Có thể bạn sẽ quan tâm
Nhận diện khách hàng VIP ở ngân hàng thương mại
Phân khúc khách hàng cao cấp/khách hàng VIP tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong danh mục khách hàng, nhưng là một phân khúc quan trọng, nhiều tiềm năng, và được các ngân hàng thương mại (NHTM) hướng tới. Việc cung cấp sản phẩm dịch vụ trọn gói, có tính đặc thù cao đang được các NHTM xây dựng để phục vụ khách hàng VIP. Song, để xây dựng được những gói sản phẩm phù hợp với khách hàng VIP, việc đầu tiên là phải nhận diện được khách hàng VIP.
1. Thế nào là khách hàng VIP ngân hàng?
Hiện nay, khách hàng được coi là VIP xuất phát từ thực tế tại từng NHTM. Có ngân hàng coi Khách hàng VIP là khách hàng đạt một mức độ tài sản nhất định (High net worth individuals). Có ngân hàng quan niệm, khách hàng VIP là khách hàng có thu nhập thường xuyên cao, và có nhu cầu chi tiêu cao. Nhưng cũng có ngân hàng cho rằng, có số dư tiền gửi bình quân cao, dư nợ ổn định và đáng tin cậy là khách hàng VIP.
Những quan niệm về khách hàng VIP trên đây có thể rộng hẹp khác nhau, nhưng đều có điểm chung là: khách hàng VIP trực tiếp góp phần đem lại nguồn tài sản (nợ/có) của NHTM. Tuy nhiên, trong thực tế, có những khách hàng gián tiếp đem lại nguồn tài sản cho ngân hàng, nhưng nếu chỉ căn cứ vào số liệu trên báo cáo tài chính của ngân hàng, thì rất có thể các khách hàng này bị bỏ sót. Như vậy nhận diện khách hàng VIP nên như thế nào?
2. Phân nhóm khách hàng VIP ngân hàng
Có thể phân tách khách hàng VIP thành hai nhóm:
- Khách hàng VIP trực tiếp
- Khách hàng VIP gián tiếp.
Khách hàng VIP trực tiếp là khách hàng trực tiếp đem lại nguồn tài sản cho ngân hàng, bao gồm: khách hàng có số dư tiền gửi bình quân cao, số dư nợ tiền vay cao, ổn định và đảm bảo chữ tín với ngân hàng, có sử dụng đa dạng các loại sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng,…
Khách hàng VIP gián tiếp chủ yếu là lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), đơn vị hành chính sự nghiệp. Những khách hàng này mang lại nguồn lực cho ngân hàng chủ yếu từ uy tín của họ, không phải từ việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Nhận biết được khách hàng VIP gián tiếp cần phải xem xét quy mô hoạt động của DN (doanh thu, lợi nhuận, số tiền gửi, tiền vay bình quân, đóng góp hàng năm cho Ngân sách Nhà nước), số lượng cán bộ công nhân viên, số lượng sản phẩm dịch vụ đơn vị sử dụng…
3. Thực trạng khách hàng VIP tại các ngân hàng
Trên thực tế, những khách hàng VIP trực tiếp đã và đang được các NHTM nhìn nhận đúng nghĩa. Còn những khách hàng VIP gián tiếp thường được các ngân hàng đưa vào nhóm khách hàng tiềm năng, nên hầu như chưa có chính sách riêng biệt cho đối tượng này. Đây là mảng trống trong chính sách khách hàng của NHTM.
Nhóm đối tượng này tuy thu nhập chỉ ở mức khá, nhưng họ lại có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bằng uy tín và quyền lực của người lãnh đạo, họ có thể quyết định mở hay đóng tài khoản, sử dụng các dịch vụ trọn gói của ngân hàng cho DN/cơ quan họ, hoặc thuyết phục đội ngũ cán bộ, nhân viên sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. NHTM chỉ cần có chính sách quan tâm đến người lãnh đạo, tạo được niềm tin với họ, để họ tin cậy sử dụng sản phẩm dịch vụ và hướng cán bộ nhân viên sử dụng sản phẩm dịch vụ đó.
4. Xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng VIP
Để xây dựng được chính sách chăm sóc khách hàng VIP phù hợp với từng nhóm khách hàng, trước tiên, các NHTM cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại khách hàng VIP theo từng nhóm đối tượng. Các khách hàng VIP thuộc các nhóm khác nhau sẽ được cấp thẻ VIP ở mức độ tương ứng.
Chính sách chăm sóc khách hàng VIP phải gắn với chiến lược kinh doanh của NHTM qua từng thời kỳ. Chẳng hạn, khi ngân hàng muốn khai thác thị trường bán lẻ thì các chính sách ưu đãi khách hàng VIP cần hướng tới việc sử dụng trọn gói sản phẩm dịch vụ ngân hàng như miễn phí sử dụng giao dịch tài chính qua Internet, gửi tặng các sản phẩm có khả năng ứng dụng những tiện ích ngân hàng một cách dễ dàng, thuận tiện, ưu đãi khi phát hành thẻ…
Lưu ý:
NHTM cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của từng nhóm đối tượng để xây dựng chính sách “làm hài lòng khách hàng VIP”. Nhóm khách hàng VIP gián tiếp có nhu cầu chủ yếu là thông tin, do đó, có thể xây dựng chương trình ưu đãi cung cấp miễn phí các thông tin về tài chính – ngân hàng, tình hình kinh tế trong và ngoài nước qua email. Tổ chức các chuyến du lịch để nhóm khách hàng này có thể chia sẻ thông tin với nhau. Nhóm khách hàng VIP gián tiếp đặc biệt xem trọng vấn đề thời gian, vì thế cũng cần xây dựng những “dịch vụ đặc thù” như cử cán bộ quan tâm, giúp đỡ riêng biệt, có nơi giao dịch riêng.
Để hoạt động chăm sóc khách hàng VIP đạt hiệu quả tối ưu thì hệ thống chính sách cần được nhất quán, “nói đi đôi với làm” tạo sự chủ động cho cán bộ quan hệ khách hàng và tạo niềm tin cho khách hàng. Các chính sách cũng cần thường xuyên cập nhật, thay đổi cho phù hợp trong từng giai đoạn và điều quan trọng nhất là phải giữ chữ tín với khách hàng khi triển khai các chính sách này.
5. Đặc quyền khách hàng VIP ngân hàng là gì?
Tại nhiều ngân hàng hiện nay thì khách hàng VIP có thể được gọi với rất nhiều các tên gọi khác nhau như “Premium Banking”, “Private Banking”, ” Priority Banking”,….. nhưng đặc điểm chung của những khách hàng này đều là có tài sản rất lớn, có mối quan hệ tốt và đặc biệt là khả năng họ mang lại lợi ích cho ngân hàng rất cao. Đương nhiên là mỗi ngân hàng thì đều sẽ có những điều kiện khác nhau để khách hàng trở thành khách VIP.
Vậy thì ngay sau đây chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu xem liệu đặc quyền mà khách VIP của ngân hàng có thể nhận được là gì nhé:
- Khi đến các điểm giao dịch của ngân hàng thì khách VIP sẽ không cần tiến hành giao dịch tại các không gian chung mà sẽ tiến hành trong không gian riêng tư và đẳng cấp. Ngoài ra thì khách VIP cũng sẽ được hỗ trợ các thủ tục và tránh trường hợp phải chờ đợi.
- Sử dụng hotline riêng 24/7 để được tư vấn về dịch vụ.
- Sở hữu đội ngũ chuyên viên chăm sóc chuyên nghiệp và riêng biệt.
- Có thể được tăng hạn mức giao dịch và tối đa có thể lên đến 2 tỷ đồng/ngày.
- Miễn thẩm định thực tế khoản vay
- Tất cả các dịch vụ sử dụng tại ngân hàng cùng với tiền gửi hay tiền vay thì sẽ được hưởng mức lãi suất cùng với ưu đãi đầy hấp dẫn và được thiết kế riêng.
- Được đích thân các chuyên gia tư vấn tài chính thiết kế riêng các sản phẩm đầu tư quỹ hoặc ủy thác.
- Hỗ trợ đặc biệt với một số các đặc quyền vượt trội khác như sử dụng phòng chờ VIP tại sân bay, hoàn tiền cho các dịch vụ hay đặt phòng tại khách sạn, bảo hiểm du lịch, không cần phải đặt trước tại các sân bay quốc tế (sử dụng trên toàn cầu),….
Tại các ngân hàng khác nhau thì đặc quyền của các khách VIP nhận được có thể sẽ có một số đặc điểm khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung thì hầu như những khách VIP tại mọi ngân hàng đều sẽ nhận được những đặc quyền trên.
Kết luận
Trên đây là cách nhận biết khách VIP ngân hàng thương mại mà bạn không nên bỏ qua. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kiến thức UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật thêm kiến thức mới về ngành Ngân hàng.