messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Hướng dẫn trả lời 8 câu hỏi LUÔN LUÔN GẶP trong một buổi phỏng vấn

 

 

Dưới đây là những chia sẻ cho các bạn những hiểu biết tại vòng phỏng vấn tại Ngân hàng cho từng vị trí.

 

Hãy cùng nghiên cứu qua 8 câu hỏi cơ bản mà các bạn sẽ luôn gặp khi phỏng vấn bất cứ vị trí nào nhé!

 

1. Xin mời em giới thiệu về bản thân mình?

100% các bạn đi phỏng vấn thì đây là câu đầu tiên các bạn được hỏi, vì vậy các bạn nên chuẩn bị rất kỹ lưỡng câu hỏi này và phải tập trước ở nhà.

 

Khi nhà tuyển dụng (NTD) hỏi: Tên em là ….. Em đã tốt nghiệp (hoặc đang học tại) trường …. Hiện tại, em đang làm ở công ty …. Với chức danh là …. Tại đây, công việc chính của em là … trong thời gian làm việc ở đây em đã đạt được một số thành tích như …. (nhớ thể hiện bằng các con số). Điểm mạnh của em là …. Trong thời gian rảnh, sở thích của em là … (nhớ nói đến các sở thích lành mạnh như đọc sách về phát triển con người, thể dục thể thao, xem các chương trình truyền hình thực tế về tài chính ngân hàng,…)

 

Các bạn hãy nên nhớ phần giới thiệu bản thân có yếu tốt quyết định lớn buổi phỏng vấn, do nó sẽ quyết định đến cảm xúc đầu tiên của hội đồng đối với bạn, cảm xúc tốt bạn sẽ được hỏi nhiều, khai thác nhiều trong các câu hỏi về sau và khả năng đỗ càng lớn.

 

Các bạn có thể giới thiệu:

“Tên em là…, Họ tên đầy đủ là…Năm nay em xx tuổi, em vừa tốt nghiệp Học viện Tài Chính, chuyên ngành Ngân hàng. 
Khi mọi người lần đầu tiếp xúc với em, họ đều có cảm nhận em là người mà họ có thể đặt niềm tin. Bởi trong em toát sự thân thiện, cởi mở và tin cậy.

Trong công việc và trong cuộc sống, em là người nhiệt tình, có trách nhiệm, luôn cố gắng hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất.

Hiện tại em đang là ở…”

 

 

2. Em hiểu gì về công việc sắp tới?

Hãy đọc kĩ mô tả công việc trước khi đi phỏng vấn.

Rất nhiều trường hợp khi các bạn nộp CV cho một vị trí rồi lại đi hỏi người khác là vị trí này làm gì?

 

Tối thiểu các bạn hãy đọc kĩ mô tả tuyển dụng của vị trí đó, phần nào chưa hiểu thì hãy hỏi người có kinh nghiệm làm việc trong Ngân hàng để được giải thích rõ hơn. Hoặc tra google để biết được khái niệm, thông tin căn bản nhất về những thông tin bạn chưa rõ. Một cách thu nạp kiến thức thông minh, nhanh gọn mà không tốn phí đúng không nào.

 

Ngoài công việc chi tiết được mô tả trong phần mô tả công việc, các bạn nên tìm hiểu vị trí mình ứng tuyển thuộc phòng ban nào, công việc nằm trong chu trình nào, mối quan hệ giữa các phòng ban khác.

 

Việc bắt đầu từ phân tích yếu tố cấu trúc phòng ban, mối liên hệ rồi mới đi vào công việc chi tiết sẽ tạo được điểm khác biệt cho câu trả lời này của bạn thay vì…học thuộc và đọc thuộc lòng như mô tả công việc trong thông tin tuyển dụng nhé.

 

Ví dụ, kinh nghiệm của anh Kiều Việt Hùng:

Khi tôi vào phỏng vấn của Vietinbank, câu hỏi thứ 2 sau khi giới thiệu bản thân là “Em hiểu gì về công việc mình sẽ làm sắp tới?” Tôi đã lấy trong tập tài liệu ra mô hình cơ cấu tổ chức của Vietinbank và nói: Vâng, em cũng được tìm hiểu qua báo cáo thường niên của Vietinbank và qua chính đề thi tuyển dụng đầu vào. Về cơ cấu tổ chức của phòng Thanh quyết toán vốn kinh doanh, nhìn theo cấu trúc này, phòng mình thuộc khối hỗ trợ – có thể hiểu là bộ phận back office, và qua đề thi tuyển dụng lần trước có 1 câu hỏi là “Em hiểu, bộ phận Back office của Treasury làm công việc gì?”. Vì vậy, công việc chính của phòng sẽ làm Back office của khối Treasury bao gồm cả kinh doanh vốn và điều hòa vốn. Công việc chính của BO sẽ là:

– Đối chiếu, xác nhận, thanh toán và hạch toán kế toán các giao dịch trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn,
– Quản lý tài khoản NOSTRO của ngân hàng
– Quản lý các khoản vay quốc tế của Vietinbank
– Thực hiện phối hợp với bộ phận Front office, Middle office để thực hiện các dự án có liên quan.

 

Nghe xong câu trả lời này của tôi, bộ 3 phỏng vấn lúc đó gồm Phó phòng Đầu tư, Phó phòng Kinh doanh ngoại tệ và Trưởng phòng Thanh quyết toán vốn gật đầu và mỉm cười. Tôi biết rằng, bước đầu tiên, mình đã chinh phục được họ.”

 

3. Tại sao bạn lại lựa chọn ngân hàng tôi làm việc?

Đây cũng là một câu hỏi thường gặp. Nhiều bạn cũng rất băn khoăn về câu hỏi này nên trả lời như thế nào. Nhưng các bạn hãy giản hóa mọi việc và nghĩ rằng, đây chỉ là một câu hỏi xem bạn tìm hiểu về ngân hàng mình đang ứng tuyển mà thôi.

 

Về câu hỏi này, các bạn hãy đưa ra cảm nhận một cách tự nhiên về ngân hàng thay vì những câu trả lời khuôn rập như môi trường năng động, chuyên nghiệp, lương cao.

 

Ví dụ như đơn giản là: Trong một lần giao dịch tại Techcombank, em thực sự ấn tượng phong cách làm việc chuyên nghiệp của bộ phận Giao dịch viên. Dù em đã đi giao dịch nhiều bank trước đó.
Đoạn này có thể mô tả kĩ hơn trải nghiệm,..

Vì thế em cũng muốn em trở thành một Giao dịch viên của Ngân hàng, để có thể đem lại chất lượng dịch vụ tốt và ấn tượng mạnh mẽ cho khách hàng như những gì em đã trải nghiệm được khi giao dịch tại Techcombank.

Hoặc có bạn chọn VPBank vì em thích văn hóa nội bộ của VPBank, VPBank có rất nhiều chương trình như…

 

Lưu ý mọi cảm xúc đều phải có dẫn chứng, điều này sẽ thuyết phục hội đồng rằng, bạn không chỉ có cảm xúc đơn thuần mà đã tìm hiểu khá kĩ về ngân hàng đó.

 

4. Bạn có nộp hồ sơ vào các ngân hàng khác hay không?

Câu hỏi này cũng khiến nhiều bạn phân vân, nếu giả sử mình nói là có thì lại sợ nhà tuyển dụng nghĩ mình là người không trung thành, còn mình nói không thì sợ nhà tuyển dụng nghĩ mình là người giả dối. Quan điểm là: Hãy là chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Bạn không nên quanh co gì cả trong trường hợp này, bạn hãy nói, cũng như bao bạn mới bước chân vào ngành ngân hàng, em cũng tận dụng câc cơ hội tuyển dụng mà em có thể ứng tuyển để gia tăng cơ hội cho mình. Cụ thể em có nộp hồ sơ vào các ngân hàng khác, tại các vị trí ….. Tuy nhiên, ngân hàng mình là ưu tiên số 1 cho sự lựa chọn của em.

 

Chú ý rằng, trong khi liệt kê các vị trí bạn ứng tuyển phải có liên quan một chút đến vị trí bạn đang được phỏng vấn, điều này sẽ thể hiện, bạn là một người biết định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

 

 

5. Khi đang làm việc ở ngân hàng tôi, bạn được một ngân hàng khác mời gọi với mức lương cao hơn, bạn sẽ xử lý thế nào?

Đây cũng là một câu hỏi hơi khó xử với mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường. Nếu trả lời là em sẽ trung thành với ngân hàng mình, nghe có vẻ giả dối quá, còn nói là em sẽ chuyển sang ngân hàng kia thì lại làm nhà tuyển dụng phật lòng.

 

Tôi xin được phép gợi ý cho các bạn như sau:

Điều đầu tiên, em cảm thấy rất vui vì năng lực của mình đã được nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên, để đưa ra một quyết định là ở lại hay chuyển một công việc mới, em dựa trên 3 yếu tố. Một là môi trường làm việc, hai là chế độ lương thưởng, ba là cơ hội thăng tiến. Nếu ngân hàng đó chỉ cho em một chế độ lương thưởng cao hơn thì chưa chắc em đã rời đi mà cần phải cân nhắc hai yếu tố còn lại.

 

6. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Câu hỏi này khiến nhiều bạn khó xử cũng không kém. Chẳng nhẽ mình lại nói ra các nhược điểm của công ty cũ như lương thấp, môi trường làm việc kém năng suất, những mâu thuẫn của mình với sếp hay sao? Có thể bạn cũng sẽ nói ra một số đặc điểm mình không thích ở công ty cũ, tuy nhiên, hạn chế nói ra những điểm nhạy cảm đặc biệt là vấn đề tiền lương.

 

Hãy tìm ra lí do phù hợp với mục tiêu của bạn. Ví dụ em có định hướng là…vì thé nên em đã rời công ty cũ để thực hiện mục tiêu của em

 

 

7. Điểm yếu của bạn là gì?

Khi nghe câu hỏi này, chẳng nhẽ bạn sẽ nói những điểm yếu của mình như tính cẩu thả, tính hay quên,.. của mình hay sao?

 

Hãy chọn lọc các điểm yếu đó để nói với nhà tuyển dụng. Ví dụ: Điểm yếu của em là đôi khi quá cầu toàn nên chưa quyết đoán trong công việc. Tuy nhiên, em đang sửa đổi dần điểm yếu này. Các bạn nên bổ sung thêm câu: Tuy nhiên, em đang sửa đổi dần điểm yếu này để thể hiện mình là một con người cầu tiến nhé.

 

8. Bạn còn câu hỏi nào hỏi nào dành cho chúng tôi hay không?

Đây cũng là một câu hỏi đánh giá trình độ ứng viên. Rất nhiều bạn đã đặt ra các câu hỏi như anh ABC bao nhiêu tuổi ạ? Số điện thoại của anh là gì nhỉ? Rồi muôn vàn các câu hỏi khác tương tự. Thực ra, tìm hiểu về thông tin cá nhân của người phỏng vấn như vậy là hoàn toàn không nên. Thay vào đó, bạn nên đặt ra những câu hỏi có liên quan đến ngân hàng, những vấn đề bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về ngân hàng đó hay.

 

Trên đây là 8 câu hỏi thường gặp trong các buổi phỏng vấn. Các bạn hãy note lại tài liệu này để tra cứu khi cần nhé.

 

 

Xem thêm:

 

Tổng hợp Đề thi, Kinh nghiệm thi tuyển tất cả các Ngân hàng >>

Tổng hợp tin tuyển dụng >>

 

UB Academy

———————————————————
Công ty CP Đầu tư & Phát triển UB Việt Nam

Thành viên Hiệp hiệp Ngân hàng Việt Nam
www.ub.edu.vn