messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Kiến Thức Căn Bản Về Kinh Doanh Ngoại Tệ

Thị trường tài chính tiền tệ luôn dậy sóng với những biến đổi thất thường của lãi suất liên ngân hàng, của tỷ giá đồng USD. Ngay cả các ngân hàng cũng không lường hết được những thay đổi ấy. Các bạn làm trong lĩnh vực ngân hàng nên hiểu rõ cách thức kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng.

1. Kinh doanh ngoại tệ là gì?

Kinh doanh ngoại tệ chính là một trong các quá trình quan trọng nằm trong thị trường ngoại hối. Đây chính là quá trình mà bạn mua bán các loại ngoại tệ khác nhau rồi dựa trên sự chênh lệch tỷ giá ở hiện tại với tương lai để bán kiếm lời. Chỉ cần khách hàng biết cách nắm bắt thời cơ và cơ hội thì chắc chắn việc làm giàu là không hề khó khăn. 

Hoạt động này bắt đầu kể từ khi lựa chọn thành công nhà môi giới cung cấp dịch vụ giao dịch này. Trong đó, Forex chính là thị trường mà bạn sẽ kinh doanh và cũng là thị trường ngoại hối các loại tiền tệ được giao dịch. 

Kinh doanh ngoại tệ là gì

Kinh doanh ngoại tệ chính là quá trình mua bán trong thị trường ngoại hối

Theo nhiều thống kê thì ước tính có khoảng 5,3 tỷ USD trên toàn thị trường được giao dịch vào mỗi ngày. Các đối tượng giao dịch có thể kể đến như chính phủ, tập đoàn, nhà đầu cơ hay ngân hàng. 

Thị trường này không hề có bất cứ trung tâm giao dịch nào cụ thể mà chỉ được thực hiện online hoặc tại quầy OTC. Các trader trên toàn thế giới sẽ thực hiện giao dịch thông qua internet. Thông thường thì thị trường này sẽ mở cửa năm ngày trên một tuần và mở 24/24.

2. Những quy định chung về kinh doanh ngoại tệ

Kinh doanh ngoại tệ là gì

2.1. Một số thuật ngữ liên quan khi giao dịch trên thị trường hối đoái

Ngân hàng là Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Trong bài này thì ngân hàng được hiểu như là ngân hàng đứng ra kinh doanh ngoại tệ với các tổ chức khác.

Chi nhánh là phòng giao dịch, Chi nhánh cấp 1, 2 trực thuộc Ngân hàng.

Đối tác là các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, công ty ở nước ngoài có ký hợp đồng giao dịch ngoại hối với Ngân hàng hoặc có thỏa thuận bằng văn bản về hạn mức giao dịch ngoại hối với ngân hàng.

Khách hàng là các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, tổ chức khác và cá nhân ở trong nước có nhu cầu mua bán ngoại tệ với Ngân hàng.

Giao dịch hối đoái giao ngay (spot) là giao dịch mua, bán một số lượng ngoại tệ giữa hai bên theo tỷ giá giao ngay tại thời điểm giao dịch và kết thúc thanh toán chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cam kết mua bán.

Giao dịch hối đoái kỳ hạn (forward) là giao dịch trong đó hai bên cam kết sẽ mua, bán với nhau một số lượng ngoại tệ theo một mức tỷ giá xác định, và việc thanh toán sẽ được thực hiện trong tương lai xác định.

Giao dịch hối đoái hoán đổi (swap) là giao dịch bao gồm đồng thời cả hai giao dịch: giao dịch mua và giao dịch bán dùng một số lượng đồng tiền này với một đồng tiền khác (chỉ có hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch), trong đó kỳ hạn thanh toán của hai giao dịch khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Giao dịch quyền chọn (option) là giao dịch ngoại tệ trong đó bên mua có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đã cam kết với bên bán, trong khi đó bên bán có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đã cam kết khi bên mua có yêu cầu theo tỷ giá đã thỏa thuận trước.

Phí quyền chọn (premium) là mức phí mà bên mua quyền chọn phải trả cho bên bán quyền chọn khi mua quyền chọn

Dealer là Giao dịch viên thuộc bộ phận nguồn vốn.

Trạng thái mở (chưa cân bằng-open position) của ngoại tệ là trạng thái phát sinh trong giao dịch mua (hoặc bán) ngoại tệ nhưng chưa bán (hoặc mua) lại với số lượng tương ứng. Trạng thái phát sinh do mua gọi là dư thừa, còn phát sinh do bán gọi là dư thiếu.

Trạng thái ngoại tệ chung của toàn ngân hàng là trạng thái ngoại tệ mở tối đa của toàn ngân hàng tại một thời điểm. Trạng thái này do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

Mức dừng lỗ (stop loss) là chênh lệch giá bất lợi tối đa giữa giá của trạng thái mở và tỷ giá thị trường tại một thời điểm. Trong trường hợp Dealer đang có một trạng thái mở với giá bất lợi so với giá hiện tại thì phải chuẩn bị một mức dừng lỗ hợp lý để hạn chế lỗ nhiều một khi giá biến động mạnh.

Hạn mức giao dịch với đối tác và khách hàng là hạn mức giao dịch mà Ngân hàng thỏa thuận được với đối tác và khách hàng. Bộ phận nguồn vốn và Chi nhánh chỉ được phép giao dịch với các đối tác và khách hàng trong hạn mức giao dịch này. Danh sách hạn mức giao dịch với đối tác và khách hàng sẽ phải được xem xét, cập nhật định kỳ hàng năm, hoặc khi cần thiết (ngoại trừ các Giao dịch quyền chọn, trong đó đối tác hoặc khách hàng là người mua quyền chọn và các giao dịch ngoại tệ mà đối tác/ khách hàng có đặt cọc cho Ngân hàng).

Tỷ giá hối đoái là giá của một đồng tiền quốc gia này so với đồng tiền của một quốc gia khác. Tỷ giá hối đoái bao gồm tỷ giá giao ngay, tỷ giá kỳ hạn và tỷ giá thực hiện trong quyền chọn.

Tỷ giá giao ngay (áp dụng đối với giao dịch hối đoái giao ngay) là tỷ giá do Ngân hàng niêm yết tại thời điểm giao dịch, hoặc do thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng, hoặc đối tác nhưng phải đảm bảo phù hợp với thị trường tại thời điểm giao dịch và quy định về tỷ giá giao ngay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm giao dịch.

Tỷ giá kỳ hạn (áp dụng đối với giao dịch hối đoái kỳ hạn) là tỷ giá do Ngân hàng và khách hàng, hoặc đối tác tự tính toán và thỏa thuận với nhau, nhưng phải đảm bảo phù hợp với thị trường tại thời điểm giao dịch và quy định về tỷ giá kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm giao dịch.

Tỷ giá thực hiện (áp dụng đối với giao dịch quyền chọn) là tỷ giá do người mua quyền chọn yêu cầu người bán quyền chọn thực hiện.

2.2. Các hoạt động giao dịch hối đoái và phạm vi giao dịch

Hoạt động giao dịch hối đoái của Ngân hàng bao gồm

  • Mua và bán ngoại tệ với đối tác / khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn mua và bán của đối tác/ khách hàng,
  • Mua và bán ngoại tệ với đối tác nhằm điều chỉnh trạng thái ngoại hối của đồng tiền đó của Ngân hàng để giảm thiểu rủi ro.
  • Mua và bán ngoại tệ giữa hội sở với Chi nhánh, phòng giao dịch nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn mua và bán của Chi nhánh, phòng giao dịch.

Phạm vi giao dịch

Bộ phận nguồn vốn được thực hiện toàn bộ các hoạt động giao dịch hối đoái. Chi nhánh, phòng giao dịch chỉ thực hiện hoạt động giao dịch hối đoái trong hạn mức trạng thái ngoại tệ của đơn vị mình và trong quy trình kinh doanh ngoại tệ tại Chi nhánh, phòng giao dịch.

Các loại hình giao dịch

Các loại hình giao dịch hối đoái được phép tiến hành bao gồm:

  • Giao dịch hối đoái giao ngay
  • Giao dịch hối đoái kỳ hạn
  • Giao dịch hối đoái hoán đổi

Đồng tiền giao dịch

Các giao dịch hối đoái được phép tiến hành giữa ngoại tệ với đồng Việt Nam hoặc giữa các loại ngoại tệ với nhau. Các loại ngoại tệ được phép giao dịch là các ngoại tệ được niêm yết trên Bảng tỉ giá công bố hàng ngày của Ngân hàng. Việc công bố loại ngoại tệ nào trên Bảng công bố tỷ giá hàng ngày do quy định của từng ngân hàng.

Đặt cọc

Để đảm bảo cho các giao dịch giao ngay, hoán đổi và kỳ hạn, Ngân hàng có thể yêu cầu đối tác, hoặc khách hàng đặt cọc cho Ngân hàng, hoặc Ngân hàng có thể đặt cọc cho đối tác/ khách hàng. Quyền yêu cầu đặt cọc và thỏa thuận mức đặt cọc do quy định của từng ngân hàng. Số tiền đặt cọc và khoản lãi từ tiền cọc (nếu có) sẽ được hoàn trả lại cho đối tác hoặc khách hàng, hoặc Ngân hàng được nhận lại từ phía đối tác hoặc khách hàng khi các bên trong giao dịch đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

2.3. Các kỹ thuật giao dịch về kinh doanh ngoại tệ

Nguyên tắc niêm yết tỷ giá và phí quyền chọn

Bộ phận nguồn vốn là nơi lập Bảng niêm yết tỷ giá giao dịch hàng ngày, áp dụng thống nhất cho toàn Ngân hàng. Tỷ giá niêm yết này được tính toán bằng các kỹ thuật, sao cho vừa phù hợp với cung cầu thị trường, vừa nằm trong biên độ dao động cho phép của Ngân hàng Nhà nước.   

Bảng niêm yết tỷ giá đầu ngày phải được lập và cập nhật vào hệ thống chương trình quản lý của Ngân hàng trên máy tính, chậm nhất là đầu giờ làm việc của ngày làm việc. Tỷ giá cũng ngay lập tức phải chuyển đi các chi nhánh, và phải nhập tỷ giá vào bảng điện tử của hội sở để các khách hàng có thể tham chiếu được ngay.

Trong ngày làm việc, nếu có phát sinh biến động lớn về tỷ giá của một loại ngoại tệ niêm yết nào đó thì phải lập bảng niêm yết tỷ giá giao dịch mới, và thực hiện công bố tỷ giá tương tự như việc công bố tỉ giá đầu ngày làm việc.

Chi nhánh khi nhận được Bảng niêm yết tỷ giá giao dịch phải cập nhật ngay vào Bảng niêm yết tỷ giá giao tại quầy giao dịch trực tiếp với khách hàng và thông báo ngay cho các bộ phận có liên quan thuộc đơn vị mình.

Đối với giao dịch hối đoái giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi, có thể thực hiện giao dịch theo tỷ giá niêm yết, hoặc tỷ giá thương lượng giữa Ngân hàng với khách hàng, hoặc đối tác nhưng phải đảm bảo tỷ giá giao dịch phù hợp với tỷ giá của thị trường tại thời điểm giao dịch, và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giao dịch về giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi.

Mức phí quyền chọn được thực hiện theo thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng, hoặc đối tác khi thực hiện quyền chọn. Bộ phận nguồn vốn căn cứ vào mức phí quyền chọn trong giao dịch với đối tác trên thị trường quốc tế, tại thời điểm giao dịch để quyết định phí quyền chọn cho khách hàng/ đối tác.

Thực hiện giao dịch với đối tác hoặc khách hàng

Việc thực hiện giao dịch với đối tác /khách hàng do Dealer thực hiện. Các phương tiện được thực hiện trong giao dịch là: điện thoại, fax. Cần lưu ý rằng tất cả các giao dịch qua điện thoại được coi là hợp lệ khi giao dịch được thực hiện thông qua của Ngân hàng

Tạo dữ liệu giao dịch

Sau khi hoàn tất việc thực hiện giao dịch với đối tác/khách hàng. Dealer phải nhập nội dung của giao dịch vào hệ thống quản lý giao dịch (trading system), và in ra “Phiếu giao dịch” ngay lập tức để chuyển sang cho Bộ phận kiểm soát rủi ro.

Kiểm soát giao dịch

Ngay sau khi nhận được giao dịch từ hệ thống quản lý giao dịch, hoặc “Phiếu giao dịch” cho Dealer chuyển sang, Bộ phận kiểm soát rủi ro phải thực hiện các bước sau:

  • Kiểm tra tỷ giá giao dịch có phải là tỷ giá công bố hoặc tỷ giá giao dịch của thị trường hay không,
  • Kiểm tra hạn mức của đối tác hoặc khách hàng,
  • Kiểm tra tiền cọc (nếu có),
  • Kiểm tra hạn mức giao dịch của Dealer.

Trong trường hợp giao dịch không đảm bảo một trong các yêu cầu trên, nhân viên kiểm soát rủi ro được quyền không duyệt, và phải tiến hành lập ngay biên bản vi phạm giao dịch. Đồng thời, báo cáo kịp thời cho cấp quản lý trực tiếp của bộ phận kiểm soát rủi ro để xử lý. Khi giao dịch đảm bảo các điều kiện nêu trên, nhân viên kiểm soát rủi ro tiến hành duyệt giao dịch trên hệ thống giao dịch, hoặc ký tên trên “phiếu giao dịch” và chuyển sang cho bộ phận hỗ trợ giao dịch (back office).

Xác nhận giao dịch

Việc thực hiện xác nhận do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện:

Đối với giao dịch hối đoái giao ngay (spot): Chỉ cần xác nhận lại với đối tác, hoặc khách hàng bằng fax, văn bản hoặc điện xác nhận (swift),

Đối với giao dịch hối đoái kỳ hạn (forward): Hoán đổi và quyền chọn thì ngân hàng và đối tác, hoặc khách hàng phải ký kết hợp đồng chi tiết bằng văn bản hoặc điện xác nhận.

Đối với các giao dịch được xác nhận bằng hợp đồng: Ngân hàng và đối tác/khách hàng phải ký hợp đồng ngay khi thực hiện giao dịch, và hợp đồng phải được gửi đi trong ngày giao dịch (căn cứ vào dấu của bưu điện).

Với các giao dịch được xác nhận bằng fax: Hợp đồng phải gửi đi ngay sau khi Dealer tạo dữ liệu giao dịch, hoặc sau khi nhận được hợp đồng do đối tác/khách hàng gửi đến. Tất cả giao dịch trong ngày phải được xác nhận hoàn tất trong ngày.

Còn đối với các giao dịch được xác nhận bằng điện xác nhận: Xác nhận giao dịch phải gửi đi trong phiên kết nối vào hệ thống swift gần nhất. Tất cả các giao dịch trong ngày phải được xác nhận hoàn tất trong ngày.

Thanh toán giao dịch

Việc thực hiện thanh toán giao dịch do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện.

Giao dịch giao ngay: Việc thanh toán theo thỏa thuận cụ thể về thời điểm chuyển tiền đối với đối tác/khách hàng, nhưng phải thực hiện và kết thúc chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo sau ngày cam kết mua bán,

Giao dịch kỳ hạn: Ngày thanh toán là ngày làm việc cuối cùng của kỳ hạn giao dịch, và được ghi rõ trong hợp đồng đã được ký kết. Ngân hàng chỉ được phép chuyển tiền khi đến hạn thanh toán,

Giao dịch hoán đổi:

  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm hai giao dịch giao ngay thì việc thanh toán dựa trên nguyên tắc đã quy định đối với giao dịch giao ngay.
  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm một giao dịch giao ngay, và một giao dịch kỳ hạn thì việc thanh toán dựa trên nguyên tắc đã quy định đối với giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn.
  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm hai giao dịch kỳ hạn, thì việc thanh toán dựa trên nguyên tắc đã quy định đối với giao dịch kỳ hạn.

Thanh toán bù trừ

Thanh toán bù trừ là việc chỉ thanh toán phần chênh lệch giữa các giao dịch mua, và các giao dịch bán có cùng cặp tiền tệ, hoặc của một loại tiền tệ của nhiều cặp tiền tệ khác nhau, cùng ngày giá trị thanh toán giữa ngân hàng với đối tác/khách hàng. Để thực hiện thanh toán bù trừ, ngân hàng và đối tác khách hàng giao dịch phải có thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng văn bản riêng.

Theo dõi thanh toán đi và thanh toán đến

Việc theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đi, và thanh toán đến do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện.

Theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đến: bao gồm theo dõi tất cả các khoản tiền thanh toán đến trong ngày, căn cứ vào các hợp đồng giao dịch đã thực hiện với đối tác hoặc khách hàng, đối chiếu nội dung nhận tiền, số tiền thực nhận với nội dung, số tiền trên hợp đồng giao dịch.

Theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đi: bao gồm theo dõi tất cả các khoản tiền phải thanh toán đi trong ngày, căn cứ vào các hợp đồng giao dịch đã được thực hiện với đối tác/khách hàng, đối chiếu nội dung chuyển tiền, số tiền thực chuyển trên chứng từ thanh toán đi với nội dung, số tiền trên hợp đồng giao dịch.

Quy trình nghiệp vụ cơ bản của kinh doanh ngoại tệ thì chỉ có như vậy. Tùy theo mỗi ngân hàng mà chia ra các phòng ban chức năng và nhân sự khác nhau.

Tuy nhiên nói gì thì nói bộ phận kinh doanh ngoại tệ phải đảm bảo ba nhóm sau:

  • Nhóm giao dịch kinh doanh (front office): gồm các Dealer kinh doanh được phép giữ trạng thái ngoại tệ mở, và các Dealer môi giới không được phép giữ trạng thái ngoại tệ mở,
  • Nhóm kiểm soát rủi ro (risk control): gồm các kiểm soát viên,
  • Nhóm nghiệp vụ (back office): gồm các nhân viên hỗ trợ giao dịch.

Có điều cần chú ý là các ngân hàng luôn quy định, phòng làm việc của bộ phận giao dịch phải tách biệt với bộ phận kiểm soát rủi ro, và bộ phận hỗ trợ giao dịch, và việc sử dụng các trang thiết bị thông tin cần phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của mỗi ngân hàng.

Quy trình này chưa đề cập đến công tác hạch toán trong kinh doanh ngoại tệ, cũng là một công việc khá phức tạp và khó trình bày. Tuy nhiên các bạn có thể tham khảo các văn bản sau để hiểu rõ cách thức hạch toán của các nghiệp vụ ngân hàng nói chung, và nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ nói riêng:

  • Quyết định 479/2004 QĐ-NHNN của thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành ngày 29/04/2004.
  • Quyết định 29/2006 QĐ-NHNN của thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành ngày 10/07/2006.

3. Những yếu tố tác động đến kinh doanh ngoại tệ

Tìm hiểu khái niệm và các đặc điểm của kinh doanh ngoại tệ thôi là chưa đủ để có thể làm giàu. Bạn cần phải nắm được rõ những yếu tố có thể tác động đến kinh doanh ngoại tệ và những nguy cơ mà mình có thể gặp phải:

3.1. Sự chênh lệch về lạm phát

Khái niệm lạm phát thì có lẽ không còn xa lạ với nhiều người và đây chính là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh doanh ngoại tệ. Bạn đã hiểu một cách đơn giản như sau: Nếu một đất nước nào đó có thể giữ được mức lạm phát ở mức thấp thì đồng nghĩa với việc là giá trị tiền của nước đó sẽ tăng lên. Còn lại đối với những nước có lạm phát cao thì giá của đồng tiền sẽ bị mất đi nhiều so với các đối tác thương mại. Ngoài ra thì việc lạm phát cao sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn.

Kinh doanh ngoại tệ là gì

Lạm phát của một đất nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh ngoại tệ

3.2. Thâm hụt của tài khoản vãng lai

Tài khoản vãng lai được hiểu giống như một cán cân thương mại dành cho một quốc gia cùng với đối tác thương mại. Tất cả các khoản thanh toán giữa các nước đều sẽ được phản ánh qua tài khoản này. Việc thâm hụt tài khoản vãng lai có nghĩa là khi một quốc gia đang chi tiêu cho lĩnh vực ngoại thương quá nhiều và nhiều hơn so với thu từ nguồn xuất khẩu. Chính vì thế thâm hụt bắt đầu xảy ra và những nước này sẽ phải vay vốn từ nước ngoài để thông qua xuất khẩu. Họ cũng sẽ phải cung cấp nội tệ của nước mình cho nước ngoài nhiều hơn.

Bên cạnh đó thì nếu như ngoại tệ bị dư thừa quá nhiều cũng sẽ làm giảm tỷ giá hối đoái của đất nước. Điều này sẽ khiến cho hàng hóa và dịch vụ trong nước lại quá rẻ so với người nước ngoài.

3.3. Nợ công

Thông thường thì nếu như một quốc gia có một khoản nợ lớn và gây ra tình trạng lạm phát cao thì chính phủ sẽ bắt buộc phải trả lãi cho những khoản nợ này. Khi họ trả hết nợ thì lúc này đồng đô la sẽ lại rẻ hơn trong tương lai. Những đất nước có nợ công lớn thì sẽ khó lòng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với những đất nước đang thâm hụt ngân sách thì sẽ cần làm mọi cách để kích thích nền kinh tế trong nước. Và phương thức mà họ lựa chọn chính là tài trợ cho các dự án của nhà nước và các hoạt động chính phủ. Hình thức để có thể tài trợ với quy mô lớn này là vay nợ. Vì thế tình trạng nợ công rất dễ xảy ra.

3.4. Chênh lệch lãi suất

Chắc hẳn thì các bạn cũng đã biết rằng lạm phát, tỷ giá hối đoái cùng với lãi suất có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Khi một trong ba yếu tố này thay đổi thì đều sẽ ảnh hưởng đến hai yếu tố còn lại một cách rõ rệt. Nếu như một quốc gia có nền kinh tế với lãi suất cho vay cao thì đồng nghĩa với việc là lợi nhuận sẽ cao hơn các nền kinh tế khác. Lúc này thì sẽ thu hút thành công sự chú ý của các vốn đầu tư nước ngoài. Khi tỷ giá hối đoái tăng thì làm lãi suất cũng tăng cao. Những điều này lại khá tiêu cực vì có thể khiến lạm phát tăng cùng thời điểm khiến cho giảm giá trị đồng tiền.

3.5. Chính trị

Với những đất nước có nền chính trị ổn định cùng với nền kinh tế mạnh mẽ sẽ luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư luôn chú trọng về mặt lợi nhuận nên sẽ không bao giờ lựa chọn những nước có rủi ro chính trị cao. Và điều này thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đồng tiền.

3.6. Tỷ lệ trao đổi thương mại

Tỷ lệ trao đổi thương mại được hiểu là tỷ lệ khi so sánh giữa giá xuất khẩu cùng với giá nhập khẩu. Loại tỷ lệ này có mối quan hệ trực tiếp với tài khoản vãng lai cùng với cán cân thanh toán.

Kinh doanh ngoại tệ là gì

Doanh thu của xuất khẩu tăng thì cũng sẽ khiến cho giá trị của đồng nội tệ được tăng đáng kể

Giả sử, trong trường hợp tỷ lệ trao đổi thương mại tăng thì sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu cũng tăng. Khi đó thì doanh thu từ nguồn này cũng tăng và giá trị của đồng nội tệ cũng tăng. Trong những trường hợp ngược lại thì tương tự.

Kết luận

Trên đây là kiến thức căn bản về kinh doanh ngoại tệ có thể bạn sẽ cần. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kiến thức UB Academy và  Diễn đàn U&Bank để cập nhật thêm kiến thức mới về ngành Ngân hàng.