messenger

Chat Mess

zalo

Chat Zalo

phone

Phone

Gọi ngay: 097.5151.777
Hỗ trợ tư vấn: 097.5151.777

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng

Nhân viên Pháp chế là một vị trí quan trọng trong bộ máy Ngân hàng. Nhân viên Pháp chế có trách nhiệm duy trì và đảm bảo mọi hoạt động của Ngân hàng đều nằm trong phạm vi cho phép của Pháp luật. Vậy nên, vị trí Pháp chế Ngân hàng thường yêu cầu khá cao ở các ứng cử viên. Vậy pháp chế ngân hàng cụ thể sẽ làm những việc gì? Có những tiêu chuẩn gì để trở thành một nhân viên pháp chế ngân hàng? Và đặc biệt, câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng có lẽ sẽ trở thành tài liệu mà nhiều bạn ứng viên quan tâm trước mỗi mùa tuyển dụng. UB Academy đã tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng năm 2020 nhằm hỗ trợ các bạn ứng viên chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn sắp tới. Cùng tìm hiểu ngay nhé! 

1. Pháp chế ngân hàng là gì?

Pháp chế ngân hàng là gì

Pháp chế ngân hàng là cụm từ nhiều người đã được nghe nhưng lại chưa thực sự hiểu được đó là gì? 

Thực chất, pháp chế ngân hàng là một công việc trong ngân hàng. Pháp chế ngân hàng là những người đảm bảo cho việc kinh doanh cùng các hoạt động quản lý của ngân hàng đó luôn được đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam. Từ đó giúp ngân hàng đó có thể giảm thiểu rủi ro các vấn đề liên quan đến pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp – chính đáng cho ngân hàng đó. 

Trong một ngân hàng, tổ chức của 1 ban pháp chế sẽ bao gồm những bộ phận cơ bản sau: 

  • Bộ phận tổng hợp và tư vấn pháp lý
  • Bộ phận xử lý nợ
  • Bộ phận pháp lý chứng từ
  • Bộ phận quản lý đầu tư…
  • Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ phận do trưởng ban Pháp chế quy định.

2. Vị trí pháp chế ngân hàng làm những việc gì?

Vị trí pháp chế ngân hàng làm những việc gì

Nhân viên pháp chế hay phòng pháp chế sẽ đại diện cho Ngân hàng trước Tòa án/ Cơ quan giải quyết tranh chấp. 

Nhân viên pháp chế ngân hàng sẽ hỗ trợ pháp lý, tư vấn hay tham gia hỗ trợ hướng dẫn nội bộ các vấn đề pháp lý để xử lý các công việc phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của Ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng trước pháp luật. 

Phòng pháp chế ngân hàng sẽ tham gia đàm phán, soạn thảo hoặc rà soát, có ý kiến về pháp lý đối với các dự thảo hợp đồng, thỏa thuận, hợp đồng theo chỉ đạo của Ban Lãnh đạo ngân hàng. 

Phòng pháp chế ngân hàng sẽ có nhiệm vụ đề xuất hướng xử lý, tham gia giải quyết các vấn đề, vụ việc pháp lý, tố tụng phát sinh liên quan đến hoạt động và kinh doanh của Ngân hàng trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Ban pháp chế ngân hàng cũng sẽ tham gia hỗ trợ thực hiện xây dựng và quản lý các văn bản nội bộ của Ngân hàng đó.

Phòng ban pháp chế ngân hàng sẽ có nhiệm vụ định hướng, kiểm soát, hướng dẫn đồng thời chịu trách nhiệm đối với hoạt động pháp lý và các công việc được phân công phụ trách. 

Tham mưu cho Trưởng phòng/Ban giám đốc giải quyết, xử lý các sự cố, tranh chấp hay vướng mắc về mặt pháp lý phát sinh trong suốt quá trình kinh doanh và làm việc của ngân hàng. Các công việc khác được phân công trong ngân hàng. 

3. Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên pháp chế ngân hàng

Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên pháp chế ngân hàng

Vậy làm thế nào để có thể trở thành một nhân viên pháp chế ngân hàng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bộ tiêu chí sau đây nhé: 

Bởi đây được xem là công việc vô cùng quan trọng, nó có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng đó, vì vậy tiêu chuẩn để trở thành một nhân viên pháp chế ngân hàng cũng rất cao, có thể kể đến là các tiêu chuẩn sau: 

  • Tốt nghiệp các trường đại học đào tạo về Luật từ loại khá trở lên. Tuy nhiên, với các trường ở TOP 1 như Đại học Luật Việt Nam, Khoa Luật Đại Học quốc gia Hà Nội thì cơ hội của bạn có thể sẽ cao hơn.  
  • Yêu cầu kinh nghiệm từ 02 năm trong ngành luật hoặc lĩnh vực liên quan
  • Tiếng Anh, Tin học thành thạo đảm bảo đủ các kỹ năng cần thiết. 
  • Có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, am hiểu về doanh nghiệp và các thủ tục.
  • Và nhiều yêu cầu khác tùy thuộc vào từng chức vụ và ngân hàng mà bạn ứng tuyển. 

Đây được xem là vị trí đáng mơ ước của nhiều người, đặc biệt là các cử nhân ngành Luật. Tuy nhiên, vị trí này luôn đòi hỏi lượng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm lớn hơn các vị trị khác trong ngân hàng, nhưng đi song song với nó lại là mức đãi ngộ hoàn toàn xứng đáng. Mỗi nhân viên Pháp chế đều có vai trò và sứ mệnh to lớn trong ngân hàng, vì vậy, nếu yêu thích công việc này, bạn nên cố gắng hết sức cho nó nhé. Chúc bạn luôn may mắn. 

4. Câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng

Câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng

4.1. Phần câu hỏi phỏng vấn chung 

Phần câu hỏi chung thường là những câu hỏi quen thuộc sẽ xuất hiện ở bất kỳ buổi phỏng vấn nào. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan, bởi cũng có những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại “bẫy” bạn dễ dàng. Đừng bỏ qua những câu hỏi gợi ý dưới đây:

Câu 1: Mời bạn giới thiệu về bản thân mình?

Câu 2: Tại sao bạn chuyển việc/nghỉ việc (đối với ứng viên có kinh nghiệm)?

Câu 3: Bạn hiểu gì về vị trí ứng tuyển?

Câu 4: Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân?

Câu 5: Tại sao bạn nghĩ mình phù hợp với vị trí này? Bạn có tố chất gì phù hợp với vị trí này?

Câu 6: Bạn có hay tìm hiểu về kinh tế vĩ mô và chính sách NHNN không? Bạn thấy kinh doanh ngân hàng hiện nay gặp những khó khăn gì?

Câu 7: Tại sao bạn chọn ngân hàng chúng tôi?

Câu 8: Nếu chúng tôi đề xuất bạn sang vị trí khác, bạn có nhận không? (câu hỏi này có thể là “bẫy” )

Câu 9: Ngoài ứng tuyển ở đây, bạn còn ứng tuyển ở ngân hàng nào khác không?

Câu 10: Nếu bạn trúng tuyển ở cả đây và một/một số ngân hàng khác, bạn sẽ lựa chọn ngân hàng nào?

4.2. Những câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp Chế Ngân hàng

Những câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng thường yêu cầu ứng viên thể hiện được khả năng xử lý tình huống của mình. Vậy nên, bạn hãy chuẩn bị trước kịch bản cho những câu hỏi tình huống thực tế có thể gặp phải dưới đây:

Câu 1: Tình huống: Ông A vay ngân hàng 7 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi trả hàng tháng, gốc trả cuối kỳ, ngày giải ngân 01/01/2021. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đứng tên  B – vợ ông A – trị giá 14 tỷ đồng. Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay về mặt pháp lý đảm bảo đầy đủ thủ tục. Sau khi vay, ông A không trả được nợ, để phát sinh nợ xấu. Ngân hàng khi đó kiểm tra lại hồ sơ bảo đảm thì phát hiện ông Sơn đã ký mạo danh chữ ký của vợ là bà B trên Hợp đồng thế chấp để được Phòng Công chứng chứng thực.

Câu hỏi tình huống 1: 

  • Tình huống trên sai phạm ở khâu nào? Ai đã sai? Vì sao?
  • Các biện pháp xử lý có thể được đưa ra là gì?
  • Các biện pháp phòng ngừa là gì?

Câu 2: Tình huống: Ông C vay Ngân hàng 12 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi trả hàng tháng, gốc trả 02 kỳ, 50% mỗi kỳ, ngày giải ngân 01/01/2021. TSBĐ là quyền sử dụng đất của vợ chồng ông C trị giá 20 tỷ đồng. Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay đã được ký bởi hai bên là Ngân hàng cùng ông C và vợ, nhưng không Công chứng, chứng thực. Đồng thời, TSBĐ cũng không đăng ký giao dịch bảo đảm.

Sau giải ngân, Ngân hàng phát hiện sai sót nên kiên quyết buộc ông C trả lại vốn vay, nhưng ông C không trả. Trao đổi với Công an, trường hợp này nếu tiến hành điều tra thì phải xử lý cán bộ Ngân hàng trước. Do đó, Ngân hàng không chuyển cho Công an, và nếu khởi kiện dân sự thì cũng sẽ nhận được phúc đáp là cho vay không có tài sản bảo đảm do hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Câu hỏi tình huống 2:

  • Trường hợp trên sai phạm ở khâu nào? Ai đã sai? Vì sao?
  • Các biện pháp xử lý có thể áp dụng là gì?
  • Các biện pháp phòng ngừa là gì?

Câu 3: Tình huống: Bà H vay Ngân hàng 8 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi trả hàng tháng, gốc trả cuối kỳ, ngày giải ngân 01/01/2021. TSBĐ trị giá 10 tỷ đồng của bố mẹ ủy quyền lại cho bà H đem thế chấp ngân hàng. Thời hạn ủy quyền ghi trong Hợp đồng ủy quyền là 18 tháng kể từ ngày 01/12/2020. Hết thời hạn ủy quyền (01/05/2021) bà H không trả được nợ gốc và một phần lãi. Ngân hàng khởi kiện dân sự thì Tòa án thông báo thời hạn hợp đồng ủy quyền đã quá hạn nên Hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu. Chuyển hồ sơ sang Công an thì được trả lời là không có dấu hiệu hình sự.

Câu hỏi tình huống 3:

  • Sai phạm ở khâu nào? Ai đã sai? Vì sao?
  • Các biện pháp xử lý?
  • Các biện pháp phòng ngừa?

Câu 4: Công ty TNHH X chỉ có hai thành viên. Một thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty không may qua đời, ai là người đại diện Công ty X đứng ra giao dịch?

Câu 5: Công ty TNHH một thành viên Y (Công ty Y) là công ty hạch toán độc lập, chủ sở hữu là Công ty Z. Vậy Công ty Y có thẩm quyền quyết định việc vay vốn của Công ty Y không?

Câu 6: Công ty TNHH A có đơn vị phụ thuộc là Chi nhánh B. Hiện nay, Chi nhánh B có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng. Vậy, Chi nhánh B có được coi là một khách hàng độc lập không? Ngân hàng có thể cho vay đối với khách hàng là Chi nhánh B không?

4.3. Tham khảo thêm câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng (phần 1)

Câu 7: Một khách hàng vay vốn theo hợp đồng hạn mức tín dụng có thời hạn cấp hạn mức là 12 tháng (kể từ ngày 01/3/2021 đến ngày 28/02/2022). Thời hạn mỗi khoản vay theo khế ước nhận nợ không quá 04 tháng. Vậy đến ngày 14/01/2022, SHB có thể cho khách hàng nhận nợ theo khế ước mới là 06 tháng không?

Câu 8: VietinBank phát hành thư bảo lãnh cho khách hàng tham gia dự thầu xây dựng cho một dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước. Hiệu lực của thư bảo lãnh là 150 ngày kể từ ngày đóng thầu (15/11/2020). Khách hàng đã tham gia dự thầu và trúng thầu theo thông báo của bên mời thầu (ngày 30/12/2020). Vậy VietinBank có thể giải tỏa bảo lãnh dự thầu trước thời hạn (vào ngày 15/01/2021) khi khách hàng chưa nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho bên mời thầu được không?

Câu 9: Trong thời kỳ hôn nhân, Ông A được thừa kế của bố mẹ đẻ một căn nhà và đất. Hiện ông A đã làm thủ tục sang tên trên sổ đỏ (chỉ ghi tên ông A). Vậy nếu ông A thế chấp căn nhà đó để vay vốn của TCTD thì có cần người vợ cùng ký vào hợp đồng thế chấp không?

Câu 10: Vợ chồng ông A và bà B lập di chúc chung để lại di sản là quyền sử dụng đất cho người con của mình là ông C. Ngày 01/01/2020, ông A qua đời (bà B còn sống). Trên cơ sở di chúc chung của vợ chồng ông A và bà B, ngày 15/01/2020, ông C đến ngân hàng vay vốn và muốn thế chấp quyền sử dụng đất được thừa kế này. Hỏi trường hợp này, ngân hàng có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất theo đề nghị của ông C không?

4.4. Tham khảo thêm câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng (phần 2)

Câu 11: Khách hàng là Công ty cổ phần, có nhà xưởng được xây dựng trên 06 lô đất liền nhau. Các lô đất này do 06 thành viên góp vốn vào công ty (theo biên bản góp vốn giữa các thành viên) nhưng trên Sổ Đỏ vẫn đứng tên các thành viên. Vậy Công ty cần những thủ tục gì để thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên để vay vốn tại TCTD?

Câu 12: Khách hàng A và B đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2009. A và B đăng ký kết hôn năm 2010. Năm 2011, A và B có nhu cầu thế chấp tài sản để vay vốn tại TCTD. Việc A và B ký trên hợp đồng thế chấp với tư cách là bên thế chấp có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Câu 13: Quyền sử dụng đất được cấp năm 2004 cho hộ gia đình có 03 thành viên gồm: 02 vợ chồng (ông A, bà B), và 01 người con là anh C. Năm 2011, Anh C chết (không để lại di chúc), tại thời điểm chết anh C đã có vợ. Hiện tại các bên vẫn chưa chia di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất của anh C. Hỏi khi thế chấp quyền sử dụng của hộ gia đình nêu trên có phải được sự đồng ý của vợ anh C không?

Câu 14: SeABank và các thành viên của hộ gia đình cần ký phụ lục hợp đồng thế chấp (tài sản thế chấp là nhà đất của hộ gia đình), nhưng tại thời điểm ký thì hộ gia đình đã có thêm 1 thành viên đủ 15 tuổi. Vậy, thành viên đủ 15 tuổi này có cần ký vào phụ lục hợp đồng thế chấp không?

4.5. Tham khảo thêm(phần 3)

Câu 15: Ông Nguyễn Văn A hiện đang vay vốn tại MSB. Nay ông Nguyễn Văn A cải chính hộ tịch, đổi tên thành Nguyễn Quang B. Trường hợp này, việc cải chính hộ tịch có làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của khách hàng với MSB không?

Câu 16: Thời hạn hiệu lực của Thư bảo lãnh thanh toán do OceanBank phát hành là 30 ngày. Tuy nhiên, ngày hiệu lực cuối cùng của thư bảo lãnh trùng với ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Vậy thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của OceanBank có chấm dứt vào ngày nghỉ, ngày lễ đó không?

Câu 17: Khách hàng là Công ty ABC thế chấp một Quyền sử dụng đất để vay mua một chiếc xe ô tô, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là cho thuê xe du lịch. Sau đó, công ty ABC lại phát sinh nhu cầu vay một món ngắn hạn nữa tại ngân hàng, và muốn dùng chiếc xe ô tô này làm tài sản bảo đảm cho món vay tiếp theo. Vậy chiếc xe ô tô này có được sử dụng để thế chấp tiếp cho món vay mới không? Cần phải chú ý điều gì trong trường hợp này?

Câu 18: Ông A là chủ sở hữu căn hộ chung cư X, hiện nay ông A đang chịu hình phạt tù trong trại giam. Vậy ông A có được dùng tài sản là căn hộ chung cư X thế chấp ngân hàng để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn của bà B hay không?

Kết luận

Trên đây là tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn vị trí Pháp chế Ngân hàng năm 2020 mới nhất. Hy vọng bạn đã có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tốt nhất cho buổi phỏng vấn sắp tới. Trong trường hợp bạn không có thời gian tự học, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những khóa học luyện thi ngân hàng tại UB Academy để có được một lộ trình học hiệu quả nhất. Mọi thông tin chi tiết về các khóa học đều có tại UB Academy.