messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

Rất nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra khi khách hàng không để ý lãi suất vay vốn thật khi đi vay. Nhân viên Ngân hàng vì doanh số cũng “lập lờ” nội dung này. Để hỗ trợ cho Khách hàng vượt qua được các ma trận thông tin về Lãi suất, UB Academy xin cung cấp đến người đọc các kiến thức cơ bản về Lãi suất vay vốn và cách xác định Lãi suất vay cố định, thả nổi của các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay.

1. Lãi suất khi vay vốn là gì?

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

Thông thường, các Ngân hàng luôn có các Chương trình khuyến mại với mục đích kích cầu vay vốn. Nếu để ý thì hầu hết các chương trình đều na ná nhau, với mức lãi suất vay ưu đãi vô cùng hấp dẫn như: Lãi suất vay 0% trong 12 tháng đầu tiên, lãi suất vay 6% trong vòng 8 tháng, lãi suất vay 8% trong vòng 8 tháng,…

Nếu chỉ nhìn về con số lãi suất vay ưu đãi được truyền thông thì nếu không tỉnh táo, nhiều người chắc hẳn sẽ chọn lãi suất 0% trong 12 tháng, hoặc một mức lãi suất nào đó thấp nhất.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Ngân hàng thường chỉ khuyến mại cho những món vay trung hạn và dài hạn, trong khi thời gian áp dụng lãi suất thấp thường rất ngắn so với tổng thời hạn vay. Đồng thời, xu hướng chung là Ngân hàng nào có mức lãi suất ưu đãi khi cho vay thấp, nhưng lãi tiền gửi tiết kiệm lại cao thì lãi suất thật sau thời gian ưu đãi của Ngân hàng đó sẽ cao.

Hiện tại ở các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều áp dụng 2 loại Lãi suất vay vốn cơ bản sau:

  • Lãi suất vay cố định
  • Lãi suất vay thả nổi

2. Lãi suất vay cố định

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

Là loại lãi suất cố định, không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn của Khách hàng.

Theo đó, Khách hàng có nhu cầu vay vốn trong thời gian 2 năm với mức lãi suất 10%/năm cố định trong suốt thời gian vay. Được hiểu rằng, trong suốt 2 năm vay vốn, dù lãi suất của thị trường có giảm xuống nhưng mức lãi suất vay vốn áp dụng cho khách hàng trong mọi thời điểm sẽ cố định 10%/năm không thay đổi.

Hiện tại, lãi suất cố định thường áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng Tín chấp không có Tài sản bảo đảm, giá trị khoản vay thấp, thường phục vụ cho các nhu cầu mua sắm cơ bản (mua Tivi, tủ lạnh, điện thoại, xe máy..) tại các Công ty tài chính. Với các Ngân hàng thương mại, giá trị khoản vay lớn thường không áp dụng loại lãi suất này.

3. Lãi suất vay thả nổi là gì?

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

3.1 Khái niệm lãi suất thả nổi là gì?

Là loại Lãi suất không cố định, thay đổi liên tục, biến động theo tình hình thị trường.

Theo đó, trong suốt quá trình vay vốn, Khách hàng vay sẽ chịu mức lãi suất liên tục biến động. Lãi suất chung trên thị trường tăng, lãi suất vay vốn của Khách hàng sẽ điều chỉnh tăng và ngược lại.

Loại lãi suất này hiện tại đang được áp dụng chủ yếu tại các Ngân hàng thương mại, phục vụ các nhu cầu từ tiêu dùng đến sản xuất kinh doanh.

3.2 Ưu và nhược điểm của lãi suất thả nổi

Lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi đều là một hình thức trả lãi vay cho ngân hàng hiện hành vừa có sự phân hóa trong việc lựa chọn. Vậy so với lãi suất cố định quen thuộc mà xưa nay chúng ta vẫn áp dụng thì ưu thế của lãi suất thả nổi là gì?

Ưu thế của lãi suất thả nổi đó chính là số tiền lãi chi trả có thể sẽ thấp hơn nhiều so với trả lãi theo tỷ suất cố định. Mức lãi suất thả nỗi sẽ biến động theo lãi suất thị trường, khi nó giảm thì lãi suất khách hàng phải thanh toán cũng được điều chỉnh thấp hơn.

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

Lãi suất thả nổi có ưu và nhược điểm là gì

Đây tuy là ưu điểm nhưng đồng thời cũng chính là nhược điểm của hình thức trả lãi này. Bởi biến động theo lãi suất thị trường, có giảm ắt sẽ có tăng, vậy nên khi ấy lãi suất mà khách hàng phải trả có thể sẽ cao hơn so với thời điểm vay.

Thêm vào đó chúng ta cũng không thể biết định mức cụ thể số tiền lãi mà mình phải chi trả trong kỳ là bao nhiêu, do chưa xác định được tỉ suất trả lãi. Điều này cũng khiến khách hàng đi vay bị thụ động trong việc chuẩn bị tài chính trả lãi phù hợp.

Lãi suất thả nổi được xem là một hình thức tính lãi có tính xác suất, tức “thả trôi nổi theo mức biến động của thị trường. Nếu có sự hiểu biết và dự đoán về tình hình biến động của thị trường chính xác thì có thể cân nhắc lựa chọn.

Để hiểu rõ hơn về lãi thả nổi là gì hay lãi suất cố định là gì hãy cùng UB Academy so sánh sự khác biệt giữa hai hình thức tính lãi trên.

3.3 So sánh lãi suất thả nổi và lãi suất cố định

Loại lãi suất Lãi suất thả nổi Lãi suất cố định
Bản chất cách tính Áp dụng mức lãi suất không cố định, có thể tăng lên hoặc giảm xuống theo biến động lãi suất của thị trường. Thay đổi theo định kỳ, không có mức khung cố định. Lãi suất cố định một mức trong suốt chu kỳ vay, không thay đổi theo biến động thị trường.
Bị ảnh hưởng bởi lãi suất thị trường Không
Cơ sở ấn định tính toán Dựa trên lãi suất tham chiếu hoặc tỉ số lạm phát ngân hàng sẽ đề ra một mức lãi mới Áp dụng lãi suất thị trường tại thời điểm ký kết hợp đồng vay tiền
Số tiền lãi thanh toán định kỳ Không thể xác định Có thể xác định
Thời hạn vay thường áp dụng Dài hạn Ngắn hạn
Lợi thế khi biến động thị trường Lãi suất thị trường giảm thì mức lãi suất giảm, khi lãi suất tăng thì tăng theo. Lãi suất thị trường tăng thì không bị tăng lên, nhưng khi giảm cũng không được giảm xuống.
Ưu điểm Cơ hội giảm chi phí thanh toán Xác định được dòng tiền cần chi trả
Nhược điểm Có thể bị đội lãi suất lên cao, mất khả năng thanh toán các dòng tiền Khi lãi suất thị trường xuống thấp, gây tụt cảm hứng nghiêm trọng cho khách hàng.

Dựa trên bảng so sánh này, chúng ta có thể thấy rằng thế nào là lãi suất thả nổi, khi nào thì lãi suất thả nổi có thể phát huy ưu điểm của mình. Dù lãi suất thả nổi  bất ổn định hay lãi suất cố định các đơn vị cá nhân thường chọn lựa thì mỗi loại điều có ưu và nhược điểm riêng.

Lãi suất thả nổi theo thị trường là gì?

So sánh lãi suất cố định và lãi suất thả nổi sẽ biết ưu thế của hai loại là gì

Cơ hội thì luôn đi kèm với thách thức và an phận thì thường đi kèm với chắc chắn và đôi khi có chút tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội. Dù chọn hình thức nào đi chăng nữa, lỗ hay lãi thì chúng ta vẫn phải đóng lãi đúng hạn cho ngân hàng. Thế nên đóng ít đóng nhiều, đóng theo mức xác định hay mức tăng tụt thì còn tùy vào lựa chọn.

Nếu thật sự có sự hiểu biết về thị trường thì chúng ta có thể sẽ cân nhắc được loại lãi suất nào là phù hợp cho thời điểm hiện tại và lựa chọn chính xác.

Phải thật hiểu rõ lãi suất cho vay thả nổi là gì, cách tính, các yếu tố quyết định và dự toán được xu hướng. Ngược lại chỉ là tay mơ không có hội đồng cố vấn phân tích thị trường tài chính thì lãi suất cố định là lựa chọn an phận.

Đây cũng là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho người đi vay vốn, nhất là những khoản vay dài hạn, chưa xác định được biến động. Việc sử dụng lãi thả nổi có thể khiến tiền lãi tăng lên gấp nhiều lần, khiến số tiền phải chi trả tăng cao.

Đây là lý do mà nhiều người chơi chứng khoán trong phim Hong Kong hay “bể nợ”.

3.4 Công thức xác định lãi suất thả nổi

Lãi suất thả nổi được thay đổi biến động theo tình hình hoạt động của thị trường. Gọi là thả nổi, tuy nhiên, loại Lãi suất này cũng có những quy định rất riêng về cách thức tính.

Lãi suất thả nổi được xác định theo công thức:

Lãi suất thả nổi = Lãi suất tham chiếu + Biên độ

Theo đó, các vấn đề cần lưu ý trong công thức trên như sau:

Lãi suất tham chiếu phụ thuộc vào Thời gian vay vốn

  • Nếu Khách hàng vay vốn ngắn hạn (Thời gian vay vốn <= 12 tháng), Lãi suất Tham chiếu được xác định chính là “Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư lãi trả sau kỳ hạn 12 tháng”
  • Nếu KH vay vốn trung/dài hạn (Thời gian vay vốn > 12 tháng), Lãi suất Tham chiếu được xác định chính là “Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư lãi trả sau kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng”
Có 2 vấn đề cần phân tích kỹ với người đọc:
  • Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư: là loại lãi suất áp dụng khi các khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng. Loại lãi suất này áp dụng theo biểu lãi suất của dân cư, của khách hàng cá nhân thông thường đến gửi tiết kiệm. Không phải là loại lãi suất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng doanh nghiệp.
  • Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư lãi trả sau áp dụng theo cách thức trả lãi sau (tức là trả lãi vào cuối kỳ hạn gửi): Thực tế khi gửi tiền tại ngân hàng, ngân hàng áp dụng 3 cách thức trả lãi thông thường, đó là gửi tiền trả lãi trước (Ngân hàng sẽ gửi tiền lãi cho Khách hàng ngay tại thời điểm Khách hàng gửi tiền), gửi tiền trả lãi định kỳ (Ngân hàng sẽ gửi tiền lãi cho Khách hàng định kỳ 1 tháng một lần, áp dụng với các khách hàng gửi tiền > 1 tháng), gửi tiền trả lãi sau (Ngân hàng sẽ gửi tiền lãi cho Khách hàng vào cuối thời điểm kết thúc kỳ hạn gửi (Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, sau 3 tháng khách hàng mới nhận được đầy đủ cả gốc và lãi tiền gửi).

Đây là cách xác định mức lãi suất tham chiếu phổ biến nhất tại các Ngân hàng hiện tại. Ưu điểm của cách xác định này đó chính là sự minh bạch trong việc xác định, theo đó, phần Lãi suất Tiền gửi tiết kiệm dân cư được thông báo rõ ràng trên website và bảng lãi suất niêm yết của từng Khách hàng, theo các kỳ hạn tương ứng.

Lưu ý:

Tuy nhiên, trong 1 vài trường hợp, một số ít ngân hàng không xác định Lãi suất tham chiếu theo cách trên, theo đó Lãi suất tham chiếu được tính theo Lãi suất mua bán vốn nội bộ, chỉ công bố trong phạm vi nội bộ Ngân hàng, Khách hàng không được biết. Với cách xác định này, Khách hàng phải “chịu” lãi suất theo quy định của Ngân hàng, lý do tăng giảm được Ngân hàng đưa ra khá chung chung – “theo lãi suất của thị trường”.

Trong trường hợp này, Khách hàng cần đọc kỹ Nội dung về Lãi suất trong Hợp đồng Tín dụng & Khế ước nhận nợ.

Khách hàng hoàn toàn có quyền đàm phán với Ngân hàng để áp dụng Lãi suất tham chiếu về mức Lãi suất tiết kiệm dân cư lãi trả sau để đảm bảo quyền lợi và sự rõ ràng trong cách tính lãi suất.

Biên độ vay vốn chính là phần Chênh lệch giữa Lãi suất đầu ra (tức là Lãi suất cho vay) với Lãi suất đầu vào (tức là Lãi suất huy động, tiền gửi)

Biên độ chính là phần tạo nên Lợi nhuận cho Ngân hàng. Tức cho vay với mức lãi suất càng cao, tương ứng với biên độ càng cao, lợi nhuận Ngân hàng thu được càng nhiều.

Hiện tại, các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam quy định Mức biên độ này tùy thuộc vào “Điểm xếp hạng Tín dụng với từng Khách hàng”.

Ngân hàng sẽ căn cứ dựa trên các thông tin khai báo của Khách hàng như Nhân thân, tình hình gia đình, bằng cấp, gia đình có mấy con, thu nhập hiện tại là bao nhiêu, trả lương qua tài khoản hay tiền mặt, có đang vay ở đâu không, mức vay/giá trị tài sản bảo đảm có ở ngưỡng an toàn hay không?…

Mức thang điểm xếp hạng này sẽ có các mức điểm quy định từ Cao xuống Thấp, theo đó Cao nhất là AAA, AA, A đến BBB,BB,B. Mức thấp nhất là C.

Lý giải:

Được hiểu rằng, Khách hàng nào có Nhân thân tốt, uy tín, Tình hình tài chính rõ ràng, Tài sản bảo đảm tốt, vị trí đẹp, mục đích vay vốn minh bạch sẽ được xếp hạng ở mức cao (tối thiểu là A). Rủi ro cho vay với những KH này thấp. Vì vậy, biên độ vay vốn thấp, tương ứng Lãi suất cho vay thấp.

Ngược lại, Khách hàng nào mất uy tín, Tình hình tài chính không rõ ràng, hoạt động kinh doanh thua lỗ, Tài sản bảo đảm có tính thanh khoản trung bình kém, mục đích vay vốn không chứng minh rõ ràng => Rủi ro cho vay với những KH này rất cao => Biên độ vay vốn cao, tương ứng Lãi suất cho vay cao.

Hiện tại, trong các văn bản nội bộ tại các Ngân hàng đều quy định mức Biên độ tương ứng với từng mức Xếp hạng Tín dụng. Căn cứ theo hình ảnh phía dưới, có thể thấy với mức Xếp hạng tín dụng càng cao thì Lãi suất vay vốn và Biên độ (Margin) càng thấp.

Điều chỉnh lãi suất vay vốn

Theo quy định của các Ngân hàng hiện hành, Lãi suất vay thả nổi sẽ được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/6 tháng một lần.

Có rất nhiều Khách hàng không hiểu rõ sự thay đổi này. Để làm rõ, chúng ta cùng phân tích một ví dụ.

Ví dụ:

“Giả sử KH A đến ngân hàng X vay mua nhà, với các thông tin sau:

Khoản vay trung hạn 5 năm, lãi suất được ưu đãi 6%/năm trong 12 tháng đầu tiên, biên độ áp dụng là 4%/năm, lãi suất được điều chỉnh 3 tháng một lần.”

Với các thông tin trên, được hiểu như sau:

  • Từ tháng 1 – tháng 12 kể từ thời điểm vay vốn: Lãi suất cố định là 6%/năm
  • Từ tháng 13 – tháng 15 kể từ thời điểm vay vốn:
    Lãi suất vay vốn áp dụng trong khoảng thời gian này = Lãi suất tiết kiệm dân cư lãi trả sau kỳ hạn 13 tháng/24 tháng tại thời điểm tháng 13 + 4%
  • Từ tháng 16 – tháng 18 kể từ thời điểm vay vốn:
    Lãi suất vay áp dụng trong khoảng thời gian này = Lãi suất tiết kiệm dân cư lãi trả sau kỳ hạn 13 tháng/24 tháng tại thời điểm tháng 16 + 4%

Tương tự đối với các khoảng thời gian khác, cứ 3 tháng điều chỉnh lại một lần.

Kết luận

Như vậy, có thể hiểu rằng, tại thời điểm tháng 13, nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng/24 tháng niêm yết trên biểu lãi suất giả sử là 7%/năm, thì lãi suất từ tháng 13 – tháng 15 sẽ là 7% + 4% = 11%/năm.

Mức lãi suất vay thả nổi này sẽ được giữ cố định trong suốt thời điểm 3 tháng này. Trong suốt thời điểm 3 tháng nếu Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng/24 tháng niêm yết trên biểu lãi suất có sự biến động, giảm xuống còn 6.5%/năm thì lãi suất của Khách hàng sẽ không hề thay đổi, vẫn áp dụng 11%/năm vào đầu thời điểm tháng thứ 13. Mức lãi suất 11%/năm này sẽ được giữ cố định trong vòng 3 tháng, từ thời điểm 3 tháng tiếp theo, nếu lãi suất tham chiếu thay đổi, lãi suất vay vốn của khách hàng sẽ thay đổi.

Đây là cách phân biệt các loại lãi suất, hoặc bạn chỉ cần truy cập: nhập số tiền vay và thời gian vay, bạn sẽ thấy được toàn bộ lãi suất ưu đãi và lãi suất thật của tất cả các Ngân hàng tại Việt Nam. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về lãi suất vay thả nổi là gì. Đừng quên theo dõi chuyên mục Chia sẻ kinh nghiệm UB Academy, Diễn đàn U&BankBlog LearnID để cập nhật tin tức về ngành nhanh nhất.