Có thể bạn sẽ quan tâm
Kiến thức thi tuyển Quan hệ khách hàng BIDV 2025
Vị trí Quan hệ khách hàng (QHKH) tại BIDV là một trong những mục tiêu nghề nghiệp hấp dẫn với chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển dụng BIDV luôn được đánh giá là "khó nhằn" với yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực tiễn.
1. Quy trình thi tuyển BIDV cho vị trí Quan hệ khách hàng
Quy trình tuyển dụng BIDV cho vị trí QHKH bao gồm 3 vòng chính:
a. Sơ tuyển hồ sơ: Hồ sơ cần được nộp trực tuyến qua website BIDV, bao gồm bằng cấp, sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, chứng chỉ ngoại ngữ - tin học và các giấy tờ liên quan. Ứng viên chỉ được đăng ký 1 vị trí tại 1 chi nhánh.
b. Thi viết: Bài thi trắc nghiệm trên máy tính, gồm 60 câu nghiệp vụ (90 phút) và 60 câu tiếng Anh (60 phút, môn điều kiện). Cách tính điểm:
- Tiếng Anh: môn điều kiện, chỉ cần đạt >= 30 điểm là đáp ứng yêu cầu.
- Nghiệp vụ: tính 100% trọng số điểm
c. Phỏng vấn: Ứng viên sẽ bốc thăm câu hỏi và trả lời trực tiếp trước Hội đồng phỏng vấn. Nội dung câu hỏi tập trung vào kiến thức xã hội, xử lý tình huống thực tế, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết cho vị trí ứng tuyển.
2. Kiến thức cần chuẩn bị cho vị trí Quan hệ khách hàng
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi QHKH, bạn cần tập trung vào các nội dung sau:
2.1. Vòng thi nghiệp vụ
Phần Nghiệp vụ là “trận chiến” thực sự, kiểm tra kiến thức chuyên môn và khả năng xử lý tình huống thực tế của ứng viên QHKH. Dựa trên đề thi BIDV đợt II/2025 và các kỳ thi 2024, nội dung được chia thành các phần sau:
a. Nghiệp vụ ngân hàng (Chiếm 25-30%)
- Nội dung chính: Quy trình cấp tín dụng, quản trị rủi ro, bảo lãnh, tài sản đảm bảo,..
- Dạng câu hỏi: Lý thuyết hoặc tình huống thực tế
- Ví dụ câu hỏi từ đợt II/2025:
- Ý nghĩa của phân loại nợ đối với ngân hàng và khách hàng?
- Khách hàng có sổ tiết kiệm hết hạn tháng 10, muốn cầm cố để vay và gia hạn đến tháng 12, mục đích kinh doanh. Khách hàng có tiền trả nợ vào tháng 11. Hỏi có đồng ý cho vay với yêu cầu của khách hàng không?
- Xử lý tài sản đảm bảo khi một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản, nhưng các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản và pháp luật không có quy định khác.
b. Tài chính doanh nghiệp (Chiếm 20-25%)
- Nội dung chính: Các chỉ số tài chính (ROA, ROE, NPV, IRR, WACC, vòng quay vốn lưu động, hệ số thanh toán), phân tích báo cáo tài chính, Tài trợ dự án đầu tư, luật doanh nghiệp,...
- Dạng câu hỏi: Tính toán hoặc lý thuyết
- Ví dụ câu hỏi:
- Rủi ro nào nằm trong hệ số 1 của Basel II?
- Giá chiết khấu trong ngân hàng có nghĩa là gì?
c. Kinh tế vĩ mô và vi mô (Chiếm 15-20%)
- Nội dung chính: GDP, CPI, lạm phát, thất nghiệp, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đường cong Philips, tổng cung, tổng cầu.
- Dạng câu hỏi: Chủ yếu Lý thuyết, rất ít hỏi bài tập
- Ví dụ câu hỏi từ đợt II/2025:
- Cho hàm tổng cung, tổng cầu, chính phủ đánh thuế 1.000 đồng. Hỏi người bán, người mua chịu bao nhiêu tiền thuế?
- Câu nào không được tính vào GDP theo phương pháp chi tiêu?
d. Văn bản pháp luật (Chiếm 10-15%)
- Nội dung chính: Luật các tổ chức tín dụng, Quy định về phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro, quy định về tài sản đảm bảo, Quy định về cho vay, Luật dân sự, luật đầu tư,....
- Dạng câu hỏi: Lý thuyết hoặc tình huống áp dụng
- Ví dụ câu hỏi:
- Cơ quan nào thông báo phá sản hợp tác xã? (A. Viện kiểm sát nhân dân, B. Tòa án nhân dân)
- Đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm mục đích gì?
e. IQ và tư duy logic (Chiếm 5-10%)
- Nội dung chính: Dãy số, hình học, bài toán logic, câu đố.
- Ví dụ câu hỏi:
- Dãy số: 16, 06, 68, 88, ?, 98. Tìm số còn trống.
- Lan là học sinh khá trong 50 học sinh giỏi và 50 học sinh trung bình. Hỏi cả trường có bao nhiêu học sinh?
2.2 Vòng thi tiếng Anh
Tiếng Anh là môn điều kiện, không tính vào điểm xét phỏng vấn nhưng cần đạt tối thiểu 30/100 điểm. Nội dung thi bao gồm:
a. Ngữ pháp trọng tâm
- Các thì cơ bản (hiện tại hoàn thành, quá khứ đơn, tương lai,...).
- Câu điều kiện, câu bị động, mệnh đề quan hệ, mệnh đề trạng ngữ.
- Cấu trúc so sánh, đảo ngữ, câu hỏi đuôi.
b. Từ vựng
- Phrasal verbs thường gặp
- Từ vựng liên quan đến tài chính - ngân hàng.
c. Đọc hiểu
- 2-3 đoạn văn chủ đề đa dạng.
- Dạng câu hỏi: Điền từ, chọn đáp án đúng, tìm lỗi sai.
3. Kỹ năng phỏng vấn
Vòng phỏng vấn QHKH đòi hỏi ứng viên thể hiện khả năng tư duy và phản ứng nhanh, yêu cầu ứng viên phải có kiến thức nghiệp vụ, hiểu biết về ngân hàng, vị trí thi tuyển. Cần có kỹ năng giao tiếp tốt và xử lý tình huống thực tế. Một số câu hỏi phỏng vấn trong đợt II/2025 của BIDV:
- Ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp A, năm trước phải trích lập dự phòng cho doanh nghiệp a, năm nay phải trích lập dự phòng gấp đôi năm trước, bạn hiểu như thế nào?
- Sự khác biệt giữa dự án đầu tư và phương án sản xuất kinh doanh
- Đối với một chuyên viên QLKH thì chăm sóc khách hàng và bán hàng, cái nào quan trọng hơn
4. Bí quyết ôn thi hiệu quả
- Hệ thống hóa kiến thức: Sử dụng sơ đồ tư duy để ôn Nghiệp vụ ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, và Văn bản pháp luật.
- Tập trung trọng tâm: Ưu tiên ôn các phần chiếm tỷ trọng lớn và chắc chắn có trong đề để tối ưu điểm số
- Luyện đề thi thử: Tìm các bộ đề BIDV từ các gần đây để làm quen cấu trúc và áp lực thời gian thi.
- Cải thiện tiếng Anh: Ôn ngữ pháp trọng tâm, luyện đọc hiểu qua các bài TOEIC và học từ vựng theo chủ đề ngân hàng.
- Cập nhật sản phẩm BIDV: Theo dõi website BIDV hoặc tham gia nhóm ôn thi để nắm thông tin mới nhất về BIDV SmartBanking, e-KYC, thẻ tín dụng.
- Rèn kỹ năng phỏng vấn: Chuẩn bị trả lời các câu hỏi tình huống và thể hiện sự tự tin, chuyên nghiệp.
5. Kết luận
Đề thi Quan hệ khách hàng BIDV không hề “dễ thở” nhưng hoàn toàn có thể chinh phục với chiến lược ôn tập đúng đắn. Bằng cách nắm vững tỷ trọng kiến thức, luyện tập các dạng câu hỏi thực tế và chuẩn bị kỹ cho vòng phỏng vấn, bạn sẽ tiến gần hơn đến giấc mơ làm việc tại BIDV.
Dự báo BIDV sẽ mở tuyển đợt III/2025 vào tháng 8-9. Hãy bắt đầu ngay hôm nay để tự tin bước vào kỳ thi!