Có thể bạn sẽ quan tâm
PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TUYỂN DỤNG VIETCOMBANK 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2025
Năm 2025 ghi nhận sự thay đổi lớn trong chiến lược tuyển dụng của Vietcombank. Không còn rải rác nhiều đợt, không còn chỉ tiêu ồ ạt như các năm trước, mỗi cơ hội trúng tuyển giờ đây trở nên hiếm và quý giá hơn bao giờ hết.
1. Tổng quan chỉ tiêu tuyển dụng 2025
Dù xu hướng chung của ngành ngân hàng là cắt giảm nhân sự, Vietcombank vẫn công bố 850 chỉ tiêu tuyển dụng cho năm 2025 - con số tuy giảm so với năm trước nhưng vẫn cho thấy sức nóng không hề hạ nhiệt của “ông lớn” này trên thị trường nhân sự ngành tài chính.
Trong đó, vị trí Chuyên viên Quan hệ khách hàng (QHKH) chiếm đến 765 chỉ tiêu, và đáng chú ý hơn cả là gần 90% trong số đó không yêu cầu kinh nghiệm (689 chỉ tiêu). Đây là động thái rõ ràng cho thấy Vietcombank đang tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự trẻ, tiềm năng để phát triển bền vững mảng bán lẻ và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Đáng chú ý, dù xu hướng chung tại nhiều ngân hàng là tinh giản mảng giao dịch, Vietcombank vẫn dành 78 chỉ tiêu cho vị trí Giao dịch viên (GDV), trong đó 72 vị trí không yêu cầu kinh nghiệm. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy ngân hàng vẫn duy trì lực lượng GDV tại các điểm giao dịch trọng yếu, song song với việc chuyển dịch nguồn lực sang mảng QHKH.
2. Diễn biến tuyển dụng theo đợt
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vietcombank đã triển khai 3 đợt tuyển dụng chính và 1 đợt bổ sung nhỏ, với tổng cộng 850 chỉ tiêu
- Đợt I/2025: 272 chỉ tiêu
- Đợt II/2025: 290 chỉ tiêu
- Đợt II - PGD bổ sung: 64 chỉ tiêu
- Đợt III/2025: 224 chỉ tiêu
Vietcombank không còn “rải” chỉ tiêu quanh năm như trước, khiến ứng viên có ít cơ hội hơn để thử sức. Trong bối cảnh số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, Vietcombank cũng đang siết chặt tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu cao hơn về tư duy nghiệp vụ, năng lực thực thi và khả năng thích nghi với công nghệ. Nên nếu không chuẩn bị bài bản ngay từ đầu, bạn rất dễ đánh rơi cơ hội duy nhất trong năm.
3. Phân bố theo khu vực
Theo thống kê mới nhất, TP.HCM chiếm gần một nửa tổng chỉ tiêu tuyển dụng Vietcombank toàn quốc với 391/850 chỉ tiêu, bỏ xa Hà Nội (141 chỉ tiêu), trong khi phần lớn các tỉnh thành còn lại chỉ dao động từ 1 đến dưới 30 suất, thậm chí nhiều nơi chỉ có 1-5 chỉ tiêu.
Riêng trong Đợt III/2025, con số này tiếp tục cho thấy sự vượt trội: TP.HCM chiếm tới 126/224 chỉ tiêu, gấp gần 5 lần Hà Nội (27 chỉ tiêu).
Điều này khẳng định TP.HCM vẫn là khu vực trọng điểm trong chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển khách hàng của Vietcombank. Với dân số đông, số lượng doanh nghiệp lớn và nhu cầu tài chính đa dạng, TP.HCM là nơi hội tụ tiềm năng khai thác thị phần cá nhân và doanh nghiệp cao nhất.
=> Ứng viên tại TP.HCM đang có lợi thế về số lượng, nhưng cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn.
4. So với năm 2024: Cắt giảm sâu và siết chặt đầu vào
So với cùng kỳ năm 2024, tuyển dụng Vietcombank năm 2025 đã có sự thay đổi đáng kể cả về số lượng chỉ tiêu lẫn cách tổ chức tuyển chọn. Từ mức hơn 1.500 chỉ tiêu vào năm ngoái, tổng nhu cầu tuyển năm nay giảm mạnh xuống còn 850 chỉ tiêu - tương đương mức giảm gần 45%.
Không chỉ thu hẹp về quy mô, Vietcombank cũng rút gọn số đợt tuyển dụng, thay vì trải dài 4-5 đợt như năm 2024 thì năm nay chỉ diễn ra 3 đợt chính và 1 đợt bổ sung nhỏ, tất cả đều tập trung trong 6 tháng đầu năm. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngân hàng đang chuyển hướng từ tuyển dụng đại trà sang tuyển chọn có chọn lọc, chỉ tập trung vào những vị trí thực sự cần thiết.
Với xu hướng này, từng đợt tuyển trở thành cuộc đua khốc liệt, khi số lượng cơ hội giảm nhưng chất lượng ứng viên ngày càng cao. Đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như TP.HCM và Hà Nội, nơi vẫn chiếm phần lớn chỉ tiêu qua các đợt, áp lực thi tuyển càng lớn hơn bao giờ hết.
5. Ứng viên cần làm gì để không bị bỏ lại?
Trong bối cảnh Vietcombank siết chặt chỉ tiêu và rút gọn đợt tuyển, mỗi cơ hội thi tuyển đều trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, ứng viên còn có thể “thử sức” nhiều lần trong năm thì nay chỉ có vài đợt tuyển trọng điểm, đồng nghĩa với việc sai một lần là mất cơ hội cả năm. Vì vậy, ứng viên không nên trông chờ vào các đợt tuyển bổ sung như những năm trước. Thay vào đó, cần chủ động chuẩn bị toàn diện ngay từ đầu - từ kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng xử lý đề thi đến hồ sơ cá nhân và khả năng phỏng vấn. Chắt chiu từng cơ hội, nắm chắc từng đợt tuyển chính là chìa khóa để vượt qua kỳ tuyển dụng ngày càng khắt khe và cạnh tranh cao.
Đừng đợi may mắn - hãy tạo lợi thế bằng sự chuẩn bị đúng cách. Vì trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chỉ những người làm đúng cách mới bước được vào cánh cửa Vietcombank.