện nghiệp vụ LC và nhờ thu: chia làm 2 bộ phận (mở L/C+thanh toán) và (bộ phận chứng từ)
- Phòng swift và đối soát (nhận điện từ đầu nước ngoài về (điện về) và đẩy điện do Ngân hàng phát đi (điện đi). Phòng này chia làm 2 bộ phận: Swift (điện) và đối soát (đối chiếu và kiểm tra các tài khoản nostro cuối ngày (xem có cân/lệch) để xử lý.
Hình 3: Mô tả tổ chức Phòng TTQT
Về hệ thống trục dọc, bộ phận TTQT dưới đơn vị kinh doanh (các chi nhánh, PGD) gồm các Chuyên viên TTTM. Nhiệm vụ của các bạn chuyên viên này sẽ thực hiện tư vấn hồ sơ TTQT dưới chi nhánh, và vẫn chịu doanh số bán hàng. Thông thường, các Chuyên viên TTTM sẽ đi cùng với 1 Chuyên viên Quan hệ Khách hàng Doanh nghiệp để tư vấn trực tiếp KH.
III. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHUYÊN VIÊN THANH TOÁN QUỐC TẾ & TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI
Thực tế, khi quan tâm đến vị trí Thanh toán quốc tế, các bạn thường thấy có 1 vị trí thường được kèm theo vị trí này là Tài trợ thương mại. Vậy sự khác nhau giữa Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại là gì?
STT | Tiêu chí | CV Thanh toán Quốc tế | CV Tài trợ Thương mại |
1 | Nhóm công việc | Back-Office (Hỗ trợ) | Front-Office (Kinh doanh) |
2 | Đơn vị quản lý | – Thuộc Trung tâm Thanh toán Quốc tế, thuộc Khối Vận hành/Tác nghiệp.
– Làm việc tại Hội Sở hoặc Trung tâm ở các vùng. |
– Thuộc Phòng Tài trợ thương mại, thuộc Khối Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ SME.
– Làm việc tại các Chi nhánh |
3 | Công việc xử lý | XỬ LÝ HỒ SƠ CHỨNG TỪ
– Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu mở L/C, điện chuyển tiền… của Đơn vị kinh doanh – Đầu mối trực tiếp thực hiện, xử lý các giao dịch Tài trợ thương mại, TTQT và các nghiệp vụ phát sinh khác, chuyển cho Kiểm soát viên kiểm soát và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, thông báo cho các Đơn vị Kinh doanh. – Soạn thảo, quản lý, triển khai các quy trình, chính sách, hướng dẫn về nghiệp vụ TTQT. |
KINH DOANH TRỰC TIẾP
– Chuyên trách công tác phát triển tìm kiếm khách hàng TTQT, tư vấn trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu về TTQT, mua bán ngoại tệ, vay ngoại tệ phục vụ cho xuất nhập khẩu… – Tổ chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ từ KH, kiểm tra tính pháp lý, tính hợp lệ của hồ sơ. – Kiểm tra đối chiếu cuối ngày để đảm bảo tất cả các lệnh chuyển tiền của KH đã được thực hiện. |
4 | Kiến thức & Kỹ năng | – Kiến thức Thanh toán Quốc tế.
– Kỹ năng xử lý hồ sơ chứng từ |
– Kiến thức Thanh toán Quốc tế (có thể thêm 1 phần kiến thức Tín dụng)
– Kỹ năng tư vấn, bán hàng, chốt sale. – Kỹ năng chăm sóc Khách hàng. |
IV. CÔNG VIỆC CỤ THỂ CỦA CHUYÊN VIÊN THANH TOÁN QUỐC TẾ
1. Kiểm tra chứng từ & xử lý giao dịch
– Tiếp nhận, kiểm tra các hồ sơ nghiệp vụ thanh toán theo phương thức TTR, D/P, D/A, L/C từ SGD/CN gửi lên.
– Xử lý các công việc hàng ngày của các nghiệp vụ thanh toán quốc tế: Thư tín dụng, Nhờ thu, chuyển tiền nước ngoài, bảo lãnh nước ngoài..
Cụ thể theo từng đối tượng Khách hàng, như sau:
- Sản phẩm dành cho Khách hàng Xuất khẩu
– Thông báo L/C, thông báo sửa đổi L/C, thông báo khác
– Chiết khấu, tái chiết khấu, đồng chiết khấu bộ chứng từ XK
– Gửi bộ chứng từ XK, gửi điện đòi tiền, tra soát thanh toán
– Nhờ thu chứng từ và nhờ thu phiếu trơn
– Nhận tiền thanh toán TTR xuất khẩu
– Xác nhận L/C xuất khẩu
- Sản phẩm dành cho Khách hàng Nhập khẩu
– Phát hành thư tín dụng; Tu chỉnh L/C;
– Phát hành bảo lãnh nhận hàng/Ký hậu vận đơn/Ủy quyền Nhận hàng/ Ký Cargo Receipt.
– Chuyển tiền doanh nghiệp;
– Nhờ thu chứng từ và nhờ thu phiếu trơn;
- Sản phẩm dành cho Khách hàng cá nhân
– Chuyển tiền cá nhân
2. Quan hệ đại lý
- Trao đổi mã khóa song phương với các ngân hàng trong và ngoài nước. Trao đổi các thông tin cần thiết, lưu giữ, quản lý các hồ sơ mở tài khoản Nostro (*) của ngân hàng đại lý nước ngoài.
- Sử dụng hệ thống SWIFT (**) phục vụ cho nghiệp vụ TTQT của ngân hàng
- Xác nhận tính xác thực bề mặt của mẫu chữ ký trên các chứng từ nghiệp vụ liên quan đến TT quốc tế.
- Kiểm soát sao kê và tra soát số dư tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài hàng ngày.
3. Công tác nội bộ khác
- Tư vấn, hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ thanh toán quốc tế:
- Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng và ĐVKD các khía cạnh kỹ thuật nghiệp vụ, rủi ro, quy định pháp luật, thông lệ trong các nghiệp vụ thanh toán quốc tế;
- Xây dựng tài liệu đào tạo, triển khai công tác đào tạo cho nhân viên cấp dưới và các đơn vị kinh doanh.
- Lập báo cáo, kiểm soát số liệu kế toán của Nghiệp vụ thanh toán quốc tế:
- Lập báo cáo quản trị nội bộ theo quy định của Ngân hàng, lập báo cáo theo yêu cầu của NHNN và các cơ quan quản lý Nhà nước khác.
- Kiểm soát số liệu kế toán của các nghiệp vụ Thanh toán quốc tế đảm bảo khớp đúng với hồ sơ phát sinh và đúng chế độ kế toán;
- Kiểm soát và đối chiếu số liệu nghiệp vụ hàng tháng, hàng quý với các ĐVKD;
- Xây dựng, sửa đổi Quy trình nghiệp vụ Thanh toán quốc tế, Dự thảo văn bản liên quan trong quá trình thực hiện dự án:
- Rà soát các Quy trình nghiệp vụ hiện hành, đề xuất các sửa đổi, cải tiến nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng tác nghiệp, tuân thủ các thay đổi của các văn bản Quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động Thanh toán quốc tế;
- Đề xuất các sáng kiến cải tiến các ứng dụng công nghệ, core banking để nâng cao hiệu quả tác nghiệp, quản lý rủi ro vận hành
- Tham gia thiết kế sản phẩm mới:
- Phối hợp với các Khối SME hoặc Khối KHDN lớn trong quá trình xây dựng sản phẩm mới.
- Kiểm thử sản phẩm mới trên Core Banking và các ứng dụng công nghệ khác.
(*) Ghi chú:
- Tài khoản NOSTRO chính là tài khoản của ngân hàng mình tại các ngân hàng khác
- Tài khoản VOSTRO chính là tài khoản của các ngân hàng khác mở tại ngân hàng mình.
(**) Ghi chú:
SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, được thành lập cách đây hơn 35 năm với 239 ngân hàng trên 15 nước tham gia. Hiện nay, SWIFT đã liên kết hơn 9.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
SWIFT là một hiệp hội mà thành viên là các ngân hàng và các tổ chức tài chính; mỗi ngân hàng tham gia là một cổ đông của SWIFT. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Mỗi thành viên được cấp 1 mã giao dịch gọi là SWIFT code. Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message; là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch. SWIFT cung cấp các dịch vụ truyền thông an ninh và phần mềm giao diện cho các ngân hàng và tổ chức tài chính.
V. YÊU CẦU CÔNG VIỆC
Bới nhiều bạn, vị trí Thanh toán quốc tế hoặc Tài trợ thương mại là cơ hội việc làm ngoài tầm với. Bởi những yêu cầu khắt khe ở vị trí này và yếu tố kinh nghiệm mà ngân hàng thường đòi hỏi trong thông báo tuyển dụng.
Tuy nhiên thực tế trong những năm trở lại đây, với sự cởi mở hơn trong cơ chế tuyển dụng; Ngân hàng đã dành nhiều hơn cơ hội cho các bạn chưa có kinh nghiệm để bắt đầu từ vị trí Tài trợ thương mại và Thanh toán quốc tế. Đó cũng là cơ hội rất tốt cho nhưng yêu thích vị trí này. Tuy nhiên, bạn cần phải nắm thật chắc và thật vững các Yêu cầu tuyển dụng của vị trí để lên kế hoạch công việc phù hợp cho mình.
Cụ thể, ứng viên cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản như sau:
- Có kiến thức về:
- Các nghiệp vụ Thanh toán quốc tế như: Nghiệp vụ LC, Nhờ thu, chuyển tiền nước ngoài và bảo lãnh nước ngoài;
- Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế: quy định về quản lý ngoại hối; xuất/nhập khẩu; thanh toán;
- Hệ thống Swift và các quy tắc của Swift;
- Các thông lệ quốc tế: UCP; ISBP; URC; URR; Incoterms; URDG;
- Quản lý rủi ro trong tài trợ thương mại và chuyển tiền;
- Các hoạt động của lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, ngọai thương sản xuất, vận tải quốc tế.
- Có khả năng về:
- Kỹ năng giao tiếp tốt
- Có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, phân tích và giải quyết vấn đề
- Có thể làm ngoài giờ, làm ca theo yêu cầu.
- Chủ động linh hoạt trong công việc
- Yêu cầu khác:
- Có bằng đại học về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngoại thương kinh tế hoặc tương đương;
- Ngoại ngữ: Nghe, nói, đọc, viết tốt Anh ngữ; ít nhất đạt 600 điểm TOEIC (hoặc mức tương đương ở các chứng chỉ IELTS, TOEFL…).
- Tin học văn phòng thành thạo;
- Ưu tiên có kinh nghiệm làm việc ở vị trí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại tại ngân hàng thương mại.
(*) Ghi chú: Nhiều bạn hỏi yêu cầu nhiều thế chắc công việc áp lực lắm nhỉ?
– Thời gian: Thường làm từ 9-10h/ ngày, thường sau 7h tối
– Công việc: Luôn phải update kiến thức vì kiến thức về tài trợ thương mại đổi mới từng ngày, luôn đổi mới tư duy để nâng cao năng suất lao động, sức ép về thời gian và chất lượng dịch vụ cam kết với Đơn vị kinh doanh và khách hàng.
Nói chung là, không có việc nào là nhàn mà lương cao.
VI. CHUYÊN VIÊN THANH TOÁN QUỐC TẾ MỚI CẦN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU
Nếu đến đây, bạn cảm thấy toát mồ hôi và e sợ vị trí này, cứ bình tĩnh, UB Academy sẽ chỉ ra cho bạn những hướng đi để bạn có thể bắt đầu.
- Trước hết bạn sẽ cần trang bị khả năng Tiếng Anh.
Nếu bạn không có kinh nghiệm tí tẹo gì về vị trí này, bạn phải bù đắp sự thiếu sót về kinh nghiệm bằng trình độ Tiếng Anh của mình.
Hãy cố gắng thi 1 chứng chỉ Tiếng Anh để chứng nhận khả năng tiếng anh của bạn. Nếu bạn có 1 chứng chỉ như TOEIC khoảng 800 điểm, IELTS khoảng 6.0 thì bạn đã có 70% cơ hội để thi đỗ vị trí TTQT hoặc Tài trợ thương mại.
- Thứ 2, hãy trang bị cho mình nghiệp vụ cơ bản vững chắc
+ Nếu bạn theo học ngành Thương mại Quốc tế, Ngoại thương, Xuất nhập khẩu, QTKD Quốc tế, Kinh tế Quốc tế… (bất kỳ ngành nào về Kinh tế Tài chính Ngân hàng có chữ Quốc tế); đó là một lợi thế lớn của bạn trong việc xét tuyển hồ sơ. Vấn đề bạn cần là hệ thống hóa kiến thức phù hợp; tích lũy thêm kinh nghiệm, nghiệp vụ thực tế.
+ Nếu bạn chỉ theo học ngành Ngân hàng, Hải quan hoặc các ngành không liên quan trực tiếp đến vị trí; đó là một bất lợi ban đầu của bạn. Bạn bắt buộc phải bù đắp lại bằng việc nắm cơ bản Nghiệp vụ; kết hợp chứng chỉ Tiếng Anh tối thiểu 700 điểm.
Nhiều bạn e ngại về nghiệp vụ Thanh toán Quốc tế khó tiếp cận, tuy nhiên bạn cần hiểu rõ: “Hội đồng Tuyển dụng sẽ chỉ hỏi các vấn đề cơ bản nhất về vị trí, không hỏi xoáy nhiều vào vấn đề thực tế đâu – vì bạn đã làm đâu mà biết J”.
Bạn cần đọc 1 quyển sách cực kỳ hay là đủ rồi, đó là quyển: Giáo trình Thanh toán Quốc tế của Thày Nguyễn Văn Tiến/ Thày Đinh Xuân Trình.
Trang bị chắc 2 yếu tố trên, cùng kỹ năng giao tiếp cơ bản, bạn hoàn toàn tự tin chinh phục vị trí “khoai” này nhé.
Ghi chú: Nếu thấy học nghiệp vụ khó thì có UB Academy ở đây ?
VII. CÓ NHIỀU CON ĐƯỜNG ĐỂ ĐẾN ĐÍCH
Thực tế, có rất nhiều con đường đi để đến với 2 vị trí Chuyên viên Thanh toán Quốc tế & Tài trợ thương mại.
ĐƯỜNG THẲNG
- Ứng tuyển Trực tiếp vị trí chuyên viên TTQT (phụ trách mảng hồ sơ TTQT tại Hội sở).
- Ứng tuyển Trực tiếp vị trí Tài trợ thương mại (vừa là QHKH vừa phụ trách mảng tư vấn TTQT tại chi nhánh).
ĐƯỜNG VÒNG
- Tích lũy kinh nghiệm tại vị trí chuyên viên QHKH Doanh nghiệp, từ đó chuyển sang CV.TTTM và TTQT
- Trở thành thực tập sinh TTQT tại Hội sở các Ngân hàng (hiện nay mô hình này khá nhiều, sau thời gian thực tập 6 tháng nếu làm tốt các bạn có thể ký hợp đồng chính thức). Đây là con đường phù hợp và được đánh giá là tốt nhất với các bạn sinh viên năm cuối; vì đằng nào các bạn cũng có 1 kì thực tập.
- Một con đường nữa là các bạn có thể bắt đầu từ chuyên viên chứng từ xuất nhập khẩu tại các cty xuất nhập khẩu, hoặc làm tại các công ty vận tải biển, công ty Logistics. Sau >1 năm kinh nghiệm, các bạn có thể thi thẳng vào vị trí TTQT và Tài trợ thương mại. Kinh nghiệm Xuất nhập khẩu rất có ích cho 2 vị trí này.
KẾT LUẬN
Như đã phân tích từ ban đầu, trong tương lai, khi nền kinh tế mở cửa sâu rộng, cơ hội giao lưu và phát triển giữa các doanh nghiệp, đối tác trong nước và ngoài nước sẽ rất phát triển; đời sống được nâng cao, các dịch vụ thanh toán quốc tế phục vụ cho các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán: mua hàng, dịch vụ, du học… sẽ ngày càng sôi động hơn, theo đó cơ hội việc làm tại vị trí Thanh toán Quốc tế sẽ mở rộng và đa dạng hơn so với thời điểm hiện tại.
Điều bạn cần làm sau khi tìm hiểu xong bài viết này, đó chính là định hình rõ ràng hơn về vị trí Thanh toán Quốc tế, đồng thời hoạch định rõ ràng sự phù hợp của bản thân & chuẩn bị cho kế hoạch công việc tương lai của mình.
Dù làm bất kỳ công việc nào, hy vọng các bạn sẽ luôn tiếp cận bằng tinh thần cầu thị, thái độ làm việc chuyên nghiệp, máu lửa nhất với sức trẻ và lòng nhiệt tình của mình!
Chúc thành công!
Lê Thị Thủy & Nguyễn Hải Phong – UB Academy