messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Điều Kiện Thương Mại Quốc Tế CPT, CIP, CFR, CIF

Điều kiện thương mại quốc tế (viết tắt: Incoterms) là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Điều kiện thương mại quốc tế CPT, CIP, CFR, CIF sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.

1. Khái quát về Incoterms

Đối với những người làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa thì hẳn là không còn xa lạ về khái niệm Incoterms. Tuy nhiên không phải ai cũng có được một cái nhìn tổng quát về Incoterms. Chính vì thế hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát xem khái niệm này là gì nhé. 

Incoterms là từ viết tắt của cụm từ International Commerce Terms. Đây có nghĩa chính là tập hợp của những quy tắc thương mại quốc tế, cụ thể là những điều khoản này quy định về trách nhiệm của các bên có mặt ở trong hợp đồng ngoại thương. 

Mọi điều khoản thương mại quốc tế này thì đều đã được chuẩn hóa và được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận cũng như sử dụng rộng rãi. 

Điều kiện thương mại quốc tế

Incoterms là khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa

Bạn phải lưu ý rằng tất cả các giao dịch được đề cập đến trong Incoterms đều là các giao dịch quốc tế và các giao dịch trong nước thì không được tính trong đây. Cụ thể thì có hai điểm mấu chốt chính mà bạn cần phải biết đến:

  • Bên mua và bên bán có trách nhiệm như thế nào?
  • Người bán chuyển đổi trách nhiệm, rủi ro và chi phí sang người mua tại điểm chuyển giao nào?

Vậy sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn về các thông tin khái quát liên quan đến Incoterms đến với bạn đọc nhé:

1.1. Tìm hiểu lịch sử hình thành của Incoterms

Incoterms chính thức và bắt đầu được soạn thảo từ năm 1921 và sau đó thì bản Incoterms lần đầu tiên được ban hành là vào năm 1936. 

Tính đến thời điểm hiện tại thì Incoterms đã được tiến hành sửa đổi và bổ sung tổng cộng 6 lần. Tuy nhiên, khi mỗi bản Incoterms mới ra đời thì không có nghĩa là những bản cũ đã bị mất đi giá trị. Theo như quy định thì tất cả các bản đã từng được công bố thì đều sẽ có giá trị pháp lý ngang nhau và không có bản nào là quyền lực hơn bản nào. 

Đương nhiên là ở mỗi bản Incoterms thì đều sẽ có các quy định và các điều kiện liên quan đến vấn đề giao hàng khác nhau. Nhưng nhìn chung là thỏa thuận trong hợp đồng thương mại quốc tế này giữa các bên thì đều có giá trị cao nhất.

1.2. Điều kiện của Incoterms để được cấu tạo là gì?

Để tránh sai sót và nhầm lẫn thì bạn cần phải lưu ý về cấu tạo điều kiện Incoterms như sau:

  • Trong Incoterms thì cứ mỗi một điều kiện đều sẽ được tính là một dạng hợp đồng.
  • Ở mỗi điều kiện thì đều sẽ bao gồm có 10 nghĩa vụ của người bán, từ A1-A10 và 10 nghĩa vụ của người mua, từ B1-B10. 
  • Dù bạn là bên bán hay bên mua thì bạn cũng cần phải lưu ý xem thời điểm phân chia chi phí và rủi ro trong hợp đồng như thế nào. Bởi đây là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên ít nhiều sẽ phức tạp hơn so với mua bán trong nước.

Điều kiện thương mại quốc tế

Lưu ý đến nội dung và điều kiện cấu tạo của Incoterms

  • Các chi phí phát sinh mà bạn cần phải quan tâm đó chính là thuế xuất nhập khẩu; các chi phí như thông quan, vận tải, bảo hiểm,…; hay một số các loại chi phí phát sinh khác. Bạn cần phải tính toán và dự tính trước được những chi phí như vậy.
  • Dù là người bán hay người mua thì bạn đều có thể lựa chọn rất nhiều các phương thức vận tải khác nhau nhưng lưu ý rằng Incoterms hoàn toàn không có chính sách điều chỉnh hợp đồng vận tải và bảo hiểm.

2. CPT (CARRIAGE PAID TO) – CƯỚC PHÍ TRẢ TỚI

CƯỚC PHÍ TRẢ TỚI

CPT (nơi đến quy định)

Điều kiện thương mại quốc tế này có thể sử dụng cho mọi phương thức vận tải; và có thể sử dụng khi có nhiều phương thức vận tải tham gia.

CPT – Carriage Paid To “Cước phí trả tới”: có nghĩa là người bán giao hàng cho người chuyên chở; hoặc một người khác do người bán chỉ định tại một nơi thỏa thuận (nếu điểm đó đã được các bên thỏa thuận); và người bán phải ký hợp đồng và trả chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới địa điểm đến được chỉ định.

Điều kiện này có hai điểm tới hạn; vì rủi ro và chi phí được chuyển giao tại hai điểm khác nhau. Các bên nên quy định càng rõ càng tốt trong hợp đồng về địa điểm giao hàng tại đó rủi ro được chuyển cho người mua; và địa điểm đến được chỉ định mà người bán phải thuê phương tiện vận tải để chở hàng đến. Nếu nhiều người chuyên chở tham gia vận tải hàng hóa đến nơi quy định; và các bên không có thỏa thuận về điểm giao hàng cụ thể thì rủi ro được chuyển khi hàng hóa đã được giao cho người chuyển chở đầu tiên tại địa điểm hoàn toàn do người bán lựa chọn; và người mua không có quyền gì về việc này.

Lưu ý:

Nếu các bên muốn rủi ro được chuyển tại một thời điểm muộn hơn (ví dụ như tại cảng biển hoặc tại sân bay) thì họ phải quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán.

Các bên cũng nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm tại nơi đến được chỉ định; vì các chi phí đến điểm đó là do người bán chịu. Người bán phải ký hợp đồng vận tải phù hợp với địa điểm này. Nếu người bán phải trả thêm chi phí theo hợp đồng vận tải liên quan đến việc dỡ hàng tại điểm đến quy định. Người bán sẽ không có quyền đòi hỏi người mua bồi hoàn những chi phí đó trừ khi có thỏa thuận khác giữa hai bên.

Điều kiện CPT yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu, nếu có. Tuy vậy, người bán không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu; trả bất kỳ khoản thuế nhập khẩu; hoặc thực hiện bất kỳ thủ tục thông quan nhập khẩu nào.

3. CIP (CARRIAGE AND INSURANCE PAID TO) – CƯỚC PHÍ VÀ BẢO HIỂM TRẢ TỚI

CƯỚC PHÍ VÀ BẢO HIỂM TRẢ TỚI

CIP (nơi đến quy định)

Điều kiện này có thể sử dụng cho mọi phương thức vận tải; và có thể sử dụng khi có nhiều phương thức vận tải tham gia.

Điều kiện “Cước phí và bảo hiểm trả tới” có nghĩa là người bán giao hàng hóa cho người chuyên chở; hoặc người khác do người bán chỉ định tại địa điểm đã thỏa thuận (nếu địa điểm đã được thỏa thuận giữa các bên). Ngoài ra người bán phải trả chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới nơi đến quy định.

Người bán cũng phải ký hợp đồng bảo hiểm cho những rủi ro của người mua về mất mát; hoặc hư hỏng của hàng hóa trong quá trình vận tải. Người mua cần lưu ý rằng theo điều kiện CIP người bán chỉ phải mua bảo hiểm với phạm vi tối thiểu. Nếu người mua muốn được bảo hiểm với phạm vi lớn hơn; người mua cần thỏa thuận rõ ràng với người bán; hoặc tự mình mua bảo hiểm bổ sung.

Khi sử dụng các điều kiện CPT, CIP, CFR, CIF; người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi giao hàng hóa cho người chuyên chở chứ không phải khi hàng hóa được vận chuyển tới điểm đến quy định.

Điều kiện này có hai điểm tới hạn: rủi ro và chi phí được chuyển giao tại hai địa điểm khác nhau. Các bên sẽ phải xác định rõ điểm giao hàng; nơi rủi ro được chuyển sang cho người mua; và điểm đến quy định, nơi người bán phải ký hợp đồng vận tải.

Nếu nhiều người vận tải được sử dụng cho việc vận chuyển hàng hóa đến nơi quy định; và các bên không có thỏa thuận về điểm giao hàng cụ thể thì rủi ro được chuyển khi hàng hóa đã được chuyển giao cho người chuyên chở đầu tiên tại địa điểm hoàn toàn do người bán lựa chọn; và người mua không có quyền gì về việc này.

Nếu các bên muốn rủi ro được chuyển tại một thời điểm sau đó (ví dụ như tại cảng biển hoặc tại sân bay); thì họ cần phải quy định cụ thể trong hợp đồng.

4. CFR (COST AND FREIGHT) – TIỀN HÀNG VÀ CƯỚC PHÍ

TIỀN HÀNG VÀ CƯỚC PHÍ

CFR (cảng đến quy định)

Điều kiện này chỉ áp dụng với vận tải biển hoặc vận tải đường thủy nội địa.

“Tiền hàng và cước phí” có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí; cước phí cần thiết để đưa hàng hóa đến cảng đến quy định.

Khi sử dụng các điều kiện CPT, CFR, CIP, CIF; người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi người bán giao hàng cho người chuyên chở theo cách thức được quy định cụ thể trong mỗi điều kiện; chứ không phải hàng tới nơi đến.

Điều kiện này có hai điểm tới hạn, vì rủi ro di chuyển và chi phí được phân chia ở các địa điểm khác nhau. Trong khi hợp đồng luôn chỉ rõ cảng đến thì nó có thể lại không chỉ rõ cảng xếp hàng – là nơi mà rủi ro di chuyển sang người mua. Nếu cảng gửi hàng có ý nghĩa đặc biệt đối với người mua; thì các bên quy định trong hợp đồng càng cụ thể càng tốt.

Các bên xác định càng cụ thể càng tốt địa điểm đến đã thỏa thuận; vì các chi phí cho đến địa điểm đó do người bán chịu. Người bán nên ký các hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm này. Nếu theo hợp đồng chuyên chở; người bán phải trả các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại địa điểm chỉ định ở cảng đến; thì người bán không có quyền đòi lại chi phí đó từ người mua trừ phi hai bên có thỏa thuận khác.

Lưu ý:

Người bán phải, hoặc giao hàng lên tàu; hoặc mua hàng đã giao để vận chuyển hàng đến cảng đến. Ngoài ra, người bán phải ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa; hoặc “mua” một hợp đồng như vậy. Từ “mua” ở đây áp dụng cho việc bán hàng nhiều lần trong quá trình vận chuyển (bán hàng theo lô) rất phổ biến trong mua bán hàng nguyên liệu.

CFR không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được giao lên tàu; ví dụ hàng đóng trong container; mà thường là giao hàng tại bến, bãi. Trong trường hợp này nên sử dụng điều kiện CPT.

CFR đòi hỏi người bán thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu có). Tuy vậy, người bán không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu, trả bất kỳ loại thuế nhập khẩu nào hay tiến hành bất kỳ một thủ tục hải quan nhập khẩu nào.

5. CIF (COST, INSURANCE AND FREIGHT) – TIỀN HÀNG, BẢO HIỂM VÀ CƯỚC PHÍ

TIỀN HÀNG, BẢO HIỂM VÀ CƯỚC PHÍ

CIF (cảng đến quy định)

Điều kiện này chỉ áp dụng với vận tải biển hoặc vận tải đường thủy nội địa.

CIF (Cost, Insurance and Freight) – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu; hoặc mua hàng đã giao như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí; cước phí cần thiết để đưa hàng hóa đến cảng đến quy định.

Người bán cũng ký hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm những rủi ro của người mua về mất mát; hoặc thiệt hại của hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Người mua nên lưu ý rằng theo điều kiện CIF; người bán chỉ phải mua bảo hiểm theo điều kiện tối thiểu. Nếu người mua muốn được bảo hiểm ở mức độ cao hơn, thì người mua phải thỏa thuận rõ ràng với người bán hoặc tự mua bảo hiểm bổ sung.

Khi sử dụng các điều kiện CPT, CIP, CFR và CIF, người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi người bán giao hàng cho người chuyên chở theo cách thức được quy định cụ thể trong mỗi điều kiện, chứ không phải khi hàng tới nơi đến.

Điều kiện này có hai điểm tới hạn; vì rủi ro di chuyển và chi phí được phân chia ở các địa điểm khác nhau. Trong khi hợp đồng luôn chỉ rõ cảng đến thì nó có thể lại không chỉ rõ cảng xếp hàng – là nơi mà rủi ro di chuyển sang người mua. Nếu cảng gửi hàng có ý nghĩa đặc biệt đối với người mua; thì các bên quy định trong hợp đồng càng cụ thể càng tốt.

Các bên xác định càng cụ thể càng tốt địa điểm đến đã thỏa thuận; vì các chi phí cho đến địa điểm đó do người bán chịu. Người bán nên ký các hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm này. Nếu theo hợp đồng chuyên chở; người bán phải trả các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại địa điểm chỉ định ở cảng đến; thì người bán không có quyền đòi lại chi phí đó từ người mua trừ phi hai bên có thỏa thuận khác.

Lưu ý:

Người bán phải, hoặc giao hàng lên tàu, hoặc mua hàng đã giao để vận chuyển hàng đến cảng đến. Ngoài ra, người bán phải ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa hoặc “mua” một hợp đồng như vậy. Từ “mua” ở đây áp dụng cho việc bán hàng nhiều lần trong quá trình vận chuyển (bán hàng theo lô) rất phổ biến trong mua bán hàng nguyên liệu.

CIF không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được giao lên tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao hàng tại bến bãi. Trong trường hợp này, nên sử dụng điều kiện CIP.

CIF đòi hỏi người bán thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu có). Tuy vậy, người bán không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu; trả bất kỳ loại thuế nhập khẩu nào hay tiến hành bất kỳ một thủ tục hải quan nhập khẩu nào.

Kết luận

Trên đây là bài viết về điều kiện thương mại quốc tế có thể bạn cần biết. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các điều kiện thương mại quốc tế. Đừng quên theo dõi chuyên mục Điểm tin UB Academy, Diễn đàn U&BankBlog LearnID để cập nhật nhanh nhất thông tin về ngành.