messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Hướng dẫn phân tích chỉ số tài chính của Doanh nghiệp

Phân tích tỷ số là công cụ đầy sức mạnh trong việc phát hiện sớm các vấn đề nếu nó được sử dụng đầy đủ. Nhưng sẽ là rất nguy hiểm nếu suy diễn và phản ứng chỉ theo một chỉ số nhất định. Một nhận định từ chỉ số sẽ chính xác nếu chúng ta xem xét nó trên tổng thể các chỉ số khác, các khuynh hướng, các vấn đề đang xảy ra tại doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

phân tích tỷ số

Phân tích tỷ số phản ánh khả năng thanh toán

Khả năng thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn

Theo một số tài liệu nước ngoài, khả năng thanh toán hiện hành sẽ trong khoảng từ 1 đến 2.

Tỷ số thanh toán hiện hành >1 tức là TSLĐ > Nợ ngắn hạn. Lúc này các tài sản ngắn hạn sẵn có lớn hơn những nhu cầu ngắn hạn; vì thế tình hình tài chính của Công ty là lành mạnh ít nhất trong thời gian ngắn.

Thêm nữa, do TSLĐ > Nợ ngắn hạn nên TSCĐ < Nợ dài hạn + Vốn CSH. Và như vậy, các nguồn vốn dài hạn của Công ty không những đủ tài trợ cho TSCĐ mà còn dư để tài trợ cho TSCĐ.

Trường hợp tỷ số thanh toán hiện hành < 1 tức là TSLĐ < Nợ ngắn hạn. Lúc này các tài sản ngắn hạn sẵn có nhỏ hơn nhu cầu ngắn hạn; vì thế Công ty có khả năng không trả hết các khoản nợ ngắn hạn đúng hạn.

Thêm nữa, do TSLĐ < Nợ ngắn hạn nên TSCĐ > Nợ dài hạn + Vốn CSH. Và như vậy, Công ty đang phải dùng các nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ tài sản dài hạn, đang bị mất cân đối tài chính.

Tuy nhiên phân tích tỷ số chỉ mang tính thời điểm; không phản ánh được cả một thời kỳ, một giai đoạn hoạt động của Công ty. Vì thế các tỷ số này phải được xem xét liên tục; và phải xác định nguyên nhân gây ra kết quả đó như từ hoạt động kinh doanh, môi trường kinh tế; yếu kém trong tổ chức, quản lý của doanh nghiệp; các nguyên nhân, yếu tố trên mang tính tạm thời hay dài hạn; khả năng khắc phục của doanh nghiệp, biện pháp khắc phục có khả thi hay không.

Một vấn đề nữa khi đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp qua phân tích tỷ số là phải loại bỏ các khoản phải thu khó đòi; các khoản tồn kho chậm luân chuyển trong TSLĐ của Công ty. Và như vậy, hệ số thanh toán nhanh tăng không có nghĩa là khả năng thanh toán của Công ty được cải thiện nếu chúng ta chưa loại bỏ các khoản phải thu khó đòi; tồn kho chậm luân chuyển khi tính toán.

Khả năng thanh toán nhanh

Tỷ số thanh toán nhanh = (Tiền mặt + TSLĐ khác + Phải thu) / Nợ ngắn hạn

Tỷ số này thường > 0,5 là chấp nhận được.

Việc loại bỏ hàng tồn kho khi tính toán khả năng thanh toán nhanh là do hàng tồn kho sẽ phải mất thời gian hơn để chuyển chúng thành tiền mặt hơn các khoản mục TSLĐ khác.

Tương tự như tỷ số thanh toán hiện hành, việc xem xét tỷ số thanh toán nhanh cũng phải xem xét đến các khoản phải thu khó đòi để đảm bảo đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp một cách chính xác nhất.

Khả năng thanh toán dài hạn

Để đánh giá khả năng này ta cần dựa trên năng lực TSCĐ hình thành từ vốn vay và mức trích KHCB hàng năm; xem xét xem mức trích KHCB hàng năm có đủ trả nợ các khoản vay dài hạn đến hạn trả không.

Hệ số thanh toán nợ dài hạn = Giá trị còn lại của TSCĐ hình thành từ vốn vay / (Tổng số nợ dài hạn – giá trị TSCDDD hình thành từ vốn vay).

Hệ số này < 1 chứng tỏ giá trị KHCB hàng năm không đủ trích trả nợ các khoản vay trung dài hạn đến hạn trả và doanh nghiệp có khả năng không trả nợ đúng hạn; và phải sử dụng các nguồn bổ sung khác để trả nợ.

Phân tích tỷ số phản ánh hiệu quả vốn lưu động

Các tỷ số phản ánh hiệu quả vốn lưu động thể hiện qua các chỉ tiêu sau:

Vòng quay các khoản phải thu khách hàng / Kỳ thu tiền bình quân

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu / (Phải thu khách hàng bình quân đầu kỳ + cuối kỳ)

Kỳ thu tiền bình quân = 12 tháng / vòng quay các khoản phải thu.

Tỷ số này cho biết thời gian chậm trả trung bình các khoản phải thu hoặc thời gian trung bình để chuyển các khoản phải thu thành tiền mặt.

  • Thời gian thu hồi công nợ ngắn có thể cung cấp những thông tin sau:

+ Chính sách tín dụng bán trả chậm cho khách hàng của doanh nghiệp quá khắt khe: Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi mà doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu dài, có thị phần lớn.

+ Việc thu hồi công nợ của doanh nghiêp rất hiệu quả: tìm hiểu thêm về cách thức thu hồi công nợ của công ty.

+ Khả năng sinh lời và điều kiện tài chính của khách hàng tốt: Liên hệ với tỷ suất sinh lời, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận để kết luận.

+ Doanh nghiệp chỉ hoặc thường bán hàng trả ngay bằng tiền mặt: xem xét loại hình kinh doanh và phương thức bán hàng, mạng lưới phân phối của công ty.

  • Thời gian thu hồi công nợ dài có thể cung cấp những thông tin sau:

+ Chính sách bán hàng trả chậm của doanh nghiệp là dễ dàng: xem xét cụ thể thị trường của hàng hoá doanh nghiệp đang kinh doanh, nếu doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường thì chính sách bán hàng linh hoạt là hợp lý.

Tuy nhiên nếu doanh nghiệp đang có thị phần vững chắc, khi thay đổi về chính sách bán hàng phải xem xét cụ thể khả năng cạnh tranh của khách hàng, các biến động về giá cả, chất lượng của hàng hoá khách hàng đang kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả năng bán hàng, tình hình tài chính và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như xem xét tình hình tài chính của bạn hàng, các phát sinh phải thu chi tiết, tuổi nợ các khoản phải thu để xác định lý do thực chất của việc thay đổi chính sách bán hàng.

+ Việc thu hồi công nợ của doanh nghiệp không hiệu quả: tìm hiểu về cách thức thu hồi công nợ của công ty để có hướng tư vấn kịp thời.

Vòng quay hàng tồn kho / Thời gian tồn kho bình quân

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn / Hàng tồn kho bình quân

Thời gian tồn kho bình quân = 12 tháng / Vòng quay hàng tồn kho

Tỷ số này cho biết doanh nghiệp lưu hàng tồn kho, gồm có NVL và hàng hoá trong bao nhiêu tháng. Để duy trì hoạt động kinh doanh thì hàng hoá cần phải trữ ở một số lượng cần thiết nào đó.

Tuy nhiên, lưu giữ quá nhiều hàng tồn kho đồng nghĩa với việc vốn sử dụng kém hiệu quả (dòng tiền sẽ giảm đi do vốn kém hoạt động và như vậy lãi vay sẽ tăng lên). Điều này làm tăng chi phí lưu giữ hàng tồn kho và tăng rủi ro khó tiêu thụ hàng tồn kho này do có thể không hợp nhu cầu tiêu dùng cũng như thị trường kém đi. Do vậy tỷ số này cần xem xét để xác định thời gian tồn kho có hợp lý theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ bình quân chung của ngành cũng như mức tồn kho hợp lý đảm bảo cung cấp được bình thường.

Vòng quay vốn lưu động và số ngày hoàn thành chu kỳ kinh doanh

Vòng quay VLĐ = Doanh thu / VLĐ bình quân

Vòng quay VLĐ xác định số ngày hoàn thành 1 chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Vòng quay VLĐ quá thấp chứng tỏ khả năng thu hồi tiền hàng, khả năng luân chuyển hàng hoá thấp, luân chuyển vốn chậm nên chi phí về vốn tăng lên làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Vòng quay VLĐ khác nhau đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, ví dụ vòng quay VLĐ của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại bao giờ cũng phải cao hơn vòng quay VLĐ của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, XDCB.

Khi xem xét vòng quay VLĐ của 1 doanh nghiệp, cần so sánh với mức bình quân chung của ngành cũng như các chính sách bán hàng, tiêu thụ hàng của doanh nghiệp để kết luận chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp là ở mức bình thường, tốt hay không tốt.

Đặc biệt, đối với mặt hàng kinh doanh có tính thời điểm, mùa vụ cao thì việc xác định vòng quay VLĐ thực chất khi tính toán hạn mức tín dụng cho khách hàng còn cần phải dựa vào các hợp đồng mua bán hàng hoá, thời gian tồn kho thực tế của khách hàng.

Vòng quay khoản phải trả và kỳ trả nợ bình quân

Vòng quay khoản phải trả = giá vốn / khoản phải trả bình quân.

Số ngày phải hoàn trả nợ = 12 tháng / vòng quay khoản phải trả.

Vòng quay phải trả và số ngày phải hoàn trả nợ là chỉ tiêu vừa phản ánh uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng vừa phản ánh khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Đối lập với vòng quay phải thu và hàng tồn kho có xu hướng càng tăng càng tốt thì đối với các doanh nghiệp càng được chậm trả nợ càng tốt nên họ rất muốn kéo dài thời gian hoàn trả nợ dẫn đến vòng quay phải trả thấp. Vòng quay phải trả thấp, số ngày hoàn trả nợ kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy công ty rất có uy tín và là khách hàng tốt của nhà cung cấp nên được cho chậm trả, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang khó trả các khoản nợ đến hạn.

Để khẳng định được khả năng thanh toán nợ của khách hàng cần phân tích chi tiết các khoản phải trả, các khách hàng cho nợ, doanh số phát sinh nợ có và tuổi nợ các khoản phải trả, đối chiếu với hợp đồng mua hàng, xem xét tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả năng thu hổi công nợ …. để có kết luận về việc vòng quay phải trả thấp là do khách hàng được cho chậm trả hay do khách hàng kinh doanh yếu kém mất khả năng thanh toán các khoản nợ.

Phân tích tỷ số phản ánh hiệu quả tài sản cố định

Hiệu quả tài sản cố định được đánh giá qua 2 chỉ tiêu sau:

  • Sức sản xuất TSCĐ: Doanh thu / Giá trị TSCĐ.
  • Sức sinh lợi TSCĐ: Lơi nhuận sau thuế / giá trị TSCĐ.

Về nguyên tắc, các tỷ số càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng càng tốt. Tuy nhiên việc phân tích các tỷ số hiệu quả tài sản cố định không chỉ dừng lại ở 2 kết quả trên mà vấn đề là phải xác định được cấu trúc của các tỷ số đó.

Đối với doanh nghiệp vừa kinh doanh thương mại vừa sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại sẽ cho kết quả cao hơn, trong khi đó hoạt động sản xuất sẽ thấp hơn. Việc lấy số liệu từ bảng cân đối sẽ tổng hợp cả 2 lĩnh vực trên và đưa ra kết quả không phản ánh chính xác thực tế kinh doanh của Công ty. Vì vậy đối với những trường hợp này nếu có thể được sẽ tách 2 mảng kinh doanh để phân tích riêng rẽ.

Các kết quả từ tỷ số trên cũng có thể không chính xác trong các trường hợp như: TSCĐ mới được đưa vào sản xuất, công suất huy động còn thấp hoặc tài sản đã được sử dụng lâu năm, sắp thanh lý không còn sử dụng.

Phân tích tỷ số phản ánh khả năng sinh lời, hiệu suất sử dụng vốn

Tỷ suất sinh lời doanh thu thuần.

Nếu doanh thu thuần được coi là 100% thì giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, lợi nhuận là bộ phận cấu thành nên doanh thu. Thông thường, việc phân tích lợi nhuận/doanh thu không chỉ dừng lại ở việc phân tích tỷ lệ lợi nhuận ròng chiếm bao nhiêu % doanh thu mà quan trọng hơn là phân tích cả lợi nhuận gộp, các yếu tố chi phí khác trên doanh thu để xem xét tình hình lợi nhuận của Công ty đang bị ảnh hưởng bởi chi phí NVL, khấu hao hay do chi phí tài chính hay do chi phí quản lý doanh nghiệp quá cồng kềnh…

Khi một doanh nghiệp mới hoạt động hay có một sản phẩm mới thì tỷ số lợi nhuận/doanh thu thường thấp (hoặc thua lỗ) do công suất huy động MMTB thấp, sản phẩm đang thâm nhập thị trường, nhu cầu chưa cao, giá bán thấp để chiếm lĩnh thị phần dẫn đến doanh thu đạt thấp trong khi chi phí cố định: khấu hao, lãi vay ở mức cao. Nhưng nếu sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, và nếu kiểm soát tốt các yếu tố chi phí gián tiếp thì tỷ số sẽ có xu hướng tăng.

Nếu một công ty có nhiều sản phẩm hoặc kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực có sổ sách kế toán riêng đầy đủ thì việc phân tích tỷ số của mỗi sản phẩm, lĩnh vực sẽ cho 1 cái nhìn tổng thể về các lĩnh vực nào cho kết quả kinh doanh tốt cần phát triển mạnh, các lĩnh vực nào kết quả kinh doanh chưa tốt cần hạn chế hoặc chuyển hướng đầu tư.
Không phải việc tăng tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lúc nào cũng phản ánh doanh nghiệp đang kinh doanh tốt và việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lúc nào cũng phản ánh doanh nghiệp đang kinh doanh kèm hiệu quả mà việc xem xét tăng/giảm tỷ suất sinh lời doanh thu là tốt hay xấu cũng cần phân tích rõ lý do của việc tăng/giảm tỷ số.

  • Việc tăng tỷ suất lợi nhuận doanh thu là tốt nếu:

+ Lợi nhuận và doanh thu cùng tăng.

+ Doanh thu giảm do doanh nghiệp không tiếp tục vào lĩnh vực đầu tư không hiệu quả. Lợi nhuận trong trường hợp này có thể giảm nhưng giảm ít hơn doanh thu. Hoặc lợi nhuận lại tăng lên do giảm lĩnh vực đầu tư không hiệu quả lên quản lý chi phí tốt hơn.

  • Việc tăng tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là xấu nếu: việc tăng là do lợi nhuận và doanh thu cùng giảm nhưng lợi nhuận giảm chậm hơn doanh thu với các lý do giảm như sau:

+ Công ty bị giảm năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất.

+ Hàng hoá bán ra tiêu thụ kém.

+ Công ty phải giảm giá bán để chiếm lĩnh lại thị phần.

Tuy nhiên do công ty vẫn đang quản lý tốt chi phí quản lý, chi phí tài chính… nên tạm thời lợi nhuận có giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn doanh thu.

  • Việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu không phải là một dấu hiệu chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của Công ty bị giảm sút nếu:

+ Lợi nhuận và doanh thu đều tăng nhưng lợi nhuận tăng chậm hơn doanh thu do hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được mở rộng nhưng do vay nợ nhiều hơn nên chi phí lãi vay nhiều hơn, hay do mới mỏ rộng quy mô hoạt động nên công suất sản xuất chưa cao, chi phí quản lý, chi phí khấu hao còn lớn.

+ Trong trường hợp doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng thì cũng không phải là dấu hiệu doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Để kết luận phải xem xét cơ cấu chi phí và bản chất việc giảm lợi nhuận là do giá vốn tăng hay do doanh nghiệp quản lý tài chính, quản lý hoạt động không tốt dẫn đến các chi phí hoạt động quá cao so với quy mô tăng trưởng doanh thu.

+ Ngay cả khi doanh thu và lợi nhuận đều giảm cũng không phải là dấu hiệu kinh doanh của công ty đang xấu nếu do Công ty đang thu hẹp hoạt động, chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực hiệu quả, dừng hoạt động những lĩnh vực, mặt hàng kém hiệu quả.

  • Việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là một dấu hiệu chứng tỏ hoạt động kinh doanh của đơn vị đang có chiều hướng xấu nếu:

+ Doanh thu và lợi nhuận đều giảm do công ty kinh doanh không tốt, sản phẩm không bán được, khả năng cạnh tranh giảm sút

+ Lợi nhuận giảm thì dù doanh thu tăng cũng không phải là dấu hiệu tốt mà ngược lại nó còn cho thấy công ty đang đầu tư vào những mảng kinh doanh kém hiệu quả.

Tỷ suất sinh lời tổng tài sản: Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản.

Khi xem xét chỉ tiêu này cần chú ý rằng: đối với doanh nghiệp có quy mô tài sản lưu động quá lớn, hoặc tỷ trọng vốn vay cao thì tỷ số này thường rất thấp do chi phí lãi vay cao làm lợi nhuận thấp.

  • Tỷ suất sinh lời tổng tài sản tăng là tốt nếu: công ty tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ vay làm giảm chi phí lãi vay nên lợi nhuận đạt được cao hơn.
  • Tỷ suất sinh lời tổng tài sản tăng là dấu hiệu thể hiện công ty làm ăn không hiệu quả nếu: công ty giảm nợ vay do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, doanh thu lợi nhuận giảm nhưng giảm thấp hơn tốc độ giảm tổng tài sản.
  • Tỷ suất sinh lời tổng tài sản giảm không phải là dấu hiệu tồi nếu: việc giảm là do công ty tăng VCSH nên tổng nguồn vốn tăng tương ứng tổng tài sản tăng, nhưng mức lợi nhuận tăng chậm hơn tăng TTS.
  • Tỷ suất sinh lời tổng tài sản giảm là dấu hiệu tồi nếu: công ty tăng nợ vay, vốn CSH giảm do kinh doanh lỗ vốn, hoặc HĐKD mở rộng những đầu tư vào những lĩnh vực không hiệu quả nên lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm so với trước.

Tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu.

Đây là chỉ số được các nhà đầu tư; cổ đông của doanh nghiệp quan tâm nhất vì nó phản ánh những gì mà họ sẽ được hưởng. Nếu Công ty đạt được một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn hợp lý, nó có thể.

  • Duy trì trả cổ tức đều đặn cho các cổ đông.
  • Duy trì tỷ lệ lợi nhuận để lại hợp lý cho sự phát triển của doanh nghiệp.
  • Tránh việc tìm kiếm các nguồn bổ sung từ bên ngoài có chi phí vốn cao.
  • Đưa ra một hình ảnh lành mạnh để thu hút đối tác, nhân viên và giới tài chính…

Kết quả tính toán tỷ suất này càng lớn chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn tự có càng cao. Ta thường dùng chi phí cơ hội của việc cho vay trên thị trường tiền tệ (trái phiếu kho bạc, tiền gửi tiết kiệm…) làm mốc so sánh với chỉ số trên để xác định hiệu quả vốn tự có. Một doanh nghiệp phải có tỷ số cao hơn lãi suất tiết kiệm thì mới được coi là đạt hiệu quả.

Việc xem xét chỉ tiêu này có 1 ý nghĩa quan trọng là xác định mục tiêu kinh doanh của ban lãnh đạo doanh nghiệp là tối đa hoá lợi nhuận hay tối đa hoá quy mô. Nếu doanh nghiệp có tỷ số này càng cao; lợi nhuận để lại càng lớn thì quy mô vốn tự có sẽ ngày càng tăng kết hợp với hoạt động đầu tư thận trọng; thì tỷ lệ VCSH/tổng nguồn vốn sẽ tăng dần, mức độ rủi ro cho vay của doanh nghiệp giảm. Ngược lại nếu doanh nghiệp có tỷ số này thấp; khả năng tích luỹ hạn chế; trong khi đó quy mô đầu tư mở rộng thì Doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn vay bên ngoài nhiều hơn sẽ làm cho tỷ trọng vốn CSH/tổng nguồn vốn giảm; kinh doanh không bền vững làm tăng rủi ro khi cho vay.

Tuy nhiên tỷ số này sẽ không phản ánh đúng thực chất doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay là chủ yếu, VCSH quá thấp.

Ngoài ra khi phân tích cần so sánh với tỷ số này năm trước.

Tỷ suất sinh lời vốn CSH tăng hay giảm chưa thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay không; mà quan trọng là xác định lý do làm tỷ số này tăng hay giảm để từ đó có kết luận phù hợp.

  • ROE tăng là tốt nếu lợi nhuận tăng, VCSH không bị giảm đi, thậm chí còn tăng lên.
  • ROE tăng là xấu nếu công ty kinh doanh thua lỗ; phải thu hẹp hoạt động, doanh thu giảm, lỗ vốn nên VCSH giảm; và VCSH giảm nhiều hơn lợi nhuận.
  • ROE giảm là tốt nếu cả lợi nhuận và VCSH đều tăng nhưng VCSH tăng nhanh hơn tốc độ tăng lợi nhuận.
  • ROE giảm là xấu nếu cả lợi nhuận và VCSH đều giảm do kinh doanh thua lỗ, thu hẹp quy mô…

Phân tích các chỉ tiêu về đòn bẩy tài chính

Hệ số nợ: Nợ phải trả / Vốn CSH

Tỷ lệ này càng nhỏ thì giá trị VCSH càng lớn, lại là nguồn vốn không hoàn trả; điều đó có nghĩa là khả năng tài chính của doanh nghiệp càng tốt. Nếu tỷ lệ này càng cao thì có một khả năng lớn là doanh nghiệp đang không thể trả được các khoản nợ theo những điều kiện tài chính thắt chặt; hoặc có sự kém cỏi trong quản lý; hoặc cũng có thể dòng tiền của doanh nghiệp sẽ kém đi do gánh nặng từ việc thanh toán các khoản lãi vay.

Trong trường hợp thanh lý giải thể doanh nghiệp, hệ số này cho biết mức độ được bảo vệ của các chủ nợ. Các chủ nợ được quyền ưu tiên đòi lại phần của mình trong tài sản của doanh nghiệp. Theo một số tài liệu thì tỷ suất này chỉ nên ở mức độ tối đa là 5.

Tuy nhiên, để xác định thực chất khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp; và mức độ phụ thuộc vào các khoản nợ thì cũng phải phân tích bản chất từng khoản nợ, chủ nợ là ai; và áp lực trả nợ như thế nào. Ví dụ có những khoản vốn của CSH bỏ vào kinh doanh; nhưng doanh nghiệp hạch toán vào phần nợ để tăng chi phí lãi vay, giảm lợi nhuận.

Tỷ suất tự tài trợ: VCSH / tổng nguồn vốn.

Tỷ số này càng cao; độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp càng giảm trên cả góc độ chủ sở hữu và ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp:

  • Tỷ lệ cao bảo đảm cho doanh nghiệp độc lập về mặt tài chính. Khi có những biến động không thuận lợi trên thị trường thì tác động đến lợi nhuận ít hơn do hệ số đòn bảy tài chính thấp.
  • Nhà quản lý được tin cậy và dễ dàng hơn khi tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài
  • Chi phí lãi vay thấp làm tăng chi trả cổ tức cho cổ đông.

Đối với ngân hàng, nếu tỷ suất này thấp:

    • Khả năng bù đắp tổn thất vốn vay từ VCSH của doanh nghiệp là rất thấp.
    • Chi phí lãi vay, áp lực thanh toán nợ gốc cao buộc ngân hàng phải luôn theo dõi tình hình thu hồi nợ vay, phát sinh chi phí.

</ul

Trên đây là tài liệu hướng dẫn phân tích tỷ số các chỉ số tài chính Doanh nghiệp do UB Academy tổng hợp và biên soạn. Hi vọng bạn đã được giải đáp những thắc mắc của mình. Đừng quên theo dõi chuyên mục điểm tin UB AcademyDiễn đàn U&Bank để cập nhật những tin tức mới nhất về ngành Ngân hàng.