Có thể bạn sẽ quan tâm
Các Cơ Chế Quản Lý Vốn Trong Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại
- 1. Thực trạng các Ngân hàng Thương mại cổ phần
- 2. Cơ chế quản lý vốn cũ
- 2.1. Nội dung của cơ chế quản lý vốn cũ
- 2.2. Hạn chế của cơ chế quản lý vốn cũ
- 3. Cơ chế quản lý vốn tập trung (FTP)
- 3.1. Khái niệm cơ chế quản lý vốn tập trung
- 3.2. Mục đích của cơ chế quản lý vốn tập trung
- 3.3. Nội dung cơ chế quản lý vốn tập trung
- 3.4. Đánh giá kết quả hoạt động của chi nhánh
- 3.5. Những ưu điểm của cơ chế FTP
Cơ chế quản lý vốn trọng hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé.
1. Thực trạng các Ngân hàng Thương mại cổ phần
Cách đây không lâu, các Ngân hàng Thương mại cổ phần vẫn thực hiện công tác quản trị và sử dụng nguồn vốn theo từng chi nhánh; không có nguyên tắc thống nhất cho các chi nhánh trong cùng một ngân hàng. Tình trạng này gây nên hiện tượng có những chi nhánh rất tốt về khả năng thanh khoản; thậm chí thừa vốn, không có đầu ra. Trong khi đó, lại có những chi nhánh lâm vào tình trạng thâm hụt thanh khoản trầm trọng; phải vay lại từ Hội sở Ngân hàng hoặc tổ chức khác với lãi suất cao.
Cơ chế quản lý vốn tập trung khắc phục được tình trạng này trên cơ sở quản lý tập trung rủi ro và nguồn vốn. Ý thức được điều đó, nhiều Ngân hàng thương mại cổ phần đã áp dụng cơ chế quản lý vốn tập trung (FTP – Fund Transfer Pricing) trong toàn bộ hệ thống.
Cơ chế FTP chuyển cơ chế quản lý vốn nội bộ cũ từ cơ chế “vay – gửi” sang cơ chế “mua – bán” vốn. Qua đó áp dụng một giá điều chuyển vốn nội bộ thống nhất cho tất cả các chi nhánh trong cùng một ngân hàng; làm cơ sở xác định thu nhập và chi phí chính xác cho từng chi nhánh. Và quan trọng là quản lý được các rủi ro trong công tác quản lý vốn như rủi ro lãi suất; rủi ro thanh khoản.
2. Cơ chế quản lý vốn cũ
Các chi nhánh thực hiện quản lý vốn độc lập thông qua hoạt động của phòng đầu mối tại từng chi nhánh; tự cân đối trên cơ sở tuân thủ các quy định của ngành và của hệ thống về quản lý rủi ro; quản lý thanh khoản và dự trữ bắt buộc. Chi nhánh phải mở tài khoản tại ngân hàng nhà nước địa phương để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tức thời và an toàn vốn.
2.1. Nội dung của cơ chế quản lý vốn cũ
- Hoạt động theo cơ chế “vay-gửi” với lãi suất điều chuyển vốn nội bộ.
- Các Chi nhánh chỉ chuyển/nhận vốn phần chênh lệch giữa Tài sản nợ và Tài sản có. Hội sở chính chỉ nhận / chuyển vốn đối với phần dư thừa/thiếu hụt của chi nhánh.
- Lãi suất điều chuyển vốn nội bộ cũng chỉ áp dụng cho phần chênh lệch này.
- Mọi rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, dự trữ bắt buộc và phí bảo hiểm tiền gửi đều do chi nhánh chịu.
2.2. Hạn chế của cơ chế quản lý vốn cũ
- Phi tập trung hóa công tác huy động vốn
Theo cơ chế này, chi nhánh hoạt động một cách độc lập tương đối. Mỗi chi nhánh có bảng cân đối riêng; trong đó, phân loại tài sản nợ và tài sản có theo kỳ hạn và theo mức độ rủi ro. Nếu như tách biệt vấn đề về hạch toán; có thể coi mỗi chi nhánh như một ngân hàng độc lập. Và nếu như trên cùng một địa bàn có nhiều hơn một chi nhánh của một ngân hàng; thì bản thân các chi nhánh đó cũng cạnh tranh với nhau tương tự như đối với một ngân hàng khác.
Thực tiễn quản trị dễ dàng đối với trụ sở chính của các Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam là giao chỉ tiêu kế hoạch cho các chi nhánh của mình; trong đó yêu cầu các chi nhánh của mình phải đạt các chỉ tiêu về tài sản có, tài sản nợ và theo đó là lợi nhuận. Thông thường kèm theo đó không bao gồm cả hỗ trợ về quản trị rủi ro, đặc biệt rủi ro thanh khoản.
Một số ngân hàng thường yêu cầu chi nhánh của mình làm luôn việc tự cân đối tài sản nợ và tài sản có; song phần lớn là nguồn vốn huy động và cho vay tín dụng. Trong khi đó, ở cấp độ chi nhánh; việc quản lý rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản là không thể thực hiện hiệu quả. Chính việc phi tập trung hóa công tác quản lý vốn này khiến bản thân ngân hàng gặp phải rủi ro cực lớn.
- Thứ nhất, rủi ro lãi suất:
Do các chi nhánh được yêu cầu tự cân đối vốn kinh doanh theo nghĩa tự huy động tài sản nợ chi nhánh (tiền gửi dân cư và tiền gửi doanh nghiệp) để dùng làm nguồn cho các tài sản có của chi nhánh (chủ yếu là cho vay thương mại cho vay tiêu dùng, tài trợ thương mại…); một biến động tương đối lớn trong lãi suất áp dụng cho tài sản nợ trong khi mức lãi suất của tài sản có có độ trễ lớn hơn sẽ ngay lập tức tạo ra áp lực lên hoạt động kinh doanh của chính chi nhánh gây ra rủi ro lãi suất.
Đối với loại rủi ro này; một số Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam áp dụng cơ chế khống chế trần lãi suất huy động; và sàn lãi suất cho vay như hình thức quản trị kiểu song sắt. Cơ chế này dẫn đến hệ quả tất yếu là cạnh tranh trong chính nội bộ các chi nhánh trong cùng một hệ thống ngân hàng đối với nguồn vốn rẻ (ví dụ: tiền gửi không kì hạn); và dự án cho vay đối với khách hàng tốt. Trong khi đó, vai trò trụ sở chính của ngân hàng trong kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh hầu như không có.
- Thứ hai, rủi ro thanh khoản:
Phổ biến nhất khi tài sản Nợ tại chi nhánh đáo hạn với kì hạn vốn ngắn hơn kế hoạch (hay còn gọi là đoản vốn) khiến chi nhánh không có khả năng chi trả các khoản rút tài sản Nợ đó.
- Thứ ba, rủi ro tín dụng:
Đây là rủi ro mang tính gián tiếp nhưng lại là nguy cơ mất vốn lớn nhất; vì bản thân cán bộ làm công tác khách hàng tại chi nhánh vừa phải đi lo về nguồn vốn huy động; vừa phải trực tiếp bán các sản phẩm tín dụng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khâu quản lý rủi ro; thẩm định hồ sơ và giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Trong khi đó, về mặt nguyên tắc; các cán bộ này chỉ cần lo khâu khách hàng vay vốn.
- Không có mô hình phân tích hiệu quả theo bộ phận kinh doanh
Mô hình tổ chức của các Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ so với trước đây; đặc biệt đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần vốn tiền thận là các ngân hàng quốc doanh. Sự thay đổi này chủ yếu theo cách hướng trọng tâm phục vụ vào khách hàng; theo đó, các phòng chức năng tại trụ sở chính và chi nhánh được lập theo từng phân đoạn thị trường nhất định để kinh doanh.
Ví dụ: bộ phận khách hàng doanh nghiệp, bộ phận khách hàng cá nhân… Nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu hướng tới những cái mà họ gọi là “thành tựu” như: Giao dịch một cửa…
Tuy nhiên, mô hình tổ chức này dẫn đến một khiếm khuyết lớn trong quản trị kinh doanh khiến cho hầu hết các ngân hàng sai lầm trong sử dụng; và phân bổ nguồn lực của mình. Đó là mô hình này triệt tiêu động lực để các ngân hàng thực hiện phân tích hiệu quả theo bộ phận kinh doanh. Từ đó cũng không đạt được mục tiêu là phục vụ khách hàng theo phân đoạn.
3. Cơ chế quản lý vốn tập trung (FTP)
3.1. Khái niệm cơ chế quản lý vốn tập trung
Cơ chế quản lý vốn tập trung còn được gọi là cơ chế FTP (Fund Transfer Pricing). Cơ chế quản lý vốn tập trung là cơ chế quản lý vốn từ trung tâm quản lý vốn đặt tại Hội sở chính của ngân hàng. Các chi nhánh trở thành các đơn vị kinh doanh; thực hiện mua bán vốn với hội sở chính (thông qua trung tâm vốn) hội sở chính sẽ mua toàn bộ tài sản Nợ của chi nhánh; và bán vốn để chi nhánh sử dụng cho tài sản có.
Từ đó, thu nhập và chi phí của từng chi nhánh được xác định thông qua chênh lệch mua bán vốn với hội sở chính. Tập trung rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất về Hội sở chính.
3.2. Mục đích của cơ chế quản lý vốn tập trung
- Quản lý tập trung nguồn vốn của toàn hệ thống đáp ứng cho các mục tiêu sử dụng vốn phù hợp với định hướng và kế hoạch kinh doanh; đảm bảo các giới hạn an toàn theo quy định; kiểm soát rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trong hoạt động ngân hàng.
- Quản lý nguồn vốn và sử dụng vốn hiệu quả đạt được các chỉ tiêu kế hoạch tài chính của ngân hàng
- Phát huy được lơi thế kinh doanh của các chi nhánh trên các địa bàn khác nhau
- Phân bổ chi phí, thu nhập vốn một cách khách quan, công bằng để đánh giá đúng mức độ đóng góp của các đơn vị vào thu nhập chung của toàn hệ thống.
3.3. Nội dung cơ chế quản lý vốn tập trung
- Luân chuyển vốn giữa các chi nhánh
- Tập trung rủi ro thanh khoản về Hội sở chính
- Tập trung rủi ro lãi suất về Hội sở chính
3.4. Đánh giá kết quả hoạt động của chi nhánh
- Vốn được luân chuyển giữa các Chi nhánh thông qua trung tâm vốn; nơi tập trung toàn bộ nguồn vốn và tài sản của Ngân hàng. Trung tâm vốn sẽ “mua” tất cả tài sản Nợ; và “bán” tất cả các tài sản Có cho các Chi nhánh theo đúng mức độ rủi ro lãi suất; rủi ro thanh khoản của tài sản Có, tài sản Nợ.
- Tất cả các khoản mục trên bảng tổng kết tài sản của chi nhánh đều được tập trung tại Hội sở chính. Bảng tổng kết tài sản của chi nhánh không còn cân bằng, chỉ phản ánh số cho vay và huy động thực tế của chi nhánh. Nguồn vốn của hệ thống thông qua tài khoản “điều chuyển vốn nội bộ”.
- Chi nhánh “bán” vốn về Hội sở chính và “mua” vốn của Hội sở chính. Tất cả các giao dịch nhận tiền gửi và cho vay giữa khách hàng và chi nhánh đều được thực hiện “đối ứng” với trung tâm vốn.
- Khi có nhu cầu thanh toán, số dư tiền gửi khách hàng tại chi nhánh giảm một lượng tương ứng số dư vốn của chi nhánh tại Trung tâm vốn, chi nhánh không cần quan tâm đến nguồn vốn để thanh toán. Rủi ro thanh khoản chuyển từ chi nhánh về Hội sở chính.
- Tất cả các tài sản Nợ và Có của Chi nhánh đều được “mua” và “bán” căn cứ vào kỳ hạn; loại tiền với các lãi suất điều chuyển (giá FTP) tại ngày phát sinh giao dịch. Đối với các giao dịch lãi suất cố định; từ ngày phát sinh giao dịch cho đến ngày định giá lại của tài sản Nợ hay tài sản Có; Chi nhánh luôn được đảm bảo một mức chênh lệch lãi suất giữa lãi suất áp dụng cho khách hàng; và lãi suất chuyển vốn nội bộ (giá FTP). Chi nhánh chỉ quyết định lãi suất cho vay/nhận gửi sao cho có chênh lệch so với lãi suất điều chuyển vốn nội bộ; và không bị ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro lãi suất. Việc quản lý rủi ro lãi suất là trách nhiệm của Hội sở chính.
- Khi nhận được khoản tiền gửi của khách hàng, chi nhánh thực hiện bán toàn bộ về Trung tâm vốn. Khi có nhu cầu cho khách hàng vay, chi nhánh thực hiện mua toàn bộ từ Trung tâm vốn. Khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán vốn; giữa giá mua vốn từ Trung tâm và lãi suất cho vay khách hàng chính là phần thu nhập của chi nhánh.
3.5. Những ưu điểm của cơ chế FTP
- Hạn chế được tình trạng thừa/thiếu thanh khoản: trong cơ chế quản lý vốn tập trung; mọi giao dịch của chi nhánh đều phải tập trung về Hội sở chính thông qua Trung tâm vốn. Khi huy động được nguồn tiền gửi, chi nhánh thực hiện bán toàn bộ cho Trung tâm; khi có nhu cầu thanh toán, đầu tư, cho vay,…chi nhánh thực hiện mua lại vốn từ Trung tâm. Trung tâm vốn sẽ thực hiện động tác luân chuyển vốn giữa các chi nhánh. Vì thế, các chi nhánh không cần quan tâm đến vấn đề thanh khoản; và sẽ không tồn tại tình trạng thừa hoặc thiếu thanh khoản tại chi nhánh của mình.
- Bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiện đại; loại bỏ được một số công tác báo cáo, báo cáo thủ công. Chế độ báo cáo đa dạng, phong phú, tức thời; giúp Chi nhánh kiểm soát, đánh giá được tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Từ đó nhanh chóng đề ra các giải pháp phù hợp.
- Là công cụ hiệu quả đánh giá chất lượng hoạt động của Chi nhánh;
- Kiểm soát được rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất toàn hệ thống. Trước khi ứng dụng cơ chế quản lý vốn tập trung, các chi nhánh tự chịu trách nhiệm về việc quản lý rủi trong trong hoạt động dẫn đến sự phân tán trong chiến lược hoạt động kinh doanh, không hiệu quả và không kiểm soát được thường xuyên hoạt động của các chi nhánh. Với cơ chế mới, các chi nhánh chỉ tập trung vào công việc kinh doanh; toàn bộ rủi ro nêu trên chuyển về Hội sở chính quản lý;
- Linh hoạt hơn trong việc quản lý, giám sát và điều hành của Hội sở chính đối với các Chi nhánh. Quản lý vốn thống nhất, không can thiệp vào hoạt động của chi nhánh.
Trên đây là những kiến thức, thông tin về cơ chế quản lý vốn của các Ngân hàng Thương mại cổ phần. UB Academy hy vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình. Đừng quên theo dõi chuyên mục Kiến thức tại UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật những tin tức mới nhất về Ngành.