messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Mô hình CAMELS trong Quản trị rủi ro Ngân hàng

Phân tích theo mô hình CAMELS là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của một Ngân hàng. Phân tích theo chỉ tiêu CAMELS dựa trên 6 yếu tố cơ bản được sử dụng để đánh giá

Phân tích theo mô hình CAMELS là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của một Ngân hàng. Phân tích theo chỉ tiêu CAMELS dựa trên 6 yếu tố cơ bản được sử dụng để đánh giá hoạt động của một Ngân hàng, đó là: Mức độ an toàn vốn; Chất lượng tài sản có; Quản lý; Lợi nhuận; Thanh khoản và Mức độ nhạy cảm thị trường (viết tắt bằng tiếng Anh là CAMELS). Bài viết dưới đây được UB Academy tổng hợp và biên soạn, nhằm giúp bạn hiểu hơn về Mô hình CAMELS và cách ứng dụng.

MÔ HÌNH CAMELS

C – CAPITAL ADEQUACY (MỨC ĐỘ AN TOÀN VỐN)

Mức độ an toàn vốn thể hiện số vốn tự có để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Ngân hàng càng chấp nhận nhiều rủi ro (ví dụ như trong phạm vi một danh mục cho vay) thì càng đòi hỏi phải có nhiều vốn tự có để hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng; và bù đắp tổn thất tiềm năng liên quan đến mức độ rủi ro cao hơn.

A – ASSET QUALITY (CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN CÓ)

Chất lượng tài sản có là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ đổ vỡ Ngân hàng. Thông thường, điều này xuất phát từ việc quản lý không đầy đủ trong chính sách cho vay; cả trước kia cũng như hiện nay. Nếu thị trường biết rằng chất lượng tài sản kém thì sẽ tạo áp lực lên trạng thái nguồn vốn ngắn hạn của Ngân hàng. Và điều này có thể dẫn đến khủng hoảng thanh khoản; hoặc dẫn đến tình trạng đổ xô đi rút tiền ở Ngân hàng.

Quản lý rủi ro tín dụng Ngân hàng

Rủi ro tín dụng là rủi ro tổn thất do những biến động bất lợi ảnh hưởng đến khả năng của người vay; người phát hành hay đối tác trong việc đáp ứng nghĩa vụ tài chính của mình theo kế hoạch. Có hai phương pháp cơ bản để quản lý rủi ro: đó là phòng tránh và kiểm soát tổn thất.

Phương pháp phòng tránh bao gồm việc xây dựng các chính sách xác định cụ thể những lĩnh vực hay hoạt động nào được coi là phù hợp và nên đầu tư.

Phương pháp kiểm soát tổn thất lại chú ý đến việc duy trì mức độ đa dạng trong cấu trúc của danh mục đầu tư; các chuẩn mực cấp tín dụng đúng đắn; sử dụng các chứng từ và quy trình hiệu quả để giám sát tài sản đảm bảo.

M – MANAGEMENT (QUẢN LÝ)

Nhiều nhà phân tích chuyên nghiệp coi quản lý là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống phân tích theo mô hình CAMELS; bởi vì quản lý đóng vai trò quyết định đến thành công trong hoạt động của Ngân hàng. Đặc biệt, các quyết định của người quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những yếu tố như:

  • Chất lượng tài sản có;
  • Mức độ tăng trưởng của tài sản có;
  • Mức độ thu nhập;
  • Đặc điểm của việc quản lý ngân hàng thành công;
  • Năng lực;
  • Lãnh đạo;
  • Tuân thủ các quy định;
  • Khả năng lập kế hoạch;
  • Khả năng ứng phó với những thay đổi về môi trường xung quanh;
  • Chất lượng của các chính sách và khả năng kiểm soát việc tuân thủ các chính sách.

E – EARNINGS (LỢI NHUẬN)

Lợi nhuận là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá công tác quản lý; và các hoạt động chiến lược của nhà quản lý thành công hay thất bại. Lợi nhuận sẽ dẫn đến hình thành thêm vốn; đây là điều hết sức cần thiết để thu hút thêm vốn và sự hỗ trợ phát triển trong tương lai từ phía các nhà đầu tư. Lợi nhuận còn cần thiết để bù đắp các khoản cho vay bị tổn thất; và trích dự phòng đầy đủ. Bốn nguồn thu nhập chính của Ngân hàng là:

  • Thu nhập từ lãi;
  • Thu nhập từ lệ phí, hoa hồng;
  • Thu nhập từ kinh doanh mua bán;
  • Thu nhập khác.

L – LIQUIDITY (THANH KHOẢN)

Có hai nguyên nhân giải thích tại sao thanh khoản lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ngân hàng.

Thứ nhất, cần phải có thanh khoản để đáp ứng yêu cầu vay mới mà không cần phải thu hồi những khoản cho vay đang trong hạn; hoặc thanh lý các khoản đầu tư có kỳ hạn.

Thứ hai, cần có thanh khoản để đáp ứng tất cả các biến động hàng ngày hay theo mùa vụ về nhu cầu rút tiền một cách kịp thời và có trật tự. Do ngân hàng thường xuyên huy động tiền gửi ngắn hạn (với lãi suất thấp); và cho vay số tiền đó với thời hạn dài hạn (lãi suất cao hơn) nên Ngân hàng về cơ bản luôn có nhu cầu thanh khoản rất lớn.

Lòng tin của người gửi tiền

Thanh khoản ảnh hưởng đến lòng tin của người gửi tiền và người cho vay. Thanh khoản kém; chứ không phải là chất lượng tài sản có kém; mới là nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các trường hợp đổ vỡ Ngân hàng.

Đánh giá những vướng mắc

Rất khó có thể xây dựng một thước đo duy nhất để định lượng; hay bao quát được tất cả các yếu tố về thanh khoản, mức độ đủ vốn, chất lượng tài sản có và lợi nhuận; do có nhiều khác biệt về quy mô, hoạt động giữa các ngân hàng khác nhau; cũng như do ảnh hưởng của điều kiện thị trường khu vực, quốc gia và quốc tế. Không có một tỷ lệ nào thực sự bao hàm được các khía cạnh khác nhau của yếu tố thanh khoản đối với tất cả các Ngân hàng với quy mô và loại hình khác nhau.

Các yếu tố về thanh khoản

Nói chung có thể đánh giá mức độ thanh khoản dựa trên khả năng của Ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động của mình. Những yếu tố cần xem xét bao gồm mức độ biến động của tiền gửi; mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn nhạy cảm với rủi ro; khả năng sẵn có của những tài sản có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tiền mặt; khả năng tiếp cận đến thị trường tiền tệ; mức độ hiệu quả nói chung của chiến lược, chính sách quản lý tài sản nợ và tài sản có của Ngân hàng; tuân thủ với các chính sách thanh khoản nội bộ Ngân hàng; nội dung, quy mô và khả năng sử dụng dự kiến của các cam kết cấp tín dụng.

S – SENSITIVITY TO MARKET RISK (MỨC ĐỘ NHẠY CẢM VỚI RỦI RO THỊ TRƯỜNG)

Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường được thể hiện bằng chữ cái S (Sensitivity) trong hệ thống phân tích theo mô hình CAMELS. Phân tích S nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của thay đổi về lãi suất; và/hoặc tỷ giá đến giá trị của lợi nhuận hay vốn cổ phần. Phân tích S quan tâm đến khả năng của ban lãnh đạo Ngân hàng trong việc xác định, giám sát, quản lý và kiểm soát rủi ro thị trường. Đồng thời đưa ra dấu hiệu chỉ dẫn định hướng rõ ràng và tập trung.

Phân tích mức chênh

Trong điều kiện không có nhiều các tỷ lệ thanh khoản khác nhau thì có một cách hữu hiệu hơn để đánh giá thanh khoản; là xây dựng bản mô tả tài sản có và tài sản nợ của Ngân hàng (theo kỳ hạn) để tính toán mức chênh giữa các tài sản có đến hạn và tài sản nợ đến hạn. Việc phân tích mức chênh nhằm định lượng sự mất cân đối về kỳ hạn của tài sản có và tài sản nợ. Tình trạng mất cân đối này phát sinh khi kỳ hạn của bên nguồn vốn khác với kỳ hạn của bên sử dụng vốn. Việc phân tích mức chênh còn giúp lượng hoá được ảnh hưởng của những thay đổi về lãi suất thị trường đến lợi nhuận và giá trị tài sản có ròng của Ngân hàng.

Mô hình CAMELS trong Quản trị rủi ro Ngân hàng

KẾT LUẬN VỀ MÔ HÌNH CAMELS

Hệ thống phân tích theo mô hình CAMELS được áp dụng nhằm đánh giá độ an toàn; khả năng sinh lời và thanh khoản của Ngân hàng. An toàn được hiểu là khả năng của Ngân hàng bù đắp được mọi chi phí và thực hiện được các nghĩa vụ của mình.

Tiêu chí an toàn được đánh giá thông qua đánh giá mức độ đủ vốn; chất lượng tín dụng (tài sản có); và chất lượng quản lý.

Khả năng sinh lời là việc ngân hàng có thể đạt được một tỷ lệ thu nhập từ số tiền đầu tư của chủ sở hữu hay không.

Thanh khoản là khả năng đáp ứng được mọi nhu cầu về vốn theo kế hoạch hoặc bất thường.

Cần luôn luôn lưu ý là các báo cáo tài chính không thể cung cấp đầy đủ mọi thông tin mà người phân tích muốn có để đánh giá mức độ an toàn; khả năng sinh lời và thanh khoản của Ngân hàng. Do đó, cần kết hợp việc phân tích theo mô hình CAMELS với những đánh giá định tính của Ngân hàng để có thể thu đuợc kết quả phân tích Ngân hàng kỹ lưỡng và hữu ích.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy và Diễn đàn U&Bank để cập nhật những tin tức mới nhất về ngành Ngân hàng.