Có thể bạn sẽ quan tâm
Nghiệp Vụ Cho Vay Của Ngân Hàng Thương Mại
- 1. Khái niệm cho vay của Ngân hàng thương mại
- 2. Các nhân tố cơ bản trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại
- 2.1 Căn cứ vào mục đích
- 2.2 Căn cứ vào thời hạn cho vay
- 2.3 Căn cứ vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng
- 2.4 Căn cứ vào hình thái giá trị của tín dụng
- 2.5 Căn cứ vào phương pháp hoàn trả
- 3. Nguyên tắc cho vay của ngân hàng thương mại
- 3.1 Nguyên tắc thứ nhất: Nguyên tắc quản lý mục đích tiền vay
- 3.2 Nguyên tắc thứ hai: Nguyên tắc hoàn trả
- 4. Các hình thức cho vay của Ngân hàng thương mại
- 4.1 Căn cứ vào thời gian cho vay
- 4.2 Căn cứ vào tính chất luân chuyển vốn vay
- 4.3 Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn
- 4.4 Căn cứ vào biện pháp bảo đảm tiền vay
- 4.5 Căn cứ vào phương thức hoàn trả
- 4.6 Các phương thức cho vay khác
- 5. Vai trò hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại
Vai trò và nhân tố cơ bản trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại
Trong hoạt động của ngân hàng có rất nhiều nghiệp vụ. Nổi bật nhất chính là nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại – được biết đến như là một hình thức kinh doanh đem lại cho ngân hàng nguồn thu nhất định. Vậy vai trò cũng như nhân tố cơ bản trong nghiệp vụ này là gì? Câu trả lời sẽ được giải đáp ngay dưới đây.
1. Khái niệm cho vay của Ngân hàng thương mại
Cho vay là một mối quan hệ kinh tế. Trong quan hệ này, người cho vay chuyển giao quyền sử dụng tiền trong một thời gian nhất định cho người đi vay. Khi đến hạn trả nợ người đi vay có nghĩa vụ hoàn trả số tiền gốc và lãi vay.
Như vậy cho vay được hiểu như sau: Cho vay phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa một bên là người cho vay (NHTM) và một bên là người vay (khách hàng vay vốn).
2. Các nhân tố cơ bản trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại
Thông thường trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại, sẽ có những nhân tố cơ bản như:
- Các bên tham gia: Bao gồm người vay và người cho vay
- Điều kiện chủ thể vay vốn: Có năng lực chủ thể – Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự (Điều 16,18,96 – Bộ luật dân sự) chịu trách nhiệm pháp lý trong kinh tế và dân sự và các cơ quan nhà nước.
Hoạt động cho vay của các ngân hàng được xem như là một hoạt động chính giúp ngân hàng sinh lời, kể cả ngân hàng trung gian nói chung và thương mại nói riêng. Hiện nay, hoạt động cho vay này rất phong phú, đa dạng, có thể kể tên một số nghiệp vụ cho vay. Đó là:
2.1 Căn cứ vào mục đích
- Cho vay công nghiệp và thương mại: là loại cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
- Cho vay bất động sản: là hình thức cho khách hàng vay để đầu tư, mua sắm bất động sản nhà ở, đất đai.
2.2 Căn cứ vào thời hạn cho vay
Nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại mà căn cứ vào thời hạn thì sẽ giúp tính được độ an toàn của khoản vay cũng như khả năng sinh lời của nguồn vốn đó. Theo thời gian, ngân hàng sẽ chia các khoản vay thành:
- Cho vay ngắn hạn: có thời hạn dưới 12 tháng, được sử dụng để bù đắp thiếu hụt vốn lưu động và các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của các doanh nghiệp.
- Cho vay trung hạn: có thời hạn từ 1 – 3 năm. Khoản vay này thường được khách hàng sử dụng để đầu tư mua sắm tài sản cố định hoặc cải tiến, đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, xây dựng các dự án mới có quy mô nhỏ với đặc điểm là thu hồi vốn nhanh.
- Cho vay dài hạn: thời hạn tối thiểu là 3 năm và tối đa khoảng 20 – 30 năm. Khoản vay này thường được sử dụng để xây nhà hoặc đầu tư vào các phương tiện vận tải có quy mô lớn, xây dựng các xí nghiệp mới.
2.3 Căn cứ vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng
- Cho vay có bảo đảm: bắt buộc khách hàng phải có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc có sự bảo lãnh của bên thứ ba/
- Cho vay không bảo đảm: không cần có tài sản thế chấp cũng như sự bảo lãnh của bên thứ 3. Là hình thức mà ngân hàng sẽ dựa vào mức độ uy tín của khách hàng để quyết định cho vay. Vì thế, hình thức cho vay này thường có rủi ro cao.
2.4 Căn cứ vào hình thái giá trị của tín dụng
Đối với nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại nói riêng hay các ngân hàng nói chung, đều có 2 hình thái giá trị cho vay. Cụ thể:
- Cho vay bằng tiền: Tức là được vay tiền mặt. Đây là loại cho vay chủ yếu của các ngân hàng và được thực hiện bằng các kỹ thuật như tín dụng ứng trước, thấu chi, tín dụng thời vụ…
- Cho vay bằng tài sản: Là hình thức cho vay bằng tài sản, phổ biến và đa dạng, ví như tài trợ thuê mua.
2.5 Căn cứ vào phương pháp hoàn trả
Hay thấy hiện nay nhất chính là cho vay trả góp – hình thức tín dụng mà ngân hàng cho phép khách hàng trả gốc nhiều lần trong hạn mức tín dụng đã thỏa thuận. Hình thức này thường được áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn, tài trợ cho tài sản cố định hoặc lâu bền.
Số tiền một lần trả được tính toán sao cho phù hợp với khả năng trả nợ (thường là khấu hao và thu nhập sau thuế của dự án hoặc thu nhập hàng kỳ của người tiêu dùng).
3. Nguyên tắc cho vay của ngân hàng thương mại
3.1 Nguyên tắc thứ nhất: Nguyên tắc quản lý mục đích tiền vay
Theo nguyên tắc này, mặc dù người đi vay phải thế chấp tài sản để được vay tiền; nhưng người cho vay (ngân hàng thương mại) có quyền kiểm tra việc sử dụng vốn vay đối với người vay. Người vay phải xây dựng dự án, phương án xin vay vốn; và phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với ngân hàng.
Mục đích của việc đề ra nguyên tắc này là đảm bảo tính hoàn trả của đồng vốn. Đồng thời, quản lý vốn đầu tư theo đúng định hướng và cơ cấu đầu tư. Quản lý vốn đầu tư đúng định hướng; từ đó đảm bảo tính cân đối trong nền kinh tế.
3.2 Nguyên tắc thứ hai: Nguyên tắc hoàn trả
Vốn vay phải được hoàn trả cả gốc và lãi cho ngân hàng sau thời gian vay vốn. Thời gian vay vốn là khoảng thời gian kể từ khi người vay lĩnh tiền vay lần đầu tiên; đến khi trả hết nợ gốc và tiền lãi.
Nguyên tắc hoàn trả thể hiện ở hai khía cạnh:
- Khía cạnh thứ nhất là số lượng hoàn trả. Số lượng hoàn trả sẽ bằng tổng số tiền gốc của khoản vay và số lãi phát sinh trong quá trình vay vốn.
- Khía cạnh thứ hai là thời gian hoàn trả. Thời gian hoàn trả phải thực hiện theo thỏa thuận giữa hai bên được ghi trong hợp đồng vay tiền.
4. Các hình thức cho vay của Ngân hàng thương mại
Có nhiều cách để phân loại cho vay. Hiện nay các ngân hàng thương mại thường phân loại theo những tiêu chí như sau:
4.1 Căn cứ vào thời gian cho vay
- Cho vay ngắn hạn
Thời gian cho vay là khoảng thời gian kể từ khi khách hàng nhận nợ khoản tiền vay đầu tiên đến khi trả hết nợ.
Thời gian cho vay phụ thuộc vào chu kỳ luân chuyển vốn của đối tượng vay vốn; nguồn vốn trả nợ ngân hàng của người vay; và khả năng nguồn vốn của ngân hàng.
Cho vay ngắn hạn là loại cho vay mà thời gian cho vay đến 12 tháng.
- Cho vay trung hạn
Cho vay ngắn hạn là loại cho vay mà thời gian cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.
- Cho vay dài hạn
Cho vay ngắn hạn là loại cho vay mà thời gian cho vay từ trên 60 tháng.
4.2 Căn cứ vào tính chất luân chuyển vốn vay
- Cho vay vốn cố định
Tài sản cố định là loại tài sản tham gia vào nhiều quá trình sản xuất kinh doanh. Giá trị của tài sản cố định hao mòn dần trong quá trình sản xuất kinh doanh; và chuyển dần vào giá trị sản phẩm.
Cho vay tài sản cố định là loại cho vay mà vốn vay sử dụng vào các mục đích mua sắm, mở rộng, duy tu tài sản cố định.
- Cho vay vốn lưu động.
Khác với tài sản cố định, tài sản lưu động là những tài sản chỉ tham gia vào một quá trình sản xuất kinh doanh. Giá trị của tài sản lưu động chuyển một lần vào giá trị sản phẩm.
Cho vay vốn lưu động là loại cho vay mà mục đích để mua tài sản lưu động.
4.3 Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn
- Cho vay sản xuất kinh doanh
Cho vay sản xuất kinh doanh là loại cho vay mà tiền vay tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Quá trình sản xuất kinh doanh là quá trình bỏ vốn mua các yếu tố sản xuất. Sau đó thực hiện quá trình lao động để kết hợp các yếu tố sản xuất thành sản phẩm và tiêu thụ. Sau đó tiếp tục quá trình tái sản xuất.
Đối với cho vay sản xuất kinh doanh có thể cho vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Thông thường, đối với lĩnh vực lưu thông hàng hoá các ngân hàng thường cho vay ngắn hạn.
- Cho vay tiêu dùng
Cho vay tiêu dùng là loại cho vay mà mục đích là để sử dụng vào tiêu dùng.
Khác với cho vay sản xuất kinh doanh; cho vay tiêu dùng vốn vay bị tiêu dùng dần không tạo ra sản phẩm hàng hoá. Vì vậy, cho vay tiêu dùng phải có nguồn thu nợ độc lập với dự án như nguồn tiền lương; nguồn thu từ bán các tài sản khác của người vay…
4.4 Căn cứ vào biện pháp bảo đảm tiền vay
- Cho vay có bảo đảm bằng tài sản
Để thực hiện được nguyên tắc hoàn trả khi cho vay; các ngân hàng thường áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay. Đảm bảo tiền vay là việc bằng cơ sở pháp lý tạo thêm cho ngân hàng một nguồn thu thứ hai độc lập với nguồn thu từ tài sản cho vay. Các biện pháp đảm bảo tiền vay thông thường là thế chấp, bảo lãnh, cầm cố…
Cho vay có bảo đảm bằng tài sản là loại cho vay mà hình thức bảo đảm là tài sản.
Khi cho vay bảo đảm bằng tài sản song song với hợp đồng vay tiền ngân hàng và khách hàng ký thêm hợp đồng bảo đảm bằng tài sản. Nội dung cốt lõi của hợp đồng bảo đảm bằng tài sản là nếu khách hàng không trả được nợ; ngân hàng sẽ phát mại tài sản của khách hàng; hoặc của người thứ ba để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Phổ biến các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay là cho vay đảm bảo bằng tài sản. Tài sản đảm bảo có thể là tài sản của người vay (thế chấp); cũng có khi của người thứ 3 (thế chấp bằng tài sản của người thứ ba).
- Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản
Cho vay không có đảm bảo bằng tài sản là loại cho vay mà biện pháp bảo đảm không bằng tài sản.
Khi cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; biện pháp bảo đảm có thể là bảo lãnh của ngân hàng khác, cho vay tín chấp… Loại cho vay không có đảm bảo bằng tài sản chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại. Phổ biến nhất của loại cho vay không đảm bảo bằng tài sản là cho vay tín chấp.
Các ngân hàng thương mại thường lựa chọn những khách hàng có tín nhiệm; những khách hàng là người có thu nhập cao; có địa vị xã hội để cho vay tín chấp. Cho vay tín chấp thường là cho vay tiêu dùng. Nhiều ngân hàng cho vay tín chấp là vì các mục tiêu xã hội. Những dự án cho vay như vậy thường là những dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ.
4.5 Căn cứ vào phương thức hoàn trả
- Cho vay trả góp
Cho vay trả góp là loại cho vay mà quá trình trả nợ diễn ra đều đặn. Chu kỳ trả nợ bằng nhau; số tiền trả nợ gốc các kỳ bằng nhau.
Cho vay trả góp cũng phân thành hai phương thức cho vay trả góp, hai phương thức cho vay trả góp khác nhau ở cách tính và thu lãi tiền vay.
Phương thức thứ nhất là: để có số tiền trả nợ bằng nhau; ngân hàng đã tính sẵn tiền lãi trên số tiền vay ban đầu; sau đó chia đều cho những kỳ trả nợ. Lãi suất danh nghĩa của phương thức cho vay trả góp này là lãi suất được tính trên số tiền vay ban đầu. Vì vậy, lãi suất cho vay trả góp theo phương thức này thường thấp hơn lãi suất cho vay các phương thức cho vay khác. Sở dĩ cho vay trả góp theo phương thức này có lãi suất thấp; bởi vì nó được tính trên dư nợ ban đầu khi khách hàng nhận nợ. Thực tế số dư nợ giảm dần theo thời gian.
Phương thức cho vay trả góp thứ hai là: tính lãi trên số dư nợ thực tế. Khi cho vay khách hàng và ngân hàng thoả thuận số tiền gốc được chia đều cho các kỳ trả nợ; số tiền lãi được tính trên số tiền gốc của kỳ trước. Như vậy số tiền trả nợ không bằng nhau giữa các kỳ trả nợ do số tiền lãi nhỏ dần theo dư nợ thực tế
Phương thức cho vay trả góp thường áp dụng đối với cho vay trung, dài hạn. Phương thức cho vay trả góp mà tiền lãi được tính trên dư nợ ban đầu; sau đó chia đều cho các kỳ trả nợ hiện rất phổ biến khi cho vay tiêu dùng, như cho vay mua ô tô trả góp; cho vay mua nhà trả góp… Ưu điểm của phương thức này là khách hàng rất dễ nhớ và dễ tính toán bởi tính đều đặn của nó.
- Cho vay phi trả góp
Cho vay phi trả góp là các phương thức cho vay mà quá trình trả nợ gốc không đều, không đều về chu kỳ trả nợ và không đều về số tiền trả nợ từng chu kỳ.
Căn cứ để xây dựng kế hoạch trả nợ giữa ngân hàng và khách hàng là nguồn trả nợ. Những dự án có nguồn trả nợ đều thì cho vay theo phương thức cho vay trả góp. Những dự án không có nguồn trả nợ đều thì cho vay theo các phương thức phi trả góp.
Cho vay phi trả góp có rất nhiều phương thức cho vay; phổ biến hiện nay là các phương thức cho vay mà quá trình trả nợ gốc do hai bên thỏa thuận. Quá trình trả nợ lãi trả định kỳ hằng tháng; hoặc cùng kỳ với kỳ trả gốc. Căn cứ để ngân hàng và khách hàng xây dựng kỳ hạn trả nợ là nguồn trả trả nợ của khách hàng; đặc điểm luân chuyển vốn vay và khả năng nguồn vốn của ngân hàng..
- Cho vay thấu chi
Cho vay thấu chi là phương thức cho vay mà theo đó ngân hàng mở cho khách hàng một tài khoản; và thỏa thuận với khách hàng một hạn mức thấu chi trong một khoảng thời gian nhất định.
Tài khoản của khách hàng khi dư có là nguồn vốn để ngân hàng kinh doanh và ngân hàng phải trả lãi cho khách hàng. Ngược lại, khách hàng có thể rút quá số dư của mình đến một hạn mức nhất định mà khách hàng và ngân hàng đã thoả thuận. Khi thấu chi tài khoản của khách hàng dư nợ và ngân hàng tính lãi đối với khách hàng. Sản phẩm này hiện nay rất phổ biến và thường gắn với sản phẩm thẻ ATM. Cho vay thấu chi phổ biến là cho vay tín chấp tiêu dùng.
Ở Việt Nam hiện nay các ngân hàng thương mại cổ phần đang đẩy mạnh sản phẩm cho vay thấu chi, tín chấp đối với tầng lớp dân cư có thu nhập cao, ổn định và có địa vị xã hội. Phương pháp của các ngân hàng này thường làm là đồng nhất tài khoản thấu chi và tài khoản thẻ ATM. Dịch vụ ngân hàng tự động ATM và cho vay thấu chi hiện đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam.
- Cho vay từng lần
Cho vay từng lần là phương thức cho vay mà ngân hàng thường áp dụng cho vay những khách hàng có nhu cầu vay vốn không thường xuyên hoặc những khách hàng có nhu cầu vay vốn quá dài. Mỗi lần vay vốn ngân hàng và khách hàng tiến hành lập một bộ hồ sơ riêng, thống nhất một mức vay cố định, khách hàng có thể rút vốn làm nhiều lần nhưng tổng số tiền rải ngân phải nằm trong phạm vi thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Phương thức cho vay từng lần thường áp dụng khi cho vay trung, dài hạn, cho vay các thương vụ độc lập.
- Cho vay theo hạn mức tín dụng
Ngược lại với cho vay từng lần là cho vay theo hạn mức tín dụng. Cho vay theo hạn mức tín dụng là phương thức cho vay mà khách hàng và ngân hàng thoả thuận với nhau một mức dư nợ tối đa mà khách hàng được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong phạm vi hạn mức tín dụng về dư nợ khách hàng có thể rút vốn và trả nợ làm nhiều lần nhưng không được vượt quá hạn mức dư nợ đã thoả thuận với ngân hàng.
Hồ sơ cho vay Theo hạn mức tín dụng được lập một lần trong suốt thời gian của hạn mức tín dụng. Mỗi lần rút vốn khách hàng chỉ cần lập giấy nhận nợ. Thời gian duy trì hạn mức tín dụng thông thường là một năm. Hết thời hạn hạn mức tín dụng ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá lại quá trình vay vốn, nếu thấy vốn vay an toàn hiệu quả ngân hàng có thể gia hạn hạn mức tín dụng.
Phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng thường áp dụng đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn thường xuyên và vay vốn ngắn hạn.
4.6 Các phương thức cho vay khác
Còn rất nhiều các phương thức cho vay khác như cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, cho vay đồng tài trợ, cho vay theo dự án, cho vay nội tệ, cho vay ngoại tệ, cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng…
Các phương thức cho vay mà các ngân hàng thương mại thực hiện đối với khách hàng là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của khách hàng. Việc phân loại các phương thức cho vay lại tuỳ thuộc vào tiêu chí phân loại của người nghiên cứu.
5. Vai trò hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại
Nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại mang đến vai trò rất to lớn:
- Đối với nền kinh tế: Góp phần thu hút nền kinh tế phát triển, mở rộng sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến khoa học kỹ thuật…
- Đối với người đi vay: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, lãi suất linh hoạt, cố định hay thả nổi… Sẽ có nhiều sự lựa chọn và thỏa thuận hình thức lãi suất vay phù hợp với mục tiêu kinh doanh bên mình.
- Lợi ích của ngân hàng: Bên cạnh rủi ro tiềm ẩn thì ngân hàng cho vay sẽ thu được lãi suất phù hợp với các khoản vay đó – cũng là thu nhập chính của ngân hàng cho vay.
Kết bài
Phía trên là những thông tin chia sẻ chi tiết về nghiệp vụ cho vay của ngân hàng thương mại. Mong rằng từ đó, các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức thú vị và hữu ích cho sự lựa chọn của mình. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kinh nghiệm UB Academy, Diễn đàn U&Bank và Blog LearnID để cập nhật thêm những tin tức thú vị.