Có thể bạn sẽ quan tâm
Incoterms 2020 – Có Gì Mới Và Khác Biệt?
Incoterms là một trong những điều khoản không thể thiếu trong một hợp đồng thương mại quốc tế. Incoterms có rất nhiều phiên bản khác nhau; mỗi phiên bản ứng với một thời điểm nhất định của sự phát triển của nền kinh tế thế giới và có tính kế thừa của các phiên bản trước. Mới đây ICC (International Chamber of Commerce) vừa công bố bản mới nhất là Incoterms 2020. Trong bài viết này, UB Academy sẽ mang đến cho bạn những thông tin cập nhật về bản Incoterms 2020.
1. Thay đổi điều kiện DAT thành DPU (Delivered at Place Unloaded)
Trong khi điều kiện DAT chỉ yêu cầu người bán giao hàng tại ga/cảng/bến dỡ hàng (Terminal) được chỉ định; điều kiện DPU mở rộng hơn về địa điểm giao hàng; có thể là bất kì địa điểm nào theo thoả thuận của 2 bên. Các nghĩa vụ cơ bản khác vẫn không thay đổi; người bán cần dỡ hàng khỏi phương tiện vận tải và đặt tại địa điểm được chỉ định mới được coi là hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Sở dĩ có sự thay đổi này, bởi với điều kiện DAT; ga/cảng/bên bất kỳ đều có thể được chỉ định dù có hoặc không có mái che như cầu cảng/ kho bãi container; hoặc ga đường bộ, đường sắt, hàng không… Trong điều kiện thời tiết xấu, người mua chưa kịp đến lấy hàng ngay; dễ xảy ra rủi ro hư hỏng hàng hóa không đáng có. Vì vậy, điều kiện DPU ra đời như một sự đảm bảo hạn chế rủi ro đối với hàng hoá; gia tăng trách nhiệm của người bán khi vận chuyển.
So sánh điều kiện DAP và DPU?
Về bản chất, 2 điều kiện này đều có thể chỉ định địa điểm giao ngoài Terminal. Chỉ khác đối với DPU, người bán có nghĩa vụ dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải. Còn DAP, người bán hết trách nhiệm khi hàng hoá được đặt trên phương tiện vận tải tại địa điểm chỉ định và sẵn sàng để dỡ hàng.
2. Cho phép cấp vận đơn On-board đối với điều kiện FCA
Trong điều kiện FCA Incoterms 2010, sau khi người bán đặt hàng hóa trên phương tiện vận chuyển của người chuyên chở; người bán hết trách nhiệm đối với hàng hoá và được người vận chuyển/công ty giao nhận phát hành biên lai nhận hàng. Vấn đề được đặt ra khi, phương tiện chuyên chở được chỉ định không phải phương tiện chuyên chở quốc tế mà là phương tiện vận tải trung chuyển. Nếu 2 bên sử dụng phương thức thanh toán LC; ngân hàng sẽ yêu cầu người bán phải xuất trình 1 vận đơn có dấu On-board mới chấp nhận thanh toán.
Tuy nhiên, tàu chuyên chở quốc tế thường không cấp vận đơn On-board cho người bán nếu người bán không trực tiếp giao hàng lên tàu chuyên chở quốc tế này. Vì vậy, người bán sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian để chờ được cấp vận đơn có dấu On-board làm đề nghị thanh toán.
Incoterms 2020 ra đời cho phép các bên thỏa thuận trong hợp đồng rằng; với điều kiện FCA người bán có thể chỉ định người chuyên chở mình thuê cấp cho người bán 1 vận đơn On-board để dễ dàng làm thủ tục thanh toán.
3. Nâng mức bảo hiểm ở điều kiện CIP
CIF (Cost Insurance and Freight) và CIP (Carriage and Insurance Paid to) là 2 điều kiện duy nhất chỉ định người bán phải mua bảo hiểm cho hàng hoá. Đối với Incoterms 2010, cả 2 điều kiện đều chỉ yêu cầu người bán phải mua bảo hiểm cho hàng hoá ở mức tối thiểu; tức người bán có thể mua bảo hiểm loại C; hoặc có thể mua bảo hiểm mức cao hơn tuỳ theo thoả thuận giữa 2 bên. Tuy nhiên, theo Incoterms 2020; điều kiện CIP nâng mức bảo hiểm bắt buộc lên loại cao nhất là loại A; và giữ nguyên mức tối thiểu cho điều kiện CIF.
Vì vậy, đối với phiên bản 2010, người bán có thể mua bảo hiểm bất kỳ hoặc theo thoả thuận với người mua. Còn với phiên bản 2020, điều kiện CIP bắt buộc người bán phải mua mức cao nhất.
4. Mở rộng nghĩa vụ vận chuyển với người bán
Trong các phiên bản Incoterms trước, ICC chỉ quy định rằng người bán phải liên hệ với bên thứ 3 để thuê vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp người bán có sẵn phương tiện vận tải; và thỏa thuận sử dụng các điều kiện Incoterms cho phép chính phương tiện của mình vận chuyển hàng hóa. Đôi khi để có lợi cho mình nhất; người bán thỏa thuận các điều kiện không chịu rủi ro trong quá trình vận chuyển. Nhận thấy điều này, trong phiên bản 2020 ICC đã mở rộng nghĩa vụ của người bán tại các điều kiện mà người bán chịu trách nhiệm cho việc vận chuyển; rằng người bán có thể thuê bên vận chuyển thứ 3 hoặc tự tổ chức vận chuyển hàng hoá.
5. Tách riêng mục chi phí
Ở các phiên bản trước, quy định trách nhiệm về chi phí được quy định cùng với bảo hiểm thành 2 phần trong 1 mục và không thực sự rõ ràng. Vì vậy, phiên bản 2020 tách riêng chi phí và bảo hiểm ở 2 mục khác nhau; thể hiện chi tiết hơn chi phí mà các bên phải chịu ở mục A9/B9; hạn chế tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
6. Lời khuyên về Incoterms 2020
Thứ nhất, đối với Incoterms 2020 thì các điều khoản cũng như hướng dẫn thực hiện rất chú trọng đến bảo hiểm và bảo mật thông tin. Các nhà xuất nhập khẩu cần nghiên cứu kỹ để áp dụng những điều khoản trong Incoterms 2020 trong giao thương sớm nhất. Thời đại Internet rất phát triển; vấn đề bảo mật thông tin rất cần thiết trong quá trình buôn bán và giao thương.
Thứ hai, trong hợp đồng thương mại hiện tại của rất nhiều công ty xuất nhập khẩu; tuy đã có để điều khoản Incoterms vào trong hợp đồng, invoice, packing list … nhưng lại không ghi rõ là Incoterms phiên bản nào. (Ví dụ: CIF Cát Lái, CIF Hải Phòng). Điều này cực kỳ dễ bị hiểu nhầm; vì mỗi phiên bản Incoterms đều có hiệu lực ở thời điểm hiện tại và có rất nhiều điểm không giống nhau nên cần đặc biệt lưu ý ghi rõ (Ví dụ: CIF Cát Lái, Incoterms 2020; FOB Hải Phòng, Incoterms 2000 …).
Incoterms là văn bản có tính tùy ý. Mọi phiên bản đều có hiệu lực ở thời điểm hiện tại; vì vậy trong quá trình sử dụng, các bạn cần nắm chắc sự khác biệt trong các điều kiện của từng phiên bản và quy định rõ trong hợp đồng.
Trong bài viết trên, UB Academy đã giúp bạn tổng hợp những điểm mới Incoterms 2020 so với phiên bản 2010. Hy vọng những thông tin này sẽ có ích cho các bạn trong quá trình làm việc Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới nhất về ngành Tài chính – Ngân hàng nhé!
Tham khảo thêm điều kiện Incoterms 2010 để có được cái nhìn tổng quan nhất.