Có thể bạn sẽ quan tâm
Công Việc Của Chuyên Viên Thẩm Định Tín Dụng tại Ngân hàng Là Gì?
- 1. Thẩm định tín dụng là gì?
- 2. Vai trò của Chuyên viên Thẩm định Tín dụng trong Quy trình cấp tín dụng
- 3. Công việc của Thẩm định Tín dụng là gì?
- 3.1. Thực hiện công tác thẩm định tín dụng:
- 3.2. Quản lý nợ (Quản lý trước/trong/sau cho vay):
- 3.3. Đóng góp ý kiến cho các quy trình/quy định có liên quan
- 3.4. Thực hiện các công việc khác có liên quan theo phân công của cấp trên.
- 4. Các nghiệp vụ cần nắm vững
- 4.1. Nghiệp vụ Tín dụng & tài trợ thương mại:
- 4.2. Nghiệp vụ đánh giá/định giá Tài sản đảm bảo (nếu có)
- 4.3. Nghiệp vụ Phân tích, đánh giá Tài chính doanh nghiệp
- 4.4. Nghiệp vụ cơ bản theo quy định trong các văn bản pháp luật
- 5. Cơ hội dành cho vị trí Thẩm định/Tái thẩm định
- 6. Áp lực của vị trí thẩm định tín dụng .
- 7. Lộ trình thăng tiến của chuyên viên Thẩm định tín dụng
- 8. Điều kiện trở thành Chuyên viên thẩm định
- 8.1. Kỹ năng
- 8.2. Phẩm chất
- 8.3. Kiến thức Nghiệp vụ
- 9. Yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng đối với nhân viên thẩm định tín dụng
- Kết luận
Thẩm định tín dụng về cơ bản là công việc back-office (tương tự vị trí Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng và Thanh toán Quốc tế), chịu trách nhiệm thẩm tra tính chính xác của hồ sơ mà Chuyên viên Quan hệ Khách hàng đưa lên. Cùng UB tìm hiểu thêm về vị trí này nhé.
1. Thẩm định tín dụng là gì?
Thẩm định tín dụng: Họ là ai? Thẩm định Tín dụng (hay còn được gọi bằng cái tên khác là: Chuyên viên Tái thẩm định, Chuyên viên Quản lý rủi ro… ) là 1 trong những vị trí tuyển dụng tương đối khắt khe trong Ngân hàng.
Đây là vị trí thường có xu hướng tuyển dụng nội bộ, ưu tiên việc điều chuyển những người có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng (như Chuyên viên Quan hệ Khách hàng cá nhân/doanh nghiệp, Hỗ trợ tín dụng), tuy nhiên trong những năm gần đây, các Ngân hàng có xu hướng cởi mở hơn trong việc triển khai tuyển dụng các ứng viên bên ngoài, với các tiêu chí chấp nhận Sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc những người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.
Về bản chất, Chuyên viên thẩm định tín dụng là công việc back-office (tương tự vị trí Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng và Thanh toán Quốc tế), chịu trách nhiệm thẩm tra tính chính xác của hồ sơ mà Chuyên viên Quan hệ Khách hàng đưa lên, đánh giá tính khả thi của hồ sơ (xem xét nguồn tài chính của khách hàng), tính phù hợp của phương án/mục đích vay vốn theo quy định của Ngân hàng theo từng sản phẩm, theo từng thời kỳ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Vị trí này tại các ngân hàng được chia làm nhiều bộ phận như:
- Thẩm định tín dụng cá nhân
- Thẩm định tín dụng doanh nghiệp SME
- Thẩm định tín dụng Doanh nghiệp lớn
- Thẩm định Doanh nghiệp nước ngoài (FDI)
Với mong muốn làm rõ hơn các thông tin có liên quan đến vị trí, UB Academy xin tiếp cận trên 7 góc độ chính:
- 1/ Vai trò của Chuyên viên Thẩm định trong Quy trình cấp tín dụng
- 2/ Công việc của Thẩm định Tín dụng là gì?
- 3/ Các nghiệp vụ cần nắm được
- 4/ Cơ hội
- 5/ Áp lực
- 6/ Lộ trình thăng tiến
- 7/ Điều kiện để trở thành 1 Chuyên viên Thẩm định
2. Vai trò của Chuyên viên Thẩm định Tín dụng trong Quy trình cấp tín dụng
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về Công việc của Chuyên viên Thẩm định Tín dụng, chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua 1 chút về Quy trình cấp tín dụng tại Ngân hàng.
Quy trình cấp tín dụng về bản chất là bảng tổng hợp mô tả công việc của Ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của Khách hàng cho đến khi quyết định cấp tín dụng, giải ngân, thu nợ và thanh lý Hợp đồng tín dụng. Quy trình tín dụng chỉ rõ mối quan hệ giữa các bộ phần có liên quan trong hoạt động tín dụng, theo đó có sự liên quan của 4 bộ phận:
- Bộ phận kinh doanh: Gồm Chuyên viên Quan hệ Khách hàng và Trưởng phòng/Phó phòng kinh doanh
- Bộ phận Thẩm định: Gồm Chuyên viên Thẩm định và Trưởng phòng/Phó phòng Thẩm định
- Đơn vị phê duyệt: Gồm Giám đốc/Phó giám đốc Chi nhánh
- Bộ phận Hỗ trợ: Gồm Chuyên viên Hỗ trợ tín dụng & Trưởng phòng/Phó phòng Hỗ trợ
Thực tế, có 3 mô hình cấp tín dụng cơ bản, các bạn nên tìm hiểu qua các bài viết tiếp theo. Tuy nhiên, để đơn giản, chúng ta đi phân tích 1 mô hình Tổng quan nhất, gọi là Mô hình cấp tín dụng Phân tán – áp dụng triển khai với khá nhiều Ngân hàng TMCP hiện tại.
Mô hình cấp tín dụng Phân tán được thực hiện như sau:
- Tại bộ phận kinh doanh:
- B1: Chuyên viên Quan hệ Khách hàng đánh giá thực tế khách hàng, thu nhập hồ sơ KH & hoàn thành Báo cáo Đề xuất tín dụng
- B2: Trình ký cấp Kiểm soát là Trưởng phòng/Phó phòng kinh doanh
- Tại bộ phận Thẩm định:
- B3: Chuyên viên Thẩm định đánh giá lại hồ sơ KH: Phân tích đánh giá trên hồ sơ, Báo cáo đề xuất tín dụng của Chuyên viên Quan hệ Khách hàng & đánh giá thực tế khách hàng =>Ra Quyết định đồng ý/từ chối cho vay trong Báo cáo Thẩm định Khách hàng
- Tại phòng của cấp Phê duyệt:
- B4: Căn cứ theo Báo cáo đề xuất tín dụng, Báo cáo Thẩm định KH, Giám đốc/Phó giám đốc Chi nhánh ra quyết định phê duyệt/từ chối hồ sơ
- Tại bộ phận Hỗ trợ
- B5: Trường hợp hồ sơ được phê duyệt, Chuyên viên Hỗ trợ tín dụng tiến hành soạn hồ sơ
- B6: Ký Khách hàng và giải ngân
- B7: Chăm sóc sau giải ngân: Nhắc nợ/Thu nợ
Mô hình trên bóc tách vai trò rõ ràng giữa từng bộ phận trong Quy trình cấp tín dụng. Theo đó, vai trò của Thẩm định được hiểu như 1 đơn vị đánh giá khách quan, độc lập, đưa ra quan điểm riêng biệt, đôi khi có phần trái chiều với ý kiến của Quan hệ Khách hàng.
Việc có nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn cho 1 khoản vay giúp người phê duyệt có thêm được các phương án, các lựa chọn trong việc ra quyết định nhằm rào chắn các rủi ro tín dụng.
Như vậy, hiểu đơn giản, Thẩm định Tín dụng giúp Kiểm soát và Giảm thiểu các rủi ro.
Tuy nhiên, Đặc biệt ở các ngân hàng Big4 (NHTM Nhà nước), không tách biệt Bộ phận Thẩm định như mô tả phía trên. Với các ngân hàng này, Chuyên viên Quan hệ Khách hàng thường làm luôn các công việc của Thẩm định & Hỗ trợ tín dụng. Được hiểu, Chuyên viên Quan hệ Khách hàng tiếp nhận hồ sơ KH, tự thẩm định, tự trình ký phê duyệt và tự soạn hồ sơ giải ngân. Theo nhiều quan điểm đánh giá, quy trình trên tương đối mạo hiểm, ẩn chứa các rủi ro khi Chuyên viên Quan hệ Khách hàng “thông đồng” với KH.
Tuy nhiên, theo xu thế chuyển dịch Quản trị rủi ro, hiện các ngân hàng Big4 cũng đang dần có sự chuyển dịch về mô hình, qua đó hình thành nên các đơn vị Thẩm định/giám sát rủi ro tín dụng.
3. Công việc của Thẩm định Tín dụng là gì?
Có thể mô tả đơn giản công việc của Chuyên viên Thẩm định Tín dụng qua 2 từ “Soi & Xét”. Nhiệm vụ của họ là đưa ra các nghi ngờ, thảo luận với Chuyên viên Quan hệ Khách hàng, đánh giá xem xét thực tế khách hàng để đưa ra kết luận. Với các kết luận đã giải quyết được các nghi ngờ, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng đồng ý phương án vay vốn & trình cấp phê duyệt.
Về chi tiết, công việc cụ thể của Chuyên viên Thẩm định tín dụng được mô tả như sau:
3.1. Thực hiện công tác thẩm định tín dụng:
- Tiếp nhận thông tin, hồ sơ của khách hàng từ các Chuyên viên Quan hệ khách hàng
- Trực tiếp thẩm định hồ sơ & thẩm định thực tế khách hàng, lập tờ trình thẩm định khách hàng, đánh giá khách hàng dựa trên các yếu tố
- Đánh giá nhân thân, tư cách, pháp lý
- Đánh giá năng lực tài chính
- Đánh giá mục đích vay vốn
- Đánh giá phương án trả nợ
- Đánh giá tài sản bảo đảm: Tính pháp lý
- Đánh giá lịch sử trả nợ
- Chấm điểm xếp hạng tín dụng, cập nhật, rà soát chấm điểm tín dụng theo quy định;
- Định giá/phối hợp với bộ phận định giá (AMC) định giá TSBĐ của khách hàng (*) (mô tả chi tiết ở phía dưới);
- Tác nghiệp, luân chuyển hồ sơ trên hệ thống;
- Đưa ra ý kiến độc lập về việc đồng ý hay không đồng ý với khoản cấp tín dụng, đánh giá nhận xét mức độ rủi ro của việc cấp tín dụng. Đề xuất các điều kiện/biện pháp phòng chống rủi ro khi thống nhất cấp tín dụng cho khách hàng.
3.2. Quản lý nợ (Quản lý trước/trong/sau cho vay):
- Thường xuyên phối hợp cán bộ Quan hệ Khách hàng cập nhật thông tin khách hàng, đề xuất kịp thời các giải pháp tín dụng nhằm bảo đảm an toàn vốn vay;
- Phối hợp với cán bộ Quan hệ Khách hàng kiểm tra, giám sát khách hàng trước, trong và sau khi cấp tín dụng;
- Trình giải quyết các vấn đề liên quan tới biện pháp xử lý nợ khi có phát sinh;
- Xây dựng phương án xử lý nợ quá hạn. Phối hợp bộ phận xử lý nợ có vấn đề tại chi nhánh phân tích thực trạng chất lượng nợ có vấn đề, đề xuất biện pháp xử lý,…;
3.3. Đóng góp ý kiến cho các quy trình/quy định có liên quan
- Tham gia đóng góp ý kiến đối với tất cả các văn bản về chính sách có liên quan đến công việc thẩm định/phê duyệt của trung tâm
- Tham gia đóng góp ý kiến đối với tất cả các sản phẩm tín dụng do các Khối Khách hàng cá nhân/SME xây dựng
- Tham gia xây dựng các văn bản về quy trình thẩm định, phê duyệt. hướng dẫn thẩm định cho từng sản phẩm tín dụng, hướng dẫn thực địa…
3.4. Thực hiện các công việc khác có liên quan theo phân công của cấp trên.
(*) Đặc biệt với trường hợp Định giá tài sản:
Thực tế, với nhiều Ngân hàng TM hiện nay, việc định giá tài sản sẽ được phân công vào 1 trong 4 bộ phận sau:
- Chuyên viên Quan hệ Khách hàng tự định giá
- Chuyên viên Thẩm định tín dụng định giá tài sản trong quá trình Thẩm định
- Chuyên viên Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng định giá tài sản
- Bên thứ 3 độc lập phụ trách việc định giá
Hiện tại, khá nhiều Ngân hàng đang giao trách nhiệm định giá cho Chuyên viên Thẩm định. Thậm chí, có 1 vị trí chuyên định giá tài sản có tên gọi “Chuyên viên Thẩm định tài sản”.
Về bản chất, công việc này cơ bản bao gồm:
- Thẩm định giá trị các tài sản gồm bất động sản (Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, …) động sản (máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, …) phục vụ mục đích cấp tín dụng, xử lý nợ, mua sắm tài sản và các mục đích khác.
- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của bộ chứng từ tài sản cần Thẩm định.
- Xác định tính Xác thực các thông tin về tài sản cần Thẩm định theo bộ chứng từ sở hữu.
- Khảo sát, nghiên cứu thị trường, thu thập dữ liệu thị trường tài sản được giao Thẩm định, tổng hợp các thông tin và phân tích biến động thị trường.
- Điều tra, thu thập, cập nhật thông tin về giá đất thị trường địa bàn từ các nguồn thông tin: Báo chí, mạng internet, cá nhân/đơn vị kinh doanh, môi giới động sản, bất động sản, định giá,…
4. Các nghiệp vụ cần nắm vững
Với bản chất, công việc của Thẩm định Tín dụng là đi điều tra, đánh giá, “Super-soi”| tất cả những thông tin mà Chuyên viên Quan hệ Khách hàng cung cấp.
Để đánh giá sự chính xác, Đúng/Sai giữa những thông tin được tiếp nhận, hiển nhiên Chuyên viên Thẩm định Tín dụng phải là những người nắm rất vững nghiệp vụ Ngân hàng. Theo đó, Chuyên viên Quan hệ Khách hàng biết gì, thì Chuyên viên Thẩm định Tín dụng phải “biết nhiều hơn thế”.
Về tổng quan, có 4 mảng nghiệp vụ căn bản mà 1 Chuyên viên Thẩm định Tín dụng cần phải nắm bắt được, như sau:
4.1. Nghiệp vụ Tín dụng & tài trợ thương mại:
Các kiến thức về cấp tín dụng thường nhiều, đa dạng. Tuy nhiên, về cơ bản, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng cần nắm được các kiến thức tổng quan về nghiệp vụ tín dụng như sau:
- Hình thức cấp tín dụng: Cho vay, Bảo lãnh, Chiết khấu, Bao thanh toán…
- Loại hình cho vay: Cho vay ngắn hạn, trung dài hạn
- Phương thức cho vay: Cho vay từng lần, hạn mức tín dụng, thấu chi, hợp vốn..
- Đối tượng cấp tín dụng/ Hạn chế/Không cho vay
- Giới hạn cấp tín dụng
- Bảo lãnh
- Phương thức Thanh toán Quốc tế: Chuyển tiền TTr, Nhờ thu, L/C (L/C UPAS, L/C trả ngay, L/C trả chậm)
- Phương tiện Thanh toán Quốc tế: Hối phiếu, Séc
- Quy trình cấp tín dụng cơ bản: Gồm 3 loại Quy trình (Phân tán, Tập trung, Khác biệt) – sẽ được mô tả kỹ lưỡng trong các bài viết sau
4.2. Nghiệp vụ đánh giá/định giá Tài sản đảm bảo (nếu có)
- Đánh giá yếu tố pháp lý, tính sở hữu tài sản bảo đảm, tính hợp pháp, tính thanh khoản/phát mại của tài sản.
- Đánh giá tính phù hợp với Khẩu vị rủi ro của Ngân hàng
- Nguyên tắc định giá Tài sản đảm bảo
- Tính phù hợp giữa mức cho vay/giá trị Tài sản đảm bảo
4.3. Nghiệp vụ Phân tích, đánh giá Tài chính doanh nghiệp
- Phân tích các nhóm chỉ số tài chính căn bản
- Bóc tách các khoản mục trong các loại Báo cáo tài chính
- Đánh giá tính phù hợp của từng loại chỉ số trong tổng quy mô, từ đó phần nào đánh giá được “Sức khoẻ tài chính” của 1 doanh nghiệp
4.4. Nghiệp vụ cơ bản theo quy định trong các văn bản pháp luật
Tương tự với vị trí Chuyên viên Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng là những người phải nắm rất chắc về Luật, Quy chế, Quy định nội bộ – và thường là người tư vấn về Luật, quy định cho Chuyên viên Quan hệ Khách hàng. Về Luật, có 3 mảng kiến thức về Luật mà 1 Chuyên viên Thẩm định Tín dụng cần phải nắm được, bao gồm:
- Mảng thứ nhất: Chính là các kiến thức về pháp luật Chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật hôn nhân gia đình, Luật thừa kế… cũng như các VB pháp luật khác có liên quan.
- Mảng thứ hai: Chính là nhóm các VB pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng, ở đây liên quan chính đến công việc phát triển hoạt động Tín dụng gồm:
- Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010: Văn bản quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động của các Tổ chức Tín dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN: Văn bản quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động cho vay
- Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về Phân loại nợ và trích lập Dự phòng rủi ro
- Nghị định 21/2021/ND-CP quy định về giao dịch bảo đảm
- Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về Bảo lãnh Ngân hàng
- Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005 quy định về các Công cụ chuyển nhượng
- Thông tư 04/2013/TT-NHNN quy định Chiết khấu Công cụ chuyển nhượng
- UCP 600 quy định về phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
- Incoterms 2010
- URC 522 quy định về phương thức thanh toán Nhờ thu…
- Mảng thứ 3: Đó là các văn bản nội bộ của Ngân hàng gồm có:
- Quy chế cho vay của Ngân hàng
- Quy trình thực hiện các hoạt động cấp tín dụng.
- Quy định về các sản phẩm tín dụng, hoạt động giao dịch có liên quan tới tín dụng.
5. Cơ hội dành cho vị trí Thẩm định/Tái thẩm định
Với vị trí Chuyên viên Thẩm định Tín dụng, bài toán cơ hội được thể hiện qua 5 yếu tố:
- Thứ 1, Khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề: Đây là điều đầu tiên & quan trọng nhất mà 1 Chuyên viên Thẩm định Tín dụng có thể đạt được. Theo đó, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng là người nắm vững rất nhiều kiến thức, nghiệp vụ, văn bản về pháp luật, quy trình. Công việc này đòi hỏi những người làm việc cần phải tư duy chắc chắn trên nền tảng kiến thức rộng, tổng hợp nhiều vấn đề để đưa ra phương án tư vấn giải quyết. Đồng thời, khi tiếp cận với các phương án đề xuất của Chuyên viên Quan hệ Khách hàng, dựa trên những thông tin đã cung cấp trên hồ sơ, thực tế & khai thác từ Quan hệ Khách hàng, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng phải đánh giá nhanh chóng, đưa ra các biện pháp rào chắn rủi ro, và là người đưa ra các đề xuất để cân bằng được lợi ích và rủi ro đối với ngân hàng. Vì vậy, thường những người trong nghề vẫn nói vui với nhau “Làm thẩm định được thì đầu phải rất TO”.
- Thứ 2, Các bạn sẽ Được làm việc tại môi trường tốt, năng động, trẻ trung: Môi trường Ngân hàng hiện tại nói chung và vị trí Thẩm định Tín dụng nói riêng thường xuyên được tương tác và làm việc với những người trẻ, năng động, tính tương tác cao. Do tính chất công việc đòi hỏi tính rõ ràng, thẳng thắn, minh bạch vì thế cho phép nhân viên được khuyến khích thảo luận, góp ý, xây dựng và bảo vệ quan điểm.
- Thứ 3, Công việc ổn định: Tính chất các công việc Back-office thường có tính ổn định, gắn bó cao. Công việc có sự tuân thủ, tuân theo quy trình đã ban hành.
- Thứ 4, Thu nhập khá tốt so với mặt bằng chung: Hầu hết các ngân hàng đều có lương và thưởng khá tốt so với các doanh nghiệp bên ngoài. Về cơ bản. các công việc liên quan đến Back-office thường nhận lương và thưởng kinh doanh thấp hơn so với các vị trí trực tiếp bán hàng. Tuy nhiên, sự chênh lệch không quá nhiều. Nếu bạn làm vị trí Thẩm định tại các Trung tâm Thẩm định thuộc Hội Sở ngân hàng, mức thu nhập của bạn thậm chí còn cao hơn so với vị trí Chuyên viên Quan hệ Khách hàng tại các đơn vị kinh doanh.
- Thứ 5, Cơ hội thăng tiến: Đặc biệt rõ rệt tại các Ngân hàng TMCP quy mô vừa & trung bình tại Việt Nam. Theo đó, các Ngân hàng trên ưu tiên trao cơ hội, bổ nhiệm cho những người trẻ tuổi, năng động, quyết liệt trong công việc. Được hiểu, nếu bạn hoàn thành tốt công việc được giao, teamwork tốt, hoạt động Đoàn thể ngoại giao khác, cơ hội thăng tiến của bạn tương đối rõ rệt.
6. Áp lực của vị trí thẩm định tín dụng .
Về cơ bản, bên cạnh Cơ hội, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng cũng luôn phải chịu những áp lực công việc sau:
- Thứ 1, Áp lực về thời gian & độ chính xác:
- Chuyên viên Thẩm định Tín dụng thực hiện xử lý phần công việc nằm giữa trong Quy trình cấp tín dụng đã mô tả phía trên.
- Ngay từ khi nhận được hồ sơ và đề xuất từ phía Chuyên viên Quan hệ Khách hàng, Chuyên viên TĐ đã phải thực hiện xử lý công việc.
- Chuyên viên TĐ tiến hành đánh giá, cho ý kiến, trình ký cấp phê duyệt và chuyển hồ sơ sang bộ phận Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng soạn hồ sơ giải ngân. Nếu Chuyên viên TĐ làm chậm trễ, thời gian ra ý kiến đồng ý/từ chối lâu, mất nhiều thời gian, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả 1 quy trình cấp tín dụng cho khách hàng.
- Bài toán đặt ra là phải làm nhanh chóng, đánh giá phân tích đầy đủ khía cạnh của khách hàng, thực tế khách hàng nếu cần thiết và sớm đưa ra ý kiến trong Báo cáo thẩm định để trình cấp phê duyệt, đảm bảo tiến độ giải ngân theo yêu cầu của các KH khó tính.
- Hiện tại, các Ngân hàng hiện tại đều ban hành bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện công việc (SLA) hoặc chỉ tiêu về hoàn thành công việc (KPI), theo đó từng bước thực hiện công việc của Chuyên viên Thẩm định Tín dụng sẽ được quản lý, phân định rõ theo từng khoảng thời gian cụ thể (Ví dụ: Thời gian từ lúc nhận đầy đủ hồ sơ từ bên kinh doanh chuyển sang đến lúc hoàn thành xong Báo cáo thẩm định tín dụng chậm nhất sau 8h làm việc, nếu quá 8h làm việc mà công việc chưa được xử lý xong, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng sẽ bị phạt hoặc trừ điểm đánh giá.
- Chính vì áp lực từ phía Khách hàng, từ phía Chuyên viên Quan hệ Khách hàng, từ phía bộ chỉ tiêu SLA, KPI, nên không tránh khỏi phát sinh những sai sót. Sai sót trong việc Thẩm định sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các Rủi ro tín dụng phát sinh sau này.
- Và như 1 vấn đề muôn thuở đối với mọi vị trí khác, Bài toán luôn luôn phải cố gắng Thực hiện Nhanh và Chính xác.
- Thứ 2, Áp lực về trách nhiệm công việc: Trường hợp Chuyên viên Chuyên viên Hỗ trợ Tín dụng thẩm định sơ sài, cấu kết với khách hàng & Chuyên viên Quan hệ Khách hàng trong việc làm sai lệch hồ sơ so với thực tế, không thực hiện đúng và đủ các quy định của Ngân hàng. Khi khách hàng phát sinh nợ xấu, dẫn tới không thu hồi được nợ, chính việc thiếu trách nhiệm hoặc cố tình làm sai lệch sẽ gây ra những sai sót rất nghiêm trọng trong việc cấp tín dụng của khách hàng. Khi phát sinh rủi ro, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng sẽ là người phải chịu trách nhiệm với những lỗi lầm của mình. Rất nhiều các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động Ngân hàng gần đây có sự cấu kết, ăn chia giữa Chuyên viên Quan hệ Khách hàng & Chuyên viên Thẩm định Tín dụng.
- Thứ 3, Cường độ công việc: Về cơ bản, làm Ngân hàng không nhàn – đối với mọi vị trí (ngay cả những vị trí cơ bản như lao công hay bảo vệ – có quy chuẩn riêng biệt quy định), và vị trí Thẩm định Tín dụng cũng không tránh khỏi áp lực về cường độ công việc. Vào những thời điểm các đơn vị kinh doanh chốt số liệu cuối kỳ (thường là 6 tháng hoặc cuối năm 31/12), các Chuyên viên Thẩm định Tín dụng phải xử lý nhiều hồ sơ gấp, liên tục, khách hàng phức tạp. Áp lực dồn dập cũng là 1 phần tạo nên tâm trạng “khó tính”, mệt mỏi khi bị dồn ép liên tục. Đây chính là nỗi sợ hãi của rất nhiều những người mới, còn ít kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nội bộ.
7. Lộ trình thăng tiến của chuyên viên Thẩm định tín dụng
Lộ trình thăng tiến của Thẩm định Tín dụng được mô tả cơ bản theo số năm kinh nghiệm làm việc, với điều kiện hoàn thành được chỉ tiêu đề ra tại các kỳ đánh giá.
- Từ 0 – 2 năm đầu tiên: Nhân viên/ Chuyên viên Thẩm định
- Từ 2 – 4 năm: Chuyên viên/Chuyên viên chính/ Kiểm soát
- Từ 4 – 6 năm: Chuyên viên cao cấp/Trưởng/phó phòng Thẩm định tại Chi nhánh/ Trưởng bộ phận tại Hội sở
- Từ 6 – 8 năm: Trưởng/Phó phòng Thẩm định tại Hội sở
- > 8 năm: Các vị trí khác tại Hội Sở (Phó GĐ Khối/ Giám Đốc Khối Thẩm định/ Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Thẩm định)
Thực tế, trong quá trình công tác, Chuyên viên Thẩm định Tín dụng có sự điều chuyển sang các vị trí như Chuyên viên Quan hệ Khách hàng, Chuyên viên Hỗ trợ tín dụng, Chuyên viên Kiểm soát tuân thủ/Kiểm soát nội bộ… Tùy thuộc vào định hướng của mỗi cá nhân..
8. Điều kiện trở thành Chuyên viên thẩm định
Chuyên viên thẩm định là người đưa ra các biện pháp rào chắn các rủi ro tín dụng dựa trên hồ sơ & thông tin mà Chuyên viên Quan hệ Khách hàng cung cấp. Chính vì vậy, để trở thành Chuyên viên Thẩm định Tín dụng, cần có 1 vài điều kiện đặc thù như sau:
8.1. Kỹ năng
- Khả năng làm việc độc lập/làm việc theo nhóm tốt;
- Kỹ năng phân tích, tổng hợp phục vụ mục đích phân tích, thẩm định và giám sát tín dụng;
- Thành thạo tin học văn phòng (Excel, Word, Powerpoint)
- Kỹ năng– Khả năng nắm bắt công việc nhanh, sắp xếp và xử lý công việc tốt
8.2. Phẩm chất
- Ngoại hình: Vị trí Thẩm định Tín dụng không yêu cầu cao về ngoại hình của ứng viên. Các bạn Nam/Nữ không đủ chiều cao tối thiểu là 1m65 với Nam & 1m58 với Nữ hoàn toàn có thể ứng tuyển. Tuy nhiên, do tính chất tác nghiệp nội bộ & 1 phần với khách hàng (trong những lần đi Thẩm định thực tế), nên Ngân hàng ưu tiên các bạn có ngoại hình sáng, khuôn mặt thể hiện sự tin tưởng, cẩn thận, hoặc có ý thức và biết cách trang điểm hợp lý.
- Trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ
- Chắc chắn, có xu hướng an toàn.
- Thái độ cầu thị trong công việc.
8.3. Kiến thức Nghiệp vụ
- Nắm bắt nền tảng cơ bản về Tín dụng, Tài chính, Am hiểu về pháp luật
- Kiến thức về Ngân hàng: Sản phẩm dịch vụ ngân hàng, Văn bản nghiệp vụ liên quan..
- Hiểu biết về pháp luật xã hội nền kinh tế Việt Nam, thị trường các ngành nghề, đặc điểm sản xuất kinh doanh, đặc điểm của các đối tượng khách hàng.
- Ưu tiên ứng viên hiểu biết về các hệ thống xếp hạng tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng và thu hồi nợ, hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tại các NHTM trong và ngoài nước;
- Trình độ: Tốt nghiệp Đại học trở lên chuyên ngành Kinh tế; Quản trị Kinh doanh; Tài chính/Ngân hàng, Đầu tư…
- Kinh nghiệm: Thông thường, trong các tin đăng tuyển, các Ngân hàng thường ưu tiên những người có Tối thiểu 02 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thường là những Chuyên viênQuan hệ Khách hàng chuyển sang. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vị trí này đã cởi mở hơn trong việc tuyển dụng những người chưa có kinh nghiệm hay các bạn sinh viên mới ra trường.
9. Yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng đối với nhân viên thẩm định tín dụng
Chuyên viên thẩm định tín dụng sẽ là người đánh giá thẩm định và đưa ra quan điểm xét duyệt về khả năng vay, giới hạn vay của khách hàng. Người này đòi hỏi phải có chuyên môn, kỹ năng phân tích, chuyên môi trong ngành để có sự hiểu biết nhất định.
Họ sẽ là người góp phần mang đến hiệu quả hoạt động cho ngân hàng, phòng tránh những rủi ro. Vậy bạn có biết yêu cầu tối thiểu về bằng cấp của nhân viên thẩm định tín dụng là gì hay không nào? Để UB Academy giải đáp ngay đây.
Nhân viên thẩm định tín dụng hay nhân viên tái thẩm định, quản lý rủi ro cần phải có bằng Cử nhân trở lên các ngành liên quan đến kinh tế, tài chính. Các ngành như ngân hàng, quản trị kinh doanh, đầu tư,… có kiến thức chuyên môn để đảm bảo hiệu quả công việc.
Vị trí này đòi hỏi người ứng tuyển phải có kinh nghiệm từ 1 – 2 năm, phải có các hiểu biết sâu rộng chuyên môn về tín dụng, hiểu biết về pháp luật, chuyên chính, tỉ mỉ, và có óc trực quan.
Trong số đó chúng ta có thể liệt kê như: thẩm định ngân hàng là gì, tín dụng là gì, hình thức tín dụng, phương án định giá tài sản là gì, quy định của pháp luật về tín dụng, rủi ro của hợp đồng,….
Kiến thức nghiệp vụ là điều hết sức cần thiết đối với một nhân viên thẩm định tín dụng. Điều này giúp người làm công tác thẩm định đánh giá chính xác, cẩn trọng, tỉ mỉ và có độ an toàn cao.
Như vậy, với những điều kiện trên, chúng ta có thể tự đánh giá Thẩm định Tín dụng sẽ không hợp với những cá nhân có những đặc điểm cơ bản như:
- Không có sức khoẻ
- Không thích hợp với sự tỉ mẩn, kỹ lưỡng, chắc chắn.
- Không muốn làm những công việc chỉ ngồi 1 chỗ
- Hoặc những cá nhân có cá tính mạnh, thích sự thay đổi, bay nhảy
Kết luận
Trên đây là tổng hợp chi tiết về công việc của một Chuyên viên Thẩm định Tín dụng. Hy vọng bài viết do UB Academy biên soạn đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc của mình. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kiến thức của UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật tin tức mới về ngành.