messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Làm thế nào để có kỳ thực tập hiệu quả trong Ngân hàng?

Mùa thực tập sinh đang đến, rất nhiều sĩ tử băn khoăn rằng không biết phải làm như thế nào để có một kỳ thực tập tốt, vừa đảm bảo có số liệu, tài liệu để hoàn thành luận văn cuối khóa, nhưng đồng thời cũng vừa học hỏi được kinh nghiệm thực tế từ các anh/chị đang làm trong Ngân hàng.

Thiết nghĩ, kỳ thực tập là một trong những cơ hội lớn để các bạn bước đầu làm quen, hòa nhập với môi trường làm việc tạm gọi là hơi khác biệt một chút so với môi trường bên ngoài. Ngoại trừ những trường hợp đi thực tập đơn giản chỉ để “lấy dấu” cho luận văn/chuyên đề của mình, tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số tips nhỏ để có kỳ thực tập hiệu quả như sau:

I. HÒA NHẬP MÔI TRƯỜNG NGÂN HÀNG

1. Tìm hiểu thông tin chung về nơi thực tập Ngân hàng

Trước khi đến cơ quan thực tập, chắc hẳn một số bạn đã phải trải qua 01 kỳ sát hạch khi xin làm thực tập sinh, có thể có một số bạn không phải trải qua kỳ sát hạch này, nhưng lưu ý với các bạn rằng, hãy cố gắng tìm hiểu thông tin về đơn vị mình chuẩn bị thực tập càng nhiều càng tốt. Với ngân hàng, các thông tin các bạn cần tìm hiểu là: Tên, Logo, Slogan, Vị thế, Vị trí địa lý, Chức năng của phòng ban bạn thực tập…. Một điều tối kị là đi thực tập mà không biết gì về đơn vị thực tập. Tất nhiên, trong phạm vi kiến thức của các bạn các bạn không cần biết quá nhiều, quá rõ, mà chỉ cần biết những thông tin cơ bản thông qua các cổng thông tin chính thức của các Ngân hàng.

2. Cách làm quen – hòa nhập với đơn vị thực tập Ngân hàng

Ngày đầu tiên đi thực tập sẽ là một ngày bỡ ngỡ, bạn cần chuẩn bị những điều cơ bản sau:

  • Trang phục: Cố gắng mặc một bộ trang phục công sở nhưng không quá cầu kỳ;
  • Trang điểm: Nữ (có thể trang điểm nhẹ nhàng); cố gắng để có một gương mặt tươi sáng (đêm hôm trước nhớ ngủ sớm, đừng để mắt mũi thâm quầng nhé);
  • Giờ đi làm: Nên đến cơ quan đúng giờ, không nên nghĩ mình thực tập đến lúc nào thì đến (kể cả trường hợp trưởng phòng cho phép) nếu đến muộn thì nên SMS để xin đến muộn.

Ngày đầu tiên, tùy từng phòng bạn thực tập mà có thể có “thái độ” khác nhau đối với bạn. Có thể sẽ là một ngày vui vẻ với các anh/chị/em nhân viên chan hòa và vui vẻ, nhưng cũng có thể là một ngày im lìm bạn chỉ ngồi 1 xó với một mớ tài liệu được giao… Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng đừng nản đặc biệt là đừng tỏ thái độ chán nản ra mặt. Cố gắng vui vẻ với mọi người và tỏ thái độ sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ điều gì. (Bạn yên tâm rằng không ai nhờ bạn giúp những việc vượt sức của bạn đâu);

Rất nhiều bạn thắc mắc rằng, liệu ngày đầu tiên đến có cần mang quà (VD: Hoa quả, bánh kẹo…) gì đến không? Câu trả lời là không cần thiết. Các bạn là sinh viên, cũng không phải nhân viên mới nên chúng tôi thấu hiểu rằng tài chính của bạn không nhiều vì thế điều này là không cần thiết. Và chắc chắn rằng không ai đánh giá các bạn về điều này cả.

Một lưu ý: Khi đi thực tập, thường một phòng sẽ nhận nhiều hơn 01 bạn sinh viên, vì thế, các bạn cố gắng làm quen với nhau, để cùng “phối hợp” các hành động cho nhịp nhàng trong suốt kỳ thực tập. Tránh trường hợp tự dưng một người thành “chơi trội” làm cho một số người khác cảm thấy không hòa đồng. Sự đoàn kết của các bạn thực tập sinh trong một tập thể mới sẽ được đánh giá rất cao.

Năm cuối là thời điểm các bạn sinh viên chuẩn bị bước sang kì thực tập.

II. GHI CHÉP – THU THẬP THÔNG TIN 

1. Thu thập thông tin

Tùy từng đề tài, phòng ban các bạn thực tập, bạn có thể thu thập các thông tin khác nhau. Nếu bạn chưa nắm được mình sẽ phải thu thập thông tin gì thì có thể tham khảo bài viết Những chú ý khi đi thực tập tại Ngân hàng bằng cách nhấn vào đây!

2. Cách thu thập thông tin

Câu hỏi đặt ra mà, thu thập thông tin là một chuyện, nhưng làm thể nào để thu thập thông tin hiệu quả là một vấn đề hoàn toàn khác và khó hơn nhiều.
Một trong những điều bạn nên luônn nhớ và luôn giữ trong suốt quá trình thực tập là: thái độ. Một thái độ đúng mực, không quá “vồ vập” một ai đó trong phòng, nhưng cũng không quá “hờ hững”, “thờ ơ” sẽ giúp bạn nhiều thứ

Vậy thế nào là không quá “vồ vập” nhưng vẫn không quá “hờ hững”, “thờ ơ?

  • Chủ động tham gia các hoạt động nào có thể: Trong các hoạt động của phòng, hãy hòa đồng, đừng ngại mình là người mới, không dám tham gia các hoạt động ngoại khóa. Theo tôi nhận thấy thì bankers đều là những người rất cởi mở, cở mở với khách hàng, đồng nghiệp và tất nhiên là với cả thực tập sinh (những nam thanh nữ tú). Có thể một số hoạt động các anh/chị cũng “không dám” đặt vấn đề với bạn vì nghĩ bạn không phải là nhân viên. Trường hợp này, cứ nên mạnh dạn đề xuất
  • Chủ động làm việc, chủ động hỏi: Đừng ngồi một chỗ đọc tài liệu quá lâu, hãy tìm cách hỏi, tất nhiên, phải lựa chỗ, lựa người, lựa thời điểm hỏi sao cho “tế nhị” nhất. Đặc biệt, không nên thấy một ai đó dễ tính mà hỏi quá nhiều, hỏi dần dập. Trước khi hỏi nên cố gắng tìm câu trả lời trước, đừng chỉ chăm chăm trông chờ vào người hỏi. Không hỏi khi các anh/chị đang bận, khi hỏi nên tránh hỏi vặn và cần giữ một thái độ đúng mực, không lớn tiếng ….
  • Hoàn thành tốt công việc được giao: Nếu được giao việc, cố gắng hoàn thành tốt, trong quá trình làm, chỗ nào không biết phải hỏi ngay, đặc biệt là những công việc liên quan đến nghiệp vụ, tránh sai sót… Đừng ngại những việc vặt như photo, đánh máy, fax, trực điện thoại .. vì đây là những kỹ năng cơ bản trong công việc sau này.
  • Chủ động dọn dẹp không gian làm việc của riêng bạn: Nếu được thì hãy dọn luôn cho người được phân công kèm bạn (hoặc ngồi cạnh) nếu thấy có thể. Cái này phải quan sát, vì một số trường hợp các bankers không muốn ai động vào giấy tờ của mình. Vì thế hãy xin phép trước khi làm. Nếu họ không có mặt thì chỉ nên xếp lại cho ngăn lắp, sao cho không thay đổi thứ tự tài liệu hoặc không động chạm đến tài liệu cá nhân.
  • Xin ý kiến về công việc cá nhân liên quan: Nếu bạn có công việc được giao cho mình bạn (cv liên quan đến nghiệp vụ một tẹo chẳng hạn), có thể là bạn đã biết cách làm nhưng cũng nên đặt vấn đề xin ý kiến của người hướng dẫn. Đây là một cách khôn ngoan để “lấy lòng” một cách “hợp pháp”. Nhưng: Đừng lập đi lập lại với cùng một vấn đề, chắc chắn bạn sẽ bị cáu. Chỉ xin ý kiến lần sau khi bạn thấy vấn đề cần xin ý kiến lần sau theo bạn là khó hơn lần trước; Tất nhiên, đừng xin ý kiến bankers về việc riêng tư cuộc sống của bạn 🙂

Chú ý quan sát: Trong trường hợp mọi cố gắng hòa đồng của các bạn có vẻ như không được đáp lại một cách măn mà lắm, bạn không được tạo điều kiện để thực sự làm việc. Đừng nản, hãy chú ý quan sát những gì bankers làm, cố gắng gắn kết những công việc họ làm với lý thuyết các bạn được học để hiểu vấn đề. Quan sát cũng là một cách học hỏi rất tốt. Chú ý quan sát: tác phong, phong thái làm việc, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp ……

3. Viết và nhận xét đề tài

Việc viết và nhận xét đề tài không quá cầu kỳ, tuy nhiên khi viết nên xin ý kiến người hướng dẫn hoặc trưởng phòng. Viết xong nên đưa họ review. Điều này thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn. Nó giúp cho bạn và người hướng dẫn cảm thấy gần và hiểu nhau hơn.

Cuối khóa thực tập, các bạn có thể họp nhau lại, mua một chút hoa quả goi là lời chào, lời cảm ơn. Chắc chắn các bạn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp với chúng tôi.

Trên đây là kinh nghiệm thực tập Ngân hàng, hi vọng bạn đã có được những kiến thức thực tế bổ ích. Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB AcademyDiễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới nhất về ngành Ngân hàng.