Có thể bạn sẽ quan tâm
Phân biệt sự khác nhau giữa Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước đều là những cơ quan nhà nước nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, liên quan trực tiếp đến các chính sách điều tiết nền kinh tế. Cùng UB Academy phân tích sự khác nhau giữa Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước trong bài viết dưới đây.
Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước đều là những cơ quan nhà nước nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, liên quan trực tiếp đến các chính sách điều tiết nền kinh tế, cùng với các công cụ quản lý hoạt động Tài chính – Ngân sách của Nhà nước.
Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng công chức tại 2 cơ quan nhà nước nói trên đều vô cùng sôi động, với số lượng chỉ tiêu lên đến hàng nghìn người, qua đó thu hút sự quan tâm lớn của rất nhiều ứng viên.
Với mong muốn cung cấp thông tin đầy đủ hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, UB Academy xin cung cấp đến bạn đọc về những thông tin pháp lý.
I. Về quy định pháp luật
Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định cụ thể về chức năng của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, bao gồm:
- Nghị định số 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính
Đây là 2 văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định về tổ chức hoạt động.
II. Về vị trí và chức năng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, trong đó:
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối;
- Thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ;
- Quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính:
- Thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước;
- Quản lý ngân quỹ nhà nước;
- Tổng kế toán nhà nước;
- Thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.
III. Về nhiệm vụ và quyền hạn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhóm nhiệm vụ chính bao gồm:
- Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
- Tổ chức thống kê, điều tra thống kê, thu thập và lưu trữ thông tin về kinh tế, tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong nước và nước ngoài
- Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổ chức không phải là ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
- Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng
- Thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
- Chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; chấp thuận những thay đổi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng
- . Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền; kiểm soát tín dụng; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
- Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế
- Tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng
- Ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính
- Thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương
Kho bạc Nhà nước thực hiện hoạt động về Tài chính – Ngân sách:
- Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước được giao theo quy định của pháp luật
- Được trích tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thực hiện kế toán ngân sách nhà nước
- Tổ chức thực hiện tổng kế toán nhà nước
- Tổ chức thực hiện công tác thống kê kho bạc nhà nước và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.
- . Tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống
- Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ.
- Tổ chức quản trị và vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.
- Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Kho bạc Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
IV. Về cơ cấu tổ chức
Các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm:
- Vụ Chính sách tiền tệ.
- Vụ Quản lý ngoại hối.
- Vụ Thanh toán.
- Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
- Vụ Dự báo, thống kê.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính.
- Vụ Kiểm toán nội bộ.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Tài chính – Kế toán.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Vụ Thi đua – Khen thưởng.
- Vụ Truyền thông.
- Văn phòng.
- Cục Công nghệ thông tin.
- Cục Phát hành và kho quỹ.
- Cục Quản trị.
- Sở Giao dịch.
- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Viện Chiến lược ngân hàng.
- Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
- Thời báo Ngân hàng.
- Tạp chí Ngân hàng.
- Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.
- Học viện Ngân hàng.
Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất.
1. Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương:
a) Vụ Tổng hợp – Pháp chế;
b) Vụ Kiểm soát chi;
c) Vụ Kho quỹ;
d) Vụ Hợp tác quốc tế;
đ) Vụ Thanh tra – Kiểm tra;
e) Vụ Tổ chức cán bộ;
g) Vụ Tài vụ – Quản trị;
h) Văn phòng;
i) Cục Kế toán nhà nước;
k) Cục Quản lý ngân quỹ;
l) Cục Công nghệ thông tin;
m) Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước;
n) Trường Nghiệp vụ Kho bạc;
o) Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia.
Các tổ chức quy định từ Điểm a đến Điểm m Khoản này là tổ chức hành chính giúp Tổng Giám đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định tại Điểm n và Điểm o là tổ chức sự nghiệp.
2. Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở địa phương:
a) Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) trực thuộc Kho bạc Nhà nước.
b) Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) trực thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
V. Về ban lãnh đạo
Ngân hàng Nhà nước có Thống đốc & các Phó Thống đốc. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Kho bạc Nhà nước có Tổng Giám đốc và không quá 03 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc là người đứng đầu Kho bạc Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Kho bạc Nhà nước.
VI. Về mối liên hệ
Về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động Tiền tệ – Ngân hàng. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện quản lý đối với hoạt động liên quan đến Tài chính – Ngân sách.
Về mối liên hệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước. Ngược lại, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tiền gửi hoặc tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi, thanh toán của Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số thông tin UB Academy tổng hợp và phân tích nhằm giúp bạn đọc nắm rõ được các quy định pháp lý hiện hành, đồng thời xác định được đúng vai trò và sự khác nhau của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước.
Đăng ký tư vấn miễn phí khóa học Kho bạc Nhà nước 2024