messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Phỏng vấn Ngân hàng thành công – Tại sao không?

Chuẩn bị những gì, chuẩn bị như thế nào cho một buổi phỏng vấn Ngân hàng thành công là câu hỏi khiến rất nhiều người băn khoăn, thậm chí cả những người đã từng có kinh nghiệm. Nếu bạn cũng đang bối rối trong khâu chuẩn bị cho buổi phỏng vấn Ngân hàng, đừng bỏ qua bài viết này. 

1. Chuẩn bị trang phục, diện mạo khi đi phỏng vấn Ngân hàng

1.1 Trang phục

Tùy thuộc vào từng vị trí ứng tuyển, bạn có thể lựa chọn trang phục sao cho thể hiện được bản thân một cách tinh tế nhất. Nếu những vị trí yêu cầu ngoại hình, bạn nên chỉn chu cho vẻ bề ngoài. Ăn mặc lịch sự, không quá cầu kỳ, rối mắt. Thường khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng sẽ thích ứng viên ăn mặc giản dị, gọn gàng, sạch sẽ. Có thể là những chiếc áo sơ mi cùng quần âu/ chân váy tối màu. 

1.2 Diện mạo

Đối với ứng viên là nữ, bạn nên trang điểm nhẹ nhàng, tự nhiên. Lớp trang điểm sẽ khiến bạn trở nên tươi tắn và có sức sống hơn nhiều. 

Đối với ứng viên là nam, bạn nên đảm bảo gương mặt mình đã sạch sẽ và sáng sủa. Những sợi râu lún phún dưới cằm sẽ khiến bạn trông tiều tụy và già nua hơn đấy. 

Lưu ý nho nhỏ: Bạn không nên sử dụng nước hoa quá nồng. Đối với những nhà tuyển dụng khó tính, bạn sẽ khiến họ khó chịu với mùi nước hoa nồng nặc này. 

2. Chuẩn bị kiến thức khi tham gia phỏng vấn ngân hàng thành công

2.1 Kiến thức chuyên môn (chuyên ngành) 

Kiến thức chuyên môn, chuyên ngành đã được kiểm tra thông qua kỳ thi viết trước đó, nên khi bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian để hỏi lại bạn. 

Tuy nhiên, bạn cần soát lại một lượt xem mình có trả lời sai câu nào trong đề thi viết không. Bởi, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi lại bạn chính những câu bạn làm sai. 

Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường tập trung vào 2 hướng:

  • Những câu mà bạn đã trả lời sai trong đề thi viết,
  • Những câu hỏi trọng tâm đánh thẳng vào chuyên môn bạn đang làm, và chuyên môn bạn muốn làm tại Ngân hàng của họ.

2.2 Hiểu biết chung về ngân hàng mà bạn tham dự phỏng vấn

Hãy dành thời gian tìm hiểu những thông tin như: Chi tiết về tên, logo, slogan và ý nghĩa của chúng, cùng với định hướng, điểm mạnh, điểm yếu và chiến lược phát triển của Ngân hàng.

Kiến thức này tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng. Nó giúp bạn chủ động trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng khi họ giả định đặt bạn vào vị trí mà bạn đang ứng tuyển trong môi trường làm việc của họ.

Ví dụ: MSB có thể hỏi, nếu làm chuyên viên QHKH cá nhân thì theo em việc huy động có quan trọng không?

Nếu ở MSB bạn nên trả lời là rất quan trọng. Vì MSB hiện dừng cho vay cá nhân và chỉ tập trung vào huy động vốn của mảng KH này ….

2.3 Hãy xem lại một lần CV của bạn 

Hãy chắc chắn rằng bạn thuộc nằm lòng CV của mình. Đừng nói những gì khác với CV của bạn mà không có lý do chính đáng. 

Tham khảo thêm kinh nghiệm viết CV Ngân hàng chuẩn và khác biệt để cải thiện CV của bản thân.

3. Khi ngồi đối diện nhà tuyển dụng

Không chỉ tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi đứng trước mặt họ. Hãy chỉn chu thái độ ngay khi bạn bước vào phòng chờ. Tùy vị trí bạn cần có phong thái phù hợp. Tuy nhiên, phong thái nhã nhặn, lịch sự luôn được cho là nên làm trong bất kỳ tình huống nào.

Khi vào phòng, hãy đi thẳng, hơi cúi chào, đường hoàng chủ động kéo ghế ngồi và chào Nhà tuyển dụng. Không nên vì quá run mà khép nép. Hãy tham khảo những mẹo “mì ăn liền” để giúp bản thân bạn bớt run. 

Trong quá trình phỏng vấn, bạn hãy chủ động mở đầu bằng cách giới thiệu bản thân, tập trung vào thông tin chính và đặc biệt nhấn mạnh đến chuyên ngành học hoặc kinh nghiệm phù hợp nhất với vị trí đang ứng tuyển. Đừng mất thời gian bởi những thứ không trọng tâm (như sở thích, chứng chỉ không liên quan, các loại địa chỉ …).

Khi trả lời phỏng vấn, cố gắng nhìn thẳng vào vùng tam giác giữa hai mắt và miệng nhà tuyển dụng (có thể không cần nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng nếu bạn không muốn). Trả lời gọn, rõ ràng, không dài dòng. Cứ trả lời ý chính trước, họ hỏi thêm thì sẽ diễn giải cụ thể hơn.

Khi phỏng vấn xong, chủ động chào người phỏng vấn và đừng tiếc một câu cảm ơn.

Ví dụ tham khảo: “Cảm ơn anh chị đã bớt chút thời gian cho em cơ hội được nói chuyện cùng các anh chị. Em thiết nghĩ đây là cơ hội lớn để em  học hỏi và khẳng định mình. Rất mong có thể được làm việc với các anh chị trong thời gian tới”.

Nghe có vẻ khách sáo nhưng nó thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn trong việc ứng xử với tình huống phỏng vấn.

Dù kết quả thế nào, hãy mỉm cười khi ra khỏi phòng và đừng quên đóng lại cửa. 

4. Kết thúc buổi phỏng vấn ngân hàng

Đừng nghĩ quá nhiều về buổi phỏng vấn, dù bạn làm chưa tốt. Hãy chuẩn bị tốt hơn cho vòng tiếp theo (nếu có). Hoặc chí ít, bạn đã có thêm kinh nghiệm phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng Ngân hàng. 

Kết luận

Trên đây là những kinh nghiệm chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn thành công rực rỡ từ những anh, chị đi trước trong ngành. Hy vọng bạn đã đúc kết được những bài học bổ ích cho riêng mình. Chúc bạn thành công trong vòng phỏng vấn tiếp theo.