Có thể bạn sẽ quan tâm
Talkshow “Hướng dẫn hồ sơ và kinh nghiệm thi tuyển Công chức Thuế 2021”
Năm 2021, Tổng cục Thuế tuyển bổ sung 1751 chỉ tiêu trên toàn quốc. Nhằm hỗ trợ ứng viên thi tuyển đợt này, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Ngân hàng Tài chính và Hành chính công (UB Academy) kết hợp cùng Cộng đồng Ngân hàng U&Bank tổ chức Talkshow “Hướng dẫn hồ sơ và kinh nghiệm thi tuyển Công chức Thuế 2021”.
Để kết nối và hỗ trợ các ứng viên trên phạm vi toàn quốc, buổi Talkshow được tổ chức Online trên nền tảng Zoom, phát trực tiếp trên Fanpage U&Bank. Do tính chất cơ động, dễ theo dõi, buổi Talkshow nhận được sự quan tâm và tham gia của hàng nghìn người quan tâm tới thi tuyển Công chức Thuế.
TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH
Trong 60 phút diễn ra Talkshow, những thông tin hữu ích về chỉ tiêu, kinh nghiệm, kĩ năng thi tuyển đã được các khách mời chia sẻ, bao gồm:
– Tổng hợp tin tuyển dụng các đơn vị tuyển dụng tháng 10/2021
– Phân tích Yêu cầu hồ sơ, Công văn & Quy định của TCT 2021, cùng các điểm mới so với năm 2020 và các năm trước
– Hướng dẫn cụ thể từng bước ứng tuyển và điền Phiếu dự tuyển Online trên web TCT
– Kinh nghiệm thực tế để ôn tập thi tuyển, thi đỗ và làm việc tại Cục Thuế
– Giải đáp trực tiếp các thắc mắc của Thành viên tham dự buổi Talkshow
THÀNH PHẦN KHÁCH MỜI THAM GIA TALKSHOW
Về phía Tổng cục Thuế, chị Trần Phương Anh – hiện tại chị Phương Anh đang công tác tại Phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế – Cục Thuế Hà Nội. Chị Phương Anh đã trúng tuyển đợt tuyển tập trung Công chức Thuế năm 2020. Trước đây, chị Phương Anh đã Tốt nghiệp bằng Giỏi chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Học viên Ngân hàng, có Bằng Thạc sỹ University of East Anglia, Chuyên ngành Đầu tư – quản lý Tài chính loại Giỏi.
Chị Phương Anh đã có nhữung chia sẻ về kinh nghiệm thi ôn luyện, thi tuyển và làm việc tại Tổng cục Thuế.
Phía UB Academy có sự góp mặt của chị Trịnh Thị Quỳnh Trang (phó Phòng Kinh doanh); chị Biện Thị Thu Hiền (tư vấn viên); chị Nguyễn Thị Minh (tư vấn viên). Đại diện UB Academy phân tích rõ yêu cầu tuyển dụng của Tổng cục Thuế trong đợt tuyển bổ sung lần này, hướng dẫn nộp hồ sơ và giải đáp các thắc mắc liên quan đến cấu trúc bài thi…
NỘI DUNG BUỔI TALKSHOW VÀ CÁC CÂU HỎI
Phân tích một số lưu ý về các điểm khác biệt về yêu cầu của năm 2020 so với năm 2021:
Yêu cầu hồ sơ, quy định ứng tuyển tổng cục thuế
Phân tích những điểm nổi bật và khác biệt với năm 2020
QĐ 1858 của Bộ Tài chính ra ngày 18/8/2021 phê duyệt cho Tổng cục thuế tuyển dụng 2021 yêu cầu ứng viên không quá 35 tuổi. Đây là điểm khác biệt so với năm 2020 không giới hạn độ tuổi; và khiến rất nhiều ứng viên trên 35 mất cơ hội. Tuy nhiên khi công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế ra ngày 20/10/2021 đã bỏ quy định độ tuổi; mở ra cơ hội lớn cho các ứng viên.
Về số lượng chỉ tiêu: Năm 2020 đã tuyển dụng số lượng rất lớn lên đến hơn 4000 chỉ tiêu; năm 2021 chỉ còn tuyển số lượng chỉ tiêu còn thiếu (cụ thể là 1751 chỉ tiêu). Dự kiến sau năm 2021 phải 4-5 năm nữa Tổng cục Thuế mới tiếp tục tuyển dụng.
Yêu cầu chứng chỉ
Đối với năm 2020 yêu cầu khắt khe về chứng chỉ, như chứng chỉ TA bậc 2; tin học cơ bản (6 module) theo thông tư 03 của BTTTT. Các chứng chỉ như toeic/ielts hết hạn; B1 nội bộ chuẩn đầu ra các trường không trong ds được cấp; chứng chỉ điểm Aptis… không được chấp nhận khiến rất nhiều ứng viên bị loại hồ sơ đáng tiếc. Năm 2021 vòng hồ sơ không bắt buộc nộp chứng chỉ, chỉ cần nộp bổ sung sau khi thi đỗ; đây là cơ hội lớn cho ứng viên tận dụng đợt tuyển này.
Yêu cầu năng lực ngoại ngữ
Đối với năm 2020, các vị trí đều yêu cầu tiếng anh bậc 2, tuy nhiên năm 2021, vị trí văn thư cán sự được loại bỏ phần thi TA. Vị trí chuyên viên yêu cầu năng lực ngoại ngữ bậc 3, kiểm tra viên bậc 2, kiểm tra viên trung cấp bậc 1. Yêu cầu này được áp dụng đối với bài thi TA tại vòng 1, tức đề thi TA giữa các vị trí sẽ có độ khó khác nhau.
Thắt chặt chuyên ngành đào tạo
“Chuyên ngành đào tạo được ghi trên bảng điểm/kết quả học tập được xác định là căn cứ về tiêu chuẩn; điều kiện về văn bằng khi đăng kí dự tuyển”.
So với năm 2020, khi Tổng cục Thuế yêu cầu các ngành/chuyên ngành được liệt kê trong văn bản hướng dẫn; đã gây khá nhiều tranh cãi và thắc mắc về việc bằng ghi ngành khác với chuyên ngành trên bảng điểm. Ví dụ: bằng kế toán – ngành kế toán tổng hợp; bằng tài chính ngân hàng – chuyên ngành bảo hiểm… Tổng cục Thuế đã ra công văn hướng dẫn chấp nhận các trường hợp ngành bằng/bảng điểm có chứa các cụm từ phù hợp yêu cầu ứng tuyển.
Với việc thắt chặt chuyên ngành đào tạo chỉ xét trên bảng điểm của năm 2021; rất nhiều chuyên ngành dù về bản chất phù hợp như kế toán doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc không có trong công văn tuyển dụng cũng gây rất nhiều hoang mang; khó hiểu cho các bạn xác định chuyên ngành khi khai hồ sơ ứng tuyển. Chúng ta có thể tin rằng trong thời gian tới Tổng cục Thuế tiếp tục ra công văn hướng dẫn chấp nhận các trường hợp trên.
Trường hợp miễn thi ngoại ngữ
Trường hợp miễn ngoại ngữ đối với ứng viên có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc người dân tộc thiểu số khi ứng tuyển vào vùng dân tộc thiểu số:
Năm 2020 Tổng cục Thuế có đính kèm file liệt kê các tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số; số lượng khá lớn. Năm 2021 số lượng tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số bị giới hạn theo danh sách của Uỷ ban dân tộc. Chỉ còn 2 vùng chắc chắn được miễn là Lai Châu và Đắk Nông. Vì vậy các ứng viên không ứng tuyển 2 khu vực này không được miễn thi ngoại ngữ.
Sau những chia sẻ của các khách mời, phần hai của buổi Talkshow dành để giải đáp những thắc mắc và chia sẻ lời khuyên hữu ích cho ứng viên thi tuyển Tổng cục Thuế:
Chế độ lương thưởng của Cán bộ Thuế?
Lương công chức Thuế cơ bản không cao cũng không thấp. Ngành Thuế được hệ số phụ cấp là 1,8 (trong đó 1,6 nhận theo tháng và 0,2 nhận theo quý). Ngoài ra còn có 25% công vụ.
Vậy lương công chức thuế mới vào ngành với hệ số 2,34 sẽ được tính như sau:
(1,6+0,25) x 2,34 x 1.490.000 = 6.450.210 đồng
Sau khi trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc sẽ thực nhận khoảng 6.000.000 đến 6.100.000 đồng
Trong 12 tháng đầu tiên tập sự, các bạn sẽ chỉ nhận 85% lương, khoảng 5.185.000 đồng
Hàng quý, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được nhận: 0.2 x 3 x 2.34 x 1.490.000 = 2.092.000 đồng
Ngoài ra còn có thêm 1 số khoản khác như khoán công tác phí: 500.000 đồng/tháng; Tiền hỗ trợ cho phụ nữ: 200.000 đồng/tháng (Tùy nơi và tùy phòng/đội số tiền có thể khác)
Vậy. Tổng thu nhập 1 quý của công chức mới khi kết thúc tập sự khoảng 22.000.000 đồng (xấp xỉ)
Bảng điểm em ghi ngành Tài chính Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính thì em khai trực tuyến chuyên ngành TC – Kế toán hay chuyên ngành khác?
Đối với các bạn chuyên ngành Tài chính các bạn chọn phần chuyên ngành tài chính – kế toán; bảng điểm chuyên ngành Ngân hàng các bạn sẽ chọn chuyên ngành khác. Đây cũng là quy định khá thiệt thòi cho các bạn chuyên ngành Ngân hàng; hoặc các chuyên ngành nhỏ lẻ tách ra từ TCNH.
Điền phiếu đăng ký trực tuyến có yêu cầu đính kèm hồ sơ dự tuyển công chức, hồ sơ này bao gồm những gì?
Hồ sơ các bạn đính kèm bao gồm bản scan bảng điểm; bằng tốt nghiệp; các giấy tờ chứng minh miễn ngoại ngữ; giấy tờ chứng minh diện ưu tiên. (Không bao gồm phiếu đăng ký dự tuyển – phiếu này sau khi điền xong các bạn sẽ có file PDF để in ra).
Câu hỏi được các bạn ứng viên quan tâm nhiều nhất chính là kiến thức và phương pháp thi tuyển Công chức Thuế. Trả lời cho câu hỏi này; khách mời nhấn mạnh ứng viên cần trang bị tất cả những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để thi tuyển. Đặc biệt, nội dung kiến thức này có trong các khoá ôn tập từ UB Academy.
Chi tiết tại:
https://ub.edu.vn/courses/luyen-thi-cap-toc-vao-tong-cuc-thue
Chúc các bạn thành công! Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật những tin tức mới nhất về ngành Ngân hàng.