messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Phân Loại Nợ Và Trích Lập Dự Phòng Rủi Ro

Tiếp theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 3 tháng 2 năm 2005 về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt quyết định và chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro; trong đó có Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 4 năm 2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD.

1. Trích lập quỹ dự phòng là gì?

Trích lập quỹ dự phòng

Theo Quyết định 493, tất cả các TCTD hoạt động tại Việt Nam (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội) phải thực hiện việc phân loại nợ; trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, khác với các quy định trước đây; Quyết định 493 cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng chính sách trích lập dự phòng của ngân hàng nước ngoài; nếu được NHNN chấp thuận bằng văn bản.

Mục đích của việc sử dụng dự phòng là để bù đắp tổn thất đối với các khoản nợ của TCTD. Dự phòng rủi ro chỉ tính theo dư nợ gốc của khách hàng; và được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng.

Khái niệm “nợ” được định nghĩa rất rộng theo Quyết định 493.

Nợ không chỉ bao gồm các khoản cho vay; cho thuê tài chính; chiết khấu; tái chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, tiền trả thay cho người được bảo lãnh; mà còn bao gồm các khoản ứng trước; thấu chi; các khoản bao thanh toán (một hình thức cấp tín dụng mới được phép theo Quy chế bao thanh toán của các TCTD ban hành kèm theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 6/9/2004 của NHNN); và “các hình thức tín dụng khác”.

Nợ phải phân loại, nhưng không phải trích lập dự phòng.

Các khoản cho vay bằng nguồn vốn tài trợ, ủy thác của bên thứ ba mà bên thứ ba cam kết chịu toàn bộ “trách nhiệm xử lý rủi ro”; và các khoản cho vay bằng nguồn vốn góp đồng tài trợ của TCTD khác mà TCTD không chịu bất cứ rủi ro nào; thì TCTD chỉ cần tiến hành phân loại nợ mà không phải trích lập dự phòng rủi ro.

Không rõ khái niệm “trách nhiệm xử lý rủi ro” trong quan hệ ủy thác ở đây có bao hàm ý nghĩa là xử lý tài sản bảo đảm; hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết khác để thu hồi nợ hay không. Khi cho vay ủy thác; hợp đồng vay và hợp đồng bảo đảm thông thường được ký kết giữa TCTD và khách hàng vay; mà không có sự tham gia của bên ủy thác vốn vay.

Vì không có quan hệ hợp đồng trực tiếp với khách hàng vay; sẽ khó có trường hợp bên ủy thác cam kết chịu trách nhiệm xử lý rủi ro nếu hiểu trách nhiệm xử lý rủi ro có nghĩa là trách nhiệm xử lý tài sản bảo đảm; hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết khác để thu hồi nợ. Thông thường TCTD nhận ủy thác sẽ có trách nhiệm xử lý rủi ro; và nếu như vậy TCTD đó vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro đối với vốn nhận ủy thác.

2. Trích lập dự phòng để làm gì?

Trích lập dự phòng để làm gì

Sau khi tìm hiểu khái niệm trích lập dự phòng là gì thì chúng ta có thể hiểu rõ được khoản ngân sách này được dùng để làm gì, tại sao phải lập dự phòng. Trong môi trường đầu tư kinh doanh thì rủi ro là những thứ không thể tránh khỏi, vì vậy doanh nghiệp thường sẽ lập dự phòng.

Khoản ngân sách dự phòng này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính dự trù để bù đắp cho các khoản tổn thất có thể xảy ra trong tương lai. Ví dụ như các khoản nợ xấu, đầu tư thua lỗ từ hoạt động tài chính giúp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp.

Các khoản lập dự phòng thường được tính toán kỹ lưỡng dựa trên giá trị của các dự án đầu tư, tài chính tín dụng. Vậy nên có thể đảm bảo doanh nghiệp phản ánh đúng giá trị các khoản mục trên báo cáo tài chính.

Có thể kiểm soát theo dõi tình hình thu hồi các khoản mục phải thu khách hàng, hàng tồn kho, đầu tư tài chính,… Kết luận lại việc trích lập dự phòng sẽ giúp bảo toàn vốn kinh doanh, phòng ngừa thiếu hụt ngân sách, tình hình kinh doanh phát triển của doanh nghiệp.

3. Các loại dự phòng rủi ro

Các loại dự phòng rủi ro

Quyết định 493 yêu cầu trích lập 2 loại dự phòng là dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Dự phòng cụ thể là loại dự phòng được trích lập trên cơ sở phân loại cụ thể các khoản nợ mà hiện nay các TCTD đang thực hiện; và được quy định rõ hơn theo Quyết định 493.

Ngoài ra, Quyết định 493 lần đầu tiên yêu cầu tổ chức tín dụng lập dự phòng chung cho tất cả các khoản nợ của mình bằng 0,75% tổng giá trị các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 theo cách phân loại tại Quyết định 493.

TCTD không phải là ngân hàng thương mại nhà nước phải thực hiện ngay việc trích lập dự phòng cụ thể theo quy định tại Quyết định 493; nhưng chỉ phải trích lập đủ số tiền dự phòng chung trong thời gian 5 năm kể từ ngày Quyết định 493 có hiệu lực thi hành (ngày 15 tháng 5 năm 2005). Đối với ngân hàng thương mại nhà nước; thời hạn trích lập đủ cả dự phòng chung và dự phòng cụ thể sẽ được thực hiện theo quyết định của NHNN và Bộ Tài chính; nhưng thời hạn tối đa không quá 5 năm kể từ ngày Quyết định 493 có hiệu lực thi hành.

4. Phương pháp phân loại nợ và trích lập dự phòng

Phương pháp phân loại nợ và trích lập dự phòng

Ngoài cách phân loại nợ theo phương pháp “định lượng” tương tự như các quy định trước đây; Quyết định 493 còn cho phép các TCTD có đủ khả năng và điều kiện được thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo phương pháp “định tính” nếu được NHNN chấp thuận bằng văn bản.

4.1. Phương pháp “định lượng”

Quyết định 493 phân loại nợ thành năm nhóm; bao gồm:

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn. Bao gồm nợ trong hạn được đánh giá có khả năng thu hồi đủ gốc và lãi đúng hạn và các khoản nợ có thể phát sinh trong tương lai như các khoản bảo lãnh; cam kết cho vay; chấp nhận thanh toán.

Nhóm 2: Nợ cần chú ý. Bao gồm nợ quá hạn dưới 90 ngày; và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn. Bao gồm nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày; và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ. Bao gồm nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn. Bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 180 ngày và nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý.

Cần lưu ý là cho dù có tiêu chí thời gian quá hạn trả nợ cụ thể để phân loại nợ như trên; TCTD vẫn có quyền chủ động tự quyết định phân loại bất kỳ khoản nợ nào vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn; tương ứng với mức độ rủi ro nếu đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

4.2. Phương pháp “định tính”

Lần đầu tiên phương pháp “định tính” được Quyết định 493 cho phép áp dụng đối với TCTD đủ điều kiện. Theo phương pháp này, nợ cũng được phân thành 5 nhóm tương ứng như 5 nhóm nợ theo cách phân loại nợ theo phương pháp định lượng; nhưng không nhất thiết căn cứ vào số ngày quá hạn chưa thanh toán nợ; mà căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chính sách dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận.

Các nhóm nợ bao gồm:

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn. Bao gồm nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng hạn.

Nhóm 2: Nợ cần chú ý. Bao gồm nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi; nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ.

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn. Bao gồm nợ được đánh giá là không có khả năng thu hồi gốc và lãi khi đến hạn.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ. Bao gồm nợ được đánh giá là có khả năng tổn thất cao.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn. Bao gồm nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn.

5. Tỷ lệ trích lập và công thức tính dự phòng cụ thể

Tỷ lệ trích lập và công thức tính dự phòng

Cho dù được phân loại theo phương pháp nào, tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với các nhóm nợ 1, 2, 3, 4, và 5 lần lượt là 0%, 5%, 20%, 50% và 100%. Quyết định 493 đưa ra cách tính số tiền dự phòng bằng công thức hoàn toàn mới; khác với cách tính dự phòng quy định tại các quy định trước đây. Theo các quy định trước đây; số tiền dự phòng chỉ đơn giản bằng tỷ lệ trích dự phòng nhân với tài sản có từng nhóm.

Trong khi đó, Quyết định 493 đưa ra công thức tính số tiền dự phòng như sau:

R = max 0, (A-C) x r

Trong đó:

R: số tiền dự phòng cụ thể phải trích;

A: giá trị khoản nợ;

C: giá trị tài sản bảo đảm (nhân với tỷ lệ phần trăm do Quyết Định 493 quy định đối với từng loại tài sản bảo đảm);

r: tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể.

Như vậy, số tiền dự phòng cụ thể không chỉ phụ thuộc vào giá trị khoản nợ và tỷ lệ trích lập dự phòng; mà còn phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm. Nếu giá trị tài sản bảo đảm sau khi được tính theo tỷ lệ phần trăm lớn hơn giá trị khoản nợ; thì số tiền dự phòng cũng bằng không; có nghĩa là tổ chức tín dụng trên thực tế không phải lập dự phòng cho khoản nợ đó.

Ví dụ:

Tổ chức tín dụng X có giá trị khoản nợ đối với khách hàng Y bằng 100 triệu đồng; giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản bằng 120 triệu đồng và giả sử khoản nợ này được xếp vào nhóm có tỷ lệ dự phòng là 20% (nhóm 2 theo Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN ngày 27 tháng 11 năm 2000 (đã bị Quyết định 493 thay thế); và nhóm 3 theo Quyết định 493). Theo Quyết định 488, số tiền dự phòng của tổ chức tín dụng X cho khoản nợ này bằng 100 triệu đồng x 20% = 20 triệu đồng.

Theo Quyết định 493, từng giá trị được tính như sau:

A = 100 triệu đồng

C = 120 triệu đồng x 50% (giả sử 50% là tỷ lệ phần trăm theo quy định đối với loại tài sản bảo đảm có liên quan) = 60 triệu đồng

r = 20%

Do đó, số tiền dự phòng cụ thể bằng (100 triệu – 60 triệu) x 20% = 8 triệu đồng.

Trong ví dụ trên, nếu giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng Y lớn đủ để C lớn hơn A (ví dụ giá trị tài sản bảo đảm bằng 240 triệu đồng, C = 240 triệu đồng x 50% = 120 triệu đồng; và do đó A trừ C là một giá trị âm); thì theo công thức tính số tiền dự phòng của Quyết định 493, số tiền này là bằng 0; có nghĩa là tổ chức tín dụng X không phải trích lập dự phòng cho khoản nợ của khách hàng Y.

Lưu ý:

Giá trị tài sản bảo đảm “ghi trên hợp đồng bảo đảm” sẽ là căn cứ để tính số tiền dự phòng cụ thể cho phần lớn các loại tài sản bảo đảm (về cơ bản trừ vàng và các loại chứng khoán). Vì giá trị tài sản bảo đảm ghi trên hợp đồng không được dùng để xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không trả được nợ; nên trên thực tế các ngân hàng thường quy định giá trị danh nghĩa trong hợp đồng bảo đảm.

Với cách tính số tiền dự phòng cụ thể như trên; có lẽ các TCTD cần lưu ý việc định giá tài sản bảo đảm ngay tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm; cũng như tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm bổ sung trong trường hợp cầm cố, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Khi thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; chúng tôi không rõ là liệu giá trị dự toán của tài sản tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm gốc có được chấp nhận dùng để tính dự phòng nếu bên vay không trả được nợ trước thời điểm tài sản bảo đảm hình thành hay không.

Ngoài ra, đối với việc cầm cố, thế chấp những tài sản “biến đổi”; ví dụ như tài khoản; hàng hoá sản xuất và lưu thông của bên bảo đảm; thì không rõ giá trị những tài sản này được ghi trong hợp đồng ra sao.

6. Nguyên tắc chung trong việc Trích lập dự phòng

Nguyên tắc chung trong việc Trích lập dự phòng

Trích lập dự phòng là một công việc cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và nó phải phù hợp với các nguyên tắc chung theo quy định. Vậy nguyên tắc chung trong trích lập dự phòng rủi ro là gì?

Nguyên tắc chung khi trích lập dự phòng cần tuân theo bao gồm:

  • Các khoản dự phòng trích lập sẽ có thể được tính vào chi phí được trừ khi xác định khoản thu nhập chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm dùng để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau;
  • Lập dự phòng cần tuân thủ tính xác thực đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường. Ngoài ra còn có giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
  • Thời điểm lập báo cáo tài chính năm là thời điểm doanh nghiệp làm việc trích lập dự phòng năm tài chính tiếp theo và hoàn nhập các khoản dự phòng của năm trước.
  • Mặc dù lập dự phòng là việc nên làm nhưng nếu không cần sử dụng tới khoản tài chính này mới là điều các doanh nghiệp mong muốn. Để làm được điều này doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh và phân chia trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận.
  • Các khoản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp thì sẽ không lập trích lập dự phòng.

7. Sử dụng dự phòng

Sử dụng dự phòng

Dự phòng rủi ro được sử dụng trong trường hợp khách hàng bị giải thể, phá sản; hoặc chết hoặc mất tích. Dự phòng cũng được dùng để xử lý rủi ro ngay khi các khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng dự phòng cụ thể đối với từng khoản nợ trước; phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; và cuối cùng nếu phát mại tài sản không đủ bù đắp thì mới được sử dụng dự phòng chung.

Kết luận

Quyết định 493 đặt ra yêu cầu quản lý nợ; kiểm soát rủi ro cao hơn đối với các TCTD; và việc thi hành Quyết định 493 sẽ đánh giá đúng bản chất và chất lượng tín dụng của các TCTD.

Việc thi hành các quy định mới sẽ yêu cầu phải có những thay đổi tại các ngân hàng. Chẳng hạn như đủ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác để trích lập dự phòng; cũng như các thay đổi liên quan đến cơ cấu tổ chức; nhân sự, hệ thống thông tin và dữ liệu để quản lý nợ quá hạn.

Việc thi hành các quy định mới cũng đặt ra những yêu cầu đối với NHNN trong việc phát triển cơ cấu tổ chức và nhân sự để đáp ứng các yêu cầu thực tế. Cụ thể, việc kiểm soát dựa trên đánh giá chất lượng tài sản sẽ trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các thanh tra NHNN. NHNN sẽ phải xây dựng một cơ chế kiểm tra và giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá đó.

Cuối cùng, vì chi phí phát sinh từ những thay đổi trên sẽ chuyển sang khách hàng vay nên chi phí cho vay sẽ có thể tăng. Các ngân hàng cũng sẽ ưu tiên cho việc cho vay có bảo đảm để giảm gánh nặng về dự phòng rủi ro.

Trên đây là những thông tin liên quan việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kinh nghiệm UB AcademyDiễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới về ngành.