messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Làm Sao Để Tìm Kiếm Khách Hàng Doanh Nghiệp Mới?

Có thể nói, về lý thuyết, việc tiếp cận một KHDN dường như khó hơn so với việc tiếp cận một KHCN (đặc biệt đối với các bạn banker trẻ, mới). Nhiều bạn ở trạng thái gần như không thể tiếp cận được bất kỳ một KHDN nào trong một thời gian dài. Tâm lý nóng vội luôn thường trực, đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Để tìm kiếm khách hàng Doanh nghiệp mới, bạn cần có chiến lược, chiến thuật phù hợp. Trong bài viết này, UB Academy sẽ mang đến cho bạn 4 bước tiếp cận KHDN hiệu quả. 

1. Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp là gì?

Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp

Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp là công việc quan trọng đối với ngân hàng

Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp là một công việc quan trọng của bộ phận kinh doanh của một ngân hàng. Khác với khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp là công ty, doanh nghiệp, tổ chức,… có độ khó khăn nhất định để đi đến quyết định hợp tác.

Khách hàng doanh nghiệp là đối tượng vận hành chính trong nền kinh tế, đóng vai trò lưu chuyển và phát triển các dòng tiền. Những dịch vụ ngân hàng mà họ cần đa dạng, phong phú hơn rất nhiều cho với khách hàng cá nhân nên là khách hàng tiềm năng và mang đến hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.

Chính vì vậy việc tìm kiếm thông tin về khách hàng doanh nghiệp bao gồm tên, ngành nghề kinh doanh, thế mạnh, nhu cầu, bộ phận cần liên hệ,… là điều mà nhân viên khách hàng doanh nghiệp phải thực hiện. Bằng cách phương thức, kỹ năng chiến lược khác nhau nhằm tiếp cận, tư vấn với họ về các dịch vụ của ngân hàng.

Sở dĩ nói đây là một việc khó hơn so với khách hàng cá nhân là bởi vì đây là một dạng tổ chức, đông thành viên, để đưa ra quyết định cuối cùng cần nhiều lần tham vấn. Chưa kể đây là “đối tượng” được “‘dân trong ngành” để mắt nên mức độ cạnh tranh rất cao.

2. Vì sao phải tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp?

Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp

Tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho ngân hàng

Như UB Academy đã đề cập, khách hàng doanh nghiệp là đối tượng vận hành chính của nền kinh tế. Thêm vào đó họ cũng cần nhiều sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như vay, thuê mua tín dụng, thanh toán quốc tế, giao dịch thanh toán trong nước,….

Giá trị ủng hộ của khách hàng doanh nghiệp đối với sự vận hành hoạt động của ngân hàng là rất cao. Đây là đối tượng khách hàng quan trọng mang đến nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của hệ thống kinh tế quốc dân.

Bởi thông qua nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ đó phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ở mỗi quy mô, hoàn cảnh thì lại có nhiều nhu cầu khác nhau phát sinh và cần đến các gói sản phẩm khác nhau.

Nói gần nói xa không qua nói thực tế, lý do phải tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp đương nhiên vì họ có thể mang đến doanh thu cho ngân hàng. Thông qua các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp khách hàng doanh nghiệp sử dụng và trả phí cho ngân hàng.

Sở dĩ phải tìm kiếm mà không phải là khách hàng tự tìm đến chính là vì truyền thông chưa mở rộng, khách hàng chưa biết đến các dịch vụ hữu ích của ngân hàng, mức độ cạnh tranh trong ngành cao,… Vậy nên mới có hàng loạt các chia sẻ về cách tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp.

3. Các bước tìm khách hàng doanh nghiệp hiệu quả cho nhân viên ngân hàng

tìm khách hàng doanh nghiệp hiệu quả

Bước 1: Nắm vững định hướng tín dụng, sản phẩm chính sách có liên quan đến KHDN.

Bạn làm QHKH đương nhiên phải nắm vững định hướng tín dụng, thậm chí là khẩu vị tín dụng của cấp phê duyệt tín dụng trong Ngân hàng bạn. Nắm được điều này giống như bạn đi tặng quà cho một ai đó, nếu bạn biết họ thích gì thì sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi chọn mua món đồ phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều bạn làm QHKH chỉ tập trung vào sản phẩm tín dụng, bỏ qua các sản phẩm, chương trình khác của Ngân hàng liên quan đến KHDN. Đây là một sai lầm rất lớn của CV QHKH.

Bạn phải hiểu, có những món ăn ngon không phải từ nguyên liệu chính, mà là từ gia vị và cách gia giảm. KHDN cũng vậy, khi chính sách tín dụng, sản phẩm tín dụng của Ngân hàng bạn không có gì nổi bật, thì các chương trình ưu đãi khác, dịch vụ khác có thể là “mồi nhử” cực tốt với KHDN. (Vì DN khác cá nhân, họ là đối tượng vận hành chính trong nền kinh tế, họ cần rất nhiều công cụ và dịch vụ khác nhau).

Bước 2: Tìm kiếm khách hàng

Việc này tưởng dễ nhưng lại rất khó. Trước tiên, sau khi hiểu được quy trình, quy định, bạn cần tự chỉ ra những điểm hấp dẫn của Ngân hàng mình so với đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, dù có là Ngân hàng lớn đến mấy, dịch vụ đa dạng đến mấy thì cũng không thể đáp ứng được nhu cầu vô cùng đa dạng của DN. Vì thế, hãy phân loại DN và chỉ ra các điểm hấp dẫn của sản phẩm, chính sách, các sản phẩm bán chéo của Ngân hàng bạn cho từng đối tượng DN nhất định. (gợi ý: bạn có thể phân theo ngành nghề, theo quy mô, theo đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh).

Bắt tay lên kế hoạch chi tiết

Sau khi có trong tay “cẩm nang, đạn dược” sẵn sàng ra trận, bạn cần xác định rõ mục tiêu hướng đến. Càng chi tiết càng tốt. Hãy nhớ, đừng ôm đồm quá nhiều thứ một lúc, bạn sẽ không thể làm được hết trừ khi bạn là siêu nhân.

Xác định đối tượng Khách hàng mục tiêu, khoanh vùng Khách hàng (cả về lĩnh vực kinh doanh và địa lý)

Căn cứ định hướng, khẩu vị tín dụng và những cái NH bạn có, hãy định hình “con mồi” phù hợp nhất với bạn. Điều này giống như đi câu, nếu bạn có cần câu nhỏ, chỉ có mồi câu là cơm, lưỡi câu bé thì nên xác định “con mồi” sẽ chỉ có thể là “tôm tép” chứ chắc chắn không thể là cá mập). Nếu bạn định hình sai, muôn đời sẽ không thể câu được cá. Quá khó để dùng cần câu tôm cho việc câu một chú cá mập phải không?

Tìm kiếm Khách hàng doanh nghiệp

Xác định được đối tượng phù hợp rồi thì việc vô cùng nan giải tiếp theo là tìm con mồi ở đâu? Ở những đâu có KHDN? Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi này chưa?

Đối với những đồng chí lười thì muôn thuở câu trả lời là: em sẽ lên mạng tìm kiếm trên danh bạ điện thoại, trên top 500 doanh nghiệp lớn nhất VN, trên thông tin tổng cục thuế, trên sàn giao dịch chứng khoán…

Đối với những đồng chí chăm chỉ hơn một tí thì sẽ là: ngoài việc online, em sẽ ra đường, đến các khu có nhiều DN, vào tiếp cận hoặc ghi lại số điện thoại về để telesale…

Các cách tìm kiếm khách hàng như trên không sai, trong một số trường hợp chúng vẫn có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên các bạn nên nhớ cái gì càng dễ, càng nhiều người biết thì cơ hội càng thấp đối với bạn! Bạn nghĩ mình bạn biết lên mạng tra thông tin, biết ra đường ghi số điện thoại về telesale ư? Vì thế, hãy lựa chọn cho mình một cách đi thông minh!

Trước khi gợi ý “thế nào là một cách đi thông minh” thì cần nhớ nguyên tắc: cái gì càng phải đầu tư nhiều công sức, nhiều trí tuệ thì chất lượng càng cao, tỷ lệ thành công càng lớn. Vì thế đừng lăn tăn khi ông CVQHKH ngồi bên cạnh suốt ngày kỳ cạch search google trong khi mình đọc xong bài này phải hì hục làm cả đống thứ.

Cách tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp hiệu quả

Có nhiều cách/nguồn để tìm kiếm KHDN mà bạn có thể tham khảo (tất nhiên, phải tùy chất lượng mồi câu của bạn – các cách chỉ là gợi ý, khi áp dụng cần chọn lọc sao cho phù hợp với đặc thù bản thân và chính sách NH).

Tìm kiếm qua kênh có sẵn

Như đã nêu, bạn hoàn toàn có thể tìm trên internet, số điện thoại qua biển hiệu các công ty … Tuy nhiên, cách này hiệu quả không cao, tỷ lệ thất bại rất lớn,

Tìm kiếm tại nơi có nhiều thông tin về Doanh nghiệp

Muốn biết nơi nào có nhiều thông tin về DN, đầu tiên phải tìm hiểu bản chất hoạt động của các DN. Nếu các DN có tham gia các hiệp hội thì bạn có thể bắt đầu từ các hiệp hội. Chịu khó tìm kiếm thông tin về các hiệp hội, các chương trình hội thảo chuyên môn của các DN. Đây là một trong những cách tiếp cận tương đối tốt. Tuy nhiên, nó cũng không dễ nếu bạn là nhân viên mới.

Hãy thử rà soát toàn bộ mối quan hệ của mình – nếu có bất kỳ mối quan hệ nào nắm được thông tin DN dù là nhỏ nhất – hãy tận dụng (VD: bạn bè, người thân làm việc trong các ngành thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, các hiệp hội, các công ty tổ chức sự kiện, hội thảo…).

Tìm kiếm thông qua kênh đối tác của khách hàng cũ

Đây là một cách tìm kiếm khá hiệu quả mà không quá vất vả. Hãy mượn các hồ sơ tín dụng cũ của cv QHKH cũ hoặc của chính bạn. Rà soát các đối tác đầu ra đầu vào của các DN này. Tìm kiếm bổ sung thông tin qua các mạng gdt.gov.vn hoặc hiệu đính doanh nghiệp. Khi tiếp cận đối tượng KH này, bạn hoàn toàn có thể dẫn chiếu mối quan hệ tốt đẹp của bạn với chính đối tác của họ (KH hiện đang có quan hệ với Ngân hàng) để minh chứng những gì bạn có.

Nên nhớ, một DN hoạt động liên có đầu ra, đầu vào nên dĩ nhiên không ít thì nhiều sẽ có rất nhiều mối quan hệ. Khi vay NH họ phải chứng minh năng lực, vô hình chung họ đã phải cung cấp tài liệu liên quan đến đối tác. Hãy tận dụng thông tin đó.

Khuyến cáo: Trước khi tiếp cận phải xem xét cẩn thận xem các đối tác này đã có quan hệ với Ngân hàng bạn chưa nhé! Còn gì bằng nếu cho vay được một DN bán buôn mà lại có thể tiếp cận được các DN bán lẻ làm đại lý cho DN bán buôn chứ! Không khó để ta quản lý toàn diện hơn dòng tiền KH.

Tìm kiếm tại nơi tập trung nhiều Doanh nghiệp

Khu công nghiệp, khu chế xuất có thể coi như cái “ổ” màu mỡ bạn hoàn toàn có thể tiếp cận. Nhưng nếu chỉ đi vào, phát tờ rơi hoặc nằng nặc đòi gặp GĐ công ty thì có vẻ tính khả thi thấp. Nên tìm cách tiếp cận người quản lý, hoặc người nằm trong bộ máy quản lý KCN, ta sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về DN trước khi có kế hoạch tiếp cận cụ thể.

Chịu khó lê la quanh khu tìm hiểu thông tin cũng là cách hay để có thông tin và tiếp cận Khách hàng. Biết đâu có đồng chí Kế toán trưởng, hay GĐ phân xưởng nào đó lại có thói quen trà đá vỉa hè?

Các kênh khác

Còn rất nhiều cách khác mà bạn có thể sáng tạo ra cho riêng mình dựa trên nguyên lý chung đã nêu, càng độc, càng lạ chưa ai tiếp cận thì càng dễ thành công. (Bài viết chỉ nêu một số cách gợi ý tránh bị “lộ bài” – hơn hết, những người chăm chỉ tư duy và có cách làm riêng sẽ chiến thắng).

Bước 3: Tiếp cận Khách hàng doanh nghiệp

Tìm được Khách hàng rồi, nhìn thấy họ rồi, có thông tin về họ rồi nhưng tiếp cận họ thế nào lại là cả vấn đề cần bàn. DN không như cá nhân, không thể phi xe đến nhà, xin vào nhà và trình bày kiểu “bán dầu gội đầu” được. Để tiếp cận được KHDN cần cả một quá trình, không thể nóng vội. Quá trình gợi ý như sau:

Xác định đặc tính “con mồi”

Sau khi xác định được “con mồi” phù hợp. Nên cẩn trọng nghiên cứu đặc tính của KH mục tiêu, tối thiểu các thông tin cần biết là tên DN (chính xác), số điện thoại, ngành nghề kinh doanh, họ tên Giám đốc/Kế toán trưởng, đặc thù kinh doanh, các số liệu tài chính cơ bản (nếu có). Cố gắng tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt.

Tiếp cận

Nếu KH tìm kiếm qua kênh KH cũ, hoàn toàn có thể nhờ KH cũ giới thiệu.

Nếu KH tiếp cận qua kênh hiệp hội, nên “mượn” danh hiệp hội giới thiệu (nó giống như kiểu bạn tiếp cận KH qua kênh bác tổ trưởng tổ dân phố – độ tin cậy sẽ tăng tương đối).

Nếu KH có được từ kênh khác do bạn tự kiếm, là DN lớn, xác định được rõ nếu “câu” được họ thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho NH thì đừng làm một mình, rất có thể bạn sẽ làm hỏng việc. Kiếm được thông tin đã là thành công lắm rồi (nếu là Ngân hàng mới). Cần lên kế hoạch hành động cụ thể, tốt nhất nên xin ý kiến của lãnh đạo trực tiếp trước khi hành động. Nói chung, việc tiếp cận KHDN cần kinh nghiệm và mối quan hệ. Nếu chưa tự tin – là nhân viên mới – bạn nên tìm người hỗ trợ (đừng cố ôm một mình – dễ hỏng việc).

Nguyên tắc tiếp cận Khách hàng doanh nghiệp

Muốn tiếp cận được một KHDN, đầu tiên, bạn phải hiểu và phân biệt được sự khác nhau (về góc độ lợi ích) giữa KHCN và KHDN. (KHCN: về lợi ích chỉ xoay quanh họ, họ tự làm, tự quyết định nên quyền tự quyết gần như tuyệt đối, KHDN: lợi ích thuộc về số đông một nhóm người, khi tiếp cận chắc chắn không thể tiếp cận cả nhóm người (tất cả các cổ đông – trừ các DN nhỏ), nên đương nhiên khả năng tự quyết của người chúng ta tiếp cận sẽ không thể là tuyệt đối).

Từ đặc thù về tính quyết định, ta nên tìm hiểu xem ai là người có thể quyết định hoặc tác động vào việc quyết định một cách tích cực. Khi tìm ra được ai là “người” phù hợp, bạn nên tiếp cận họ với tư cách một cá nhân thông thường theo nguyên tắc cơ bản: Hãy làm bạn với KH và nói chuyện với KH như một chuyên gia tư vấn. (Tư vấn những gì bạn biết – hoặc chí ít nói những gì KH họ muốn nghe là việc bạn cần làm. Nhưng làm thế nào để có thể tư vấn như một chuyên gia? không có cách nào khác ngoài việc bạn phải tự tìm câu trả lời cho mình).

Từ từ hãy tìm cách bán. (Vì nếu họ là DN tốt, họ đã đang dùng “hàng” ở đâu đó rồi, tự dưng nhảy vào bán, nếu không có độ “nể” nhất định từ DN với cá nhân người tiếp cận thì tương đối khó).

Bước 4: Thực hiện nhu cầu của KH, bán sản phẩm

Cứ từ đặc tính của sản phẩm, phân tích các lợi ích phù hợp với từng đối tượng KH là được.

VD: các KH xuất nhập khẩu thì nên nhấn mạnh đến các sản phẩm liên quan như tín dụng, LC, các loại phí thanh toán quốc tế, thời gian thực hiện thanh toán …

Lưu ý đặc biệt: Các bước trên được chia với mục đích giúp người đọc dễ đọc và dễ hiểu, không nhất thiết phải áp dụng giống hệt trong việc tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp. Với mỗi bước cần có kế hoạch cụ thể, ghi chép rõ ràng (nên có file theo dõi lịch trình và kết quả tìm kiếm, tiếp cận KH.

4. Các kỹ năng cần có khi tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp

kỹ năng cần có khi tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp

Tìm kiếm và thuyết phục được khách hàng doanh nghiệp không phải điều dễ dàng vậy nên có các kỹ năng riêng để chinh phục công việc này.

  • Kỹ năng nghiên cứu, phân tích số liệu:

Cách tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp vay vốn hay sử dụng dịch vụ  ngân hàng có tính cạnh tranh cao. Để tìm kiếm được thì bạn phải có kỹ năng phân tích, trong đó cần tìm hiểu doanh nghiệp đó đang cần dịch vụ gì, thế mạnh cạnh tranh của ngân hàng là gì, yêu cầu đối với dịch vụ của doanh nghiệp,…

Phải có sự hiểu rõ, phân tích được mong muốn yêu cầu của khách hàng thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn. Chưa kể còn giúp giảm thiểu việc hoang phí thời gian và các rủi ro trong việc tìm kiếm.

  • Kỹ năng chuyên môn:

Đây là kỹ năng cơ bản, tối thiểu nhất mà bạn cần phải có và đặc biệt phải nắm vững. Chẳng ai sẽ tin tưởng một người không hiểu rõ về những gì mà mình nói, mình cung cấp. Vậy nên sự tin tường về sản phẩm mà bạn cung cấp, dịch vụ, ưu đãi, các chính sách của ngân hàng sẽ giúp bạn tư vấn thành công hơn cho khách hàng.

  • Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng cần thiết đối với chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp. Họ là cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tiếp xúc trao đổi với bộ phận cao cấp của doanh nghiệp. Vì vậy sự khéo léo, tinh tế trong giao tiếp là những điều không thể thiếu sót để mang đến thành công.

Kết luận

Tóm lại, tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp chưa bao giờ dễ, hành trình tìm kiếm là cả một trải nghiệm rất thú vị. Nó giúp công việc  QHKH trưởng thành hơn và có thêm rất nhiều kiến thức. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm hướng đi mới trong công việc của mình.